Có con ở tuổi đi học, không ít phụ huynh đau đầu khi bị bạn bắt nạt nhiều lần mà vẫn chưa tìm ra cách giải quyết hiệu quả.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội), để phòng tránh những tình huống con bị bắt nạt, bố mẹ có thể hướng dẫn con ngăn chặn bằng cách đưa ra lời cảnh báo với đối phương như “dừng lại”, “đừng động vào tôi”...
“Bố mẹ cũng có thể định hướng cho con trước những tình huống mà con gặp phải như cho con nhập vai con bị bắt nạt thì con sẽ làm gì. Cụ thể, bố mẹ có thể đóng vai kẻ bắt nạt, trong khi con bạn thực hành các phản ứng khác nhau cho đến khi bé cảm thấy tự tin xử lý các tình huống rắc rối.
Cùng với đó, bố mẹ hãy dạy con nói bằng giọng mạnh mẽ, thái độ dứt khoát để lấn át đối phương.
Từ khi con 3 tuổi, bé đã sẵn sàng học các thủ thuật để có thể bảo vệ bản thân. Hãy giúp con thực hành cách nhìn thẳng và lên tiếng ngăn chặn khi có người khác đang làm phiền con”, nữ chuyên gia nêu giải pháp.
Cũng theo chuyên gia này, bố mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng, kiến thức và tâm lý mạnh mẽ để biết cách đối mặt, tự bảo vệ trước nguy cơ bị bắt nạt là rất cần thiết chứ không nên dạy con cách cam chịu, nhẫn nhịn.
Bởi lẽ hiện nay tâm lý của một số phụ huynh là khuyên trẻ nên nhẫn nhịn cho qua, một điều nhịn là chín điều lành, tuy nhiên đây được cho là phương pháp chưa đúng đắn.
“Nhẫn nhịn không hề giúp đứa trẻ thoát khỏi tình huống bị bắt nạt mà con tăng nguy cơ bị bắt nạt với nhiều hình thức khác nhau.
Cách tốt hơn chúng ta cần dạy trẻ sự dũng cảm để chấm dứt hành vi này, lôi kéo sự giúp đỡ của những trẻ khác để hỗ trợ, cầu cứu sự tham gia của giáo viên; và quan trọng là con bạn phải biết lên tiếng đề nghị đối phương không được tiếp tục trêu chọc mình.
Nhiều phụ huynh dạy con cách tự vệ khi bị bắt nạt ở trường, tuy nhiên, tự vệ không phải là dạy trẻ đánh trả lại bằng vũ lực. Chúng ta cần dạy trẻ sự dũng cảm để chấm dứt hành vi này nhưng quan trọng nhất là bảo vệ an toàn cá nhân của trẻ.
Cha mẹ nên dạy con những kỹ năng cần thiết, tinh thần cũng mạnh mẽ hơn khi đối mặt với tình huống bị bắt nạt.
Bởi lẽ, việc một đứa trẻ tới trường thường xuyên bị bắt nạt gây ra nhiều hệ lụy, khiến con sẽ trở nên sợ hãi, không muốn đi học, về nhà không dám kể cho cha mẹ nghe… Tâm lý của con trẻ sẽ bị ảnh hưởng ghê gớm, có thể dẫn đến khủng hoảng, rối loạn tâm thần. Những tình huống xấu đó sẽ là sự ám ảnh theo trẻ mãi trong cuộc đời.
Khi một đứa trẻ bị bắt nạt ở trường, trẻ sẽ rất bất bình và hoảng sợ. Nếu hiểu được điều này, cha mẹ cần kịp thời xoa dịu cảm xúc của trẻ, đồng hành cùng con. Cha mẹ nói với trẻ rằng ''đừng sợ hãi, dù có chuyện gì xảy ra cha mẹ vẫn sẽ luôn ở bên cạnh ủng hộ và bảo vệ!''.
Cùng với đó, bố mẹ nên liên hệ với nhà trường để tìm hiểu lý do tại sao con mình bị bắt nạt. Chỉ có như vậy, phụ huynh và giáo viên mới có thể cùng nhau tìm ra giải pháp hợp lý nhất cho vấn đề để bảo vệ con em mình'', chuyên gia tâm lý phân tích..
Bảo vệ sự an toàn của con cái ở trường là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Vì vậy, khi trẻ bị người khác bắt nạt trong trường học, cha mẹ phải giải quyết sự việc một cách đúng mực và tích cực, nhanh chóng giúp trẻ lấy lại tinh thần càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, bố mẹ nên nuôi dưỡng sở thích thể thao cho con ngay từ nhỏ, khi có thể lực tốt và cơ thể khỏe mạnh, trẻ sẽ thêm tự tin vào bản thân, tinh thần cũng mạnh mẽ hơn cũng là cách cho con sự tự tin trước những đối thủ có ý định bắt nạt .