"Đẻ đi cho vui cửa, vui nhà!"
Câu nói quen thuộc tưởng bình thường này dù không ác ý nhưng nghĩ kĩ lại liệu có chứa đựng một suy nghĩ thiển cận của người lớn? Trẻ con không phải là thứ để mua vui cho người lớn, chúng cần được đến với thế giới này bằng 1 sự tôn nghiêm và trân trọng...
Con là xương là thịt, là trái tim non nớt, không phải là khúc gỗ để đóng đinh
Gần đây 2 vụ việc liên tiếp xảy ra liên quan đến bạo hành trẻ em, đáng nói là bạo hành đến chết và nguy kịch đến tính mạng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Những hành động vô nhân tính đến mức không thể tưởng tượng nổi về việc dùng gậy gỗ đánh đến mức tử vong đứa trẻ 8 tuổi, còn một em bé khác thì bị găm đến 9 chiếc chiếc đinh trong hộp sọ.
Điều đáng nói là cả 2 bé đều đang sống cùng cha hoặc mẹ mình, các em đều ở trong hoàn cảnh gia đình tan vỡ, bố mẹ ly hôn và sống cùng với bố (hoặc mẹ). Nhưng cuối cùng cha mẹ lại không là người bảo vệ được con (thậm chí đồng lõa) để người tình của mình xuống tay hại chết (hoặc nguy kịch) con mình. Điều đáng nói, chuyện bạo hành này không phải là 1 cơn nóng giận hay 1 lần bốc đồng thú tính của ai đó, nó đã có những tiền lệ xảy ra trước đó.
Bé gái 8 tuổi ở TP.HCM thì cũng đã từng có tiền lệ bị hành hung đến mức phải khâu ở đầu, chân tay thâm tím... cha đứa bé đồng tình cách dạy dỗ "yêu cho roi cho vọt" của người tình. Còn bé gái 3 tuổi ở Hà Nội không chỉ là 9 chiếc đinh găm trong đầu (nghi là gã người tình làm nghề thợ mộc ra tay với bé), trước đó mẹ bé đã từng 3 tháng đưa con đi viện 3 lần vì lúc uống phải thuốc sâu, lúc thì có đinh trong ổ bụng...
Những mẹ kế, cha dượng (chưa chính danh) kia tàn ác đến mức khiến người ta phẫn nộ đã là 1 nhẽ. Ai cũng có câu hỏi đặt ra: Cha mẹ các bé là kẻ đồng phạm hay quá nhu nhược mà thấy con "chết" không cứu?
Mọi người cùng tiếp tục lật ngược lại rằng: Đó có phải là cái giá của ly hôn? Khi tai ương thường xảy đến với những gia đình khuyết thiếu, cha mẹ đã ly hôn trước đó, họ chia nhau con này ở với bố, đứa kia ở với mẹ. Phép chia có lúc chia hết như 2 đứa trẻ chia đôi, cũng có khi có dư như 3 đứa trẻ chia đôi... Sợ con bị ảnh hưởng về tinh thần đã là một nhẽ, đến ngay cả tính mạng của con cũng bị tước đoạt hoặc đe dọa, có phải khởi nguồn từ ly hôn?
Bởi thế, khi những vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra thì người ta hỏi nhau: Lại ly hôn à? Cha dượng (mẹ kế) xuống tay à? Thái độ "không có gì lạ" vì nguyên do ly hôn được nhiều người đặt ra. Và mặc dù sự thực lỗi không phải vì ly hôn mà là những kẻ thủ ác mất nhân tính và những người cha, người mẹ nhu nhược yếu đuối hoặc cũng có khi tàn ác. Nhưng chúng ta cũng phải công nhận, ly hôn là 1 phần dẫn đến hệ lụy của những câu chuyện đau lòng trên.
Dù không phải gia đình cứ ly hôn là con cái đều gặp khó khăn trong cuộc sống, bị ấu dâm, cưỡng hiếp, bạo hành hoặc nổi loạn... Có rất nhiều cha mẹ đơn thân đã nuôi con khôn lớn và những đứa trẻ đã lớn lên thành người tử tế.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng sẽ là tốt nhất nếu đứa trẻ được sống trong một tình yêu đầy đủ của mẹ, của cha. Rằng nếu phải ly hôn vì 2 người lớn không còn tiếng nói chung, tốt nhất phải xác định với nhau rất rõ ngay cả khi mỗi người một nơi thì tình yêu và sự quan tâm dành cho con không bao giờ thay đổi, thậm chí nó còn cần được tăng lên gấp đôi.
Có như thế, sự tan vỡ này mới đúng chỉ là chuyện của người lớn, rằng họ đã giải được bài toán hôn nhân của bắt đầu hay kết thúc trọn vẹn.
Cái gì có thể vội nhưng ly hôn thì không
MC Thảo Vân trong một lần tâm sự chuyện cha mẹ ly hôn trước đây chị đã từng nói: "Cái gì có thể vội nhưng ly hôn không vội được. Giống như quyết định kết hôn, ly hôn cũng là quyết định hệ trọng trong cuộc đời. Trước khi đi đến quyết định này mình nghĩ cả hai phải có sự nghiền ngẫm nhiều thời gian, nhiều góc cạnh. Bởi mối quan hệ vợ chồng không chỉ là mối quan hệ của 2 người mà liên quan đến nhiều người. Sau quyết định ly hôn chắc gì mình đã là người khổ nhất".
MC Thảo Vân và nghệ sĩ Công Lý trước đây đã là 1 gia đình hạnh phúc và có chung "cậu bé Tít". Họ chia tay trong văn minh và sau này hành xử với nhau khiến ai cũng tấm tắc vì 1 cuộc chia tay văn minh. Chị đã từng kể: "Khi rời khỏi tòa án tôi và anh ấy vẫn ôm nhau khóc, anh lái xe đưa tôi về tận nhà. Chuyện đã qua 6-7 năm rồi. Không thể nói rằng chia tay không buồn, không có khoảng thời gian sốc, nhưng ngay từ giây phút đó tôi đã đã xác định bỏ qua tất cả".
Nếu xét lại thì "quy trình ly hôn" của MC Thảo Vân rất "cẩn trọng". Quyết định ly hôn dựa trên suy nghĩ chín chắn chứ không phải một quyết định bốc đồng; vì chị hiểu ly hôn không phải là chuyện của riêng chồng hay vợ, nó còn ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ khác, đặc biệt là con cái.
MC "Chuyện đêm muộn" cũng khẳng định nếu không còn tình cảm với nhau thì cha mẹ cũng không nên giả tạo cố sống với nhau để cho con một gia đình "giống hạnh phúc". Sau khi ly hôn, dù không còn là vợ chồng nhưng chị và bố bé Tít bắt tay nhau làm bạn, "bỏ qua tất cả" để con "được hưởng điều tốt nhất có thể".
Dù chị cho rằng con trai mình vui vẻ, ít bị ảnh hưởng bởi quyết định ly hôn của cha mẹ nhưng: "Nói hạnh phúc trọn vẹn thì sao mà có thể khi bố mẹ không còn cùng ở bên con nữa, chúng ta chỉ có thể bù đắp cho con nhiều nhất có thể thôi. Bố mẹ nên giữ mối quan hệ tốt đẹp nhất sau khi chia tay để cho con được hưởng điều tốt nhất có thể".
Nhắc lại câu chuyện và quan điểm của MC Thảo Vân về vấn đề ly hôn khi gần đây 2 vụ việc quá đau lòng xảy ra cũng là để chúng ta nhớ rằng cha mẹ không vô can trong việc này. Dù người xuống tay hại con mình đến chết không phải trực tiếp bởi người làm cha làm mẹ, nhưng dù sao họ cũng có trách nhiệm gián tiếp trong đó.
Có những người ngay từ khi bắt đầu 1 cuộc hôn nhân đã mông lung, bước chân vào hôn nhân bằng sự hoài nghi và kết thúc hôn nhân bằng lòng sân hận. Cuối cùng ai là người phải khổ, đó chính là đứa con.
Những đứa trẻ bắt đầu đến với thế giới không bằng một sự trân quý cần có, lúc cha mẹ chung sống thì toàn cãi vã, lúc họ chia tay thì bị bạo hành... Hoặc chỉ cần ngay cả 1 giai đoạn nào đó trong đời sống hôn nhân của cha mẹ (bắt đầu, đang diễn ra, kết thúc) bị lỗi cũng ảnh hưởng đến những đứa trẻ.
Vì thế, nhìn những câu chuyện đau lòng kia đi, "con nhà người ta" thật đấy nhưng đều là máu là xương là những đứa trẻ ngây thơ vô tội.Hãy nói với nhau về "tình yêu sau cuối" khi người làm cha, làm mẹ thôi yêu nhau
Bình thường người ta hay nói với nhau đừng dí mũi vào chuyện nhà khác, nhưng với tính mạng, sự an toàn và hạnh phúc của trẻ thơ thì hãy sống có trách nhiệm như thể "chuyện của nhà người ta" nhưng như thể chuyện nhà mình. Hãy nhìn lại cuộc hôn nhân mình đang sống đã đủ chưa để cho con những nụ cười?
Hãy bắt đầu, tiếp tục hay dừng lại hôn nhân bằng 1 sự nghiêm túc cần có. Không nhất thiết phải ở mãi trong 1 cuộc hôn nhân tồi tệ, nhưng trước khi rời đi, trước khi đến quyết định ly hôn hãy chậm lại 1 chút để suy nghĩ về nó như 1 người trưởng thành. Và nếu đó là quyết định phải xảy ra hãy nói với nhau về "tình yêu sau cuối" người làm cha làm mẹ thôi yêu nhau có thể làm là tiếp tục yêu thương đứa con chung của mình... thậm chí nhiều hơn trước.
Chúng ta đã mang con đến với thế giới này và chúng ta phải có trách nhiệm cho con 1 cuộc sống hạnh phúc, chứ không chỉ là 1 tính mạng an toàn.
Và những đứa trẻ đã chết tức tưởi vì "phiên bản lỗi hôn nhân" của cha mẹ, chúng có thể sẽ tha thứ cho sự buông thả của cha mẹ mình. Nhưng mãi mãi kẻ ở lại sẽ day dứt về nụ cười thiên thần, những cái vuốt mà và bàn tay nhỏ xinh... hay cả những tiếng khóc than mà cha mẹ chúng đã nghe thấy hoặc vô tình hay cố ý không nghe thấy...