"Con gái mẹ tệ vậy thì ly hôn đi!"
Chị Loan (Hà Đông, Hà Nội), 40 tuổi, đã sống trong 1 cuộc hôn nhân 15 năm, "bệnh to" như ngoại tình, vũ phu, cờ bạc phá phách thì chồng chị không mắc phải. Anh mắc "bệnh nhẹ" là bệnh lèm bèm, nói dai như đỉa, đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành. Nhưng "bệnh nhẹ" này lại đủ khiến chị phát sợ với 1 cuộc hôn nhân ít tiếng cười và luôn trong trạng thái stress.
Ngày nào chị cũng phải đối mặt với những lời ca thán, những lời rác tai, nói xấu và miệt thị vợ mỗi ngày, chồng chị luôn miệng chê vợ, càm ràm đủ thứ chuyện từ nhỏ đến lớn. Cũng có hôm bức xúc quá chị bóng gió tâm sự, mẹ chị bảo: "Con còn mong gì hơn, nó không rượu chè, cờ bạc gái gú, tiền cũng kiếm được. Mỗi cái tật nói nhiều thì cứ kệ đi. Ai cũng có nhược điểm nhịn nhau chút con ạ".
Chị Loan không muốn kể hết sự tình khiến mẹ lo lắng, mẹ chị cũng chỉ hiểu câu chuyện đến đó nên mẹ nói ưu điểm của chồng để khuyên chị giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Chị kể: "Cứ hôm nào lão ấy vắng nhà là 3 mẹ con vui vẻ hát hò líu lo ấy vậy mà thấy ông ấy về cả nhà nín bặt. Nào thì lão sẽ kêu sao cái này đặt chỗ này, sao cái kia đặt chỗ kia, sao đồ đạc lại mang đi cho, sao làm vỡ chiếc cốc ông ý thích, sao cái này đắt, cái kia rẻ... Lúc nào ông ý cũng kiếm chuyện để nói được.
Mà ông ý sạch sẽ ngăn nắp gì cho cam. Cũng tất vứt mỗi chiếc 1 nơi, cơm không biết nấu, việc gì cũng chờ vợ làm. Thậm chí hôm nào lão đòi 'chuyện ấy' mà mình bảo mệt, ông ý sẽ nói liên hồi rằng là đi ra ngoài với thằng nào chán rồi nên thế chứ gì.
Tất cả những điều này không chỉ nói 1 lần mà là nói nhiều lần, nói đi nói lại mãi. Tính thì ra ngoài lúc nào cũng tỏ vẻ hào sảng phóng khoáng, nhưng về nhà là chê vợ, chê con không trượt từ ngoa ngoắt nào.
Có hôm mẹ mình mua bưởi ngon nên mua cả cho nhà mình mấy chục quả. Lão ở đó cứ càm ràm cái gì cũng tha lôi, mình không muốn nghe điếc tai tự vần mấy chục quả bưởi lên nhà. Thế nhưng lúc về lão lại bảo: 'Bưởi ngon phết nhỉ. Anh lấy 10 quả đi biếu khách'".
Một lần vì chuyện rau chị nấu có vướng 1 cọng vàng mà chồng chị bốc điện thoại gọi thẳng cho mẹ vợ để "tố" con gái bà: "Con đã bảo rau sạch gì thì sạch nhưng phải tươi, chứ ăn rau héo rũ ra thì sạch cũng thành bẩn, ăn thế để ung thư mà chết à? Con nói mãi bao lần vẫn thế. Vợ con đúng là chẳng bằng móng tay của chị Hà (chị gái vợ). Mẹ xem con đi làm về vất vả, ăn bữa cơm không nên hồn...". Chồng chị bật loa nên chị nghe rõ, tiếng mẹ chị rành rọt: "Thôi con gái mẹ tệ vậy thì con ly hôn đi, một quả thối sẽ làm quả bên cạnh hỏng lây đấy, con người cũng vậy. Con ly hôn nó đi cho nhẹ nợ".
Chị Loan thấy chồng mình im bặt, anh ta bối rối 1 lúc rồi nói: "Con cũng giận quá mà nói thế thôi ạ". Chị đã không muốn làm to chuyện sợ bố mẹ mình buồn nhưng anh ta được thể càng lấy chuyện đó ra mách với bố mẹ vợ cho vợ sợ. Nhưng không ngờ lần này mẹ chị lại phản ứng như vậy.
Quy luật lây lan thối rữa của hoa quả
Mẹ chị Loan có nói đến vế "một quả thối sẽ làm quả bên cạnh hỏng lây". Cụm từ "luật hoa quả" của gen-z trong trường hợp này lại quá chuẩn.
Mẹ chị bảo: "Con không nói với mẹ nhưng chị con đã kể hết rồi. Nên thôi, tùy con quyết định. Nếu con cảm thấy ly hôn mà thanh thản hơn mẹ ủng hộ. Cam chịu nhau cả 1 đời mà không hạnh phúc thì không đáng con ạ. Sống cạnh 1 người tiêu cực bản thân con cũng chỉ đi xuống không đi lên được".
Mẹ chị Loan cũng nói cho chị về câu chuyện liên quan đến quy luật thối rữa có tính lây lan của hoa quả. Trong một giỏ hoa quả có một quả bị thối, thì tất cả các quả còn lại đều dễ bị thối theo rất nhanh. Đặc biệt, nếu quả thối hỏng nằm ở đầu giỏ thì tốc độ lây lan càng nhanh hơn. Ngay cả khi số lượng quả tươi nhiều hơn nhưng không thể ngăn được sự lây lan từ một quả đã bị thối hỏng và càng không thể biến nó trở lại tươi ngon như trước.
Khi quả bị thối, quả bên cạnh sẽ thối theo, đó là hoa quả. Và con người cũng tương tự như thế.
Trong cuộc sống hôn nhân, nếu chọn nhầm người bạn đời, bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến bạn chứ không đơn thuần chỉ là chịu đựng mà xong.
Vì vậy, con người thà ở một mình còn hơn ở cạnh sai người. Nếu chọn sai người nhất định phải sửa chữa sai lầm đó bằng cách thoát ra khỏi nó hoặc chọn lại. Vì nếu không bạn cũng sẽ bị "tàn lụi" vì ai đó như quy luật lây lan thối rữa của hoa quả kia.
Một ông chồng lèm bèm sẽ chỉ là người đàn ông lèm bèm, người ngoài không để ý đến anh ta là xong. Nhưng là vợ là chồng mỗi ngày phải chịu đựng rác ném vào tai mỗi ngày bạn sẽ không thể yên ổn.
Ly hôn là điều không ai mong muốn, cũng không nên quyết định vội vàng kiểu hứng lên là cưới, không vui là bỏ. Nhưng nếu như mọi sự nhẫn nhịn, mọi sự cố gắng của bạn đều không được ghi nhận hoặc việc chọn sai người đã được kiểm chứng theo thời gian và mọi cố gắng sửa chữa không có kết quả hãy kết thúc nó... khi chưa quá muộn. Thà sống một mình còn hơn là khi có người ở bên cạnh mà vẫn cảm thấy cô đơn.
Thà sống 1 mình còn hơn ở cạnh người đàn ông tồi
Ở câu chuyện trên dù anh chồng không mắc những lỗi lớn theo cách người ta vẫn nghĩ, chỉ là đàn ông lèm bèm hoặc những anh đàn ông tính đàn bà, nhưng bản chất anh ta không hề yêu vợ, anh ta chỉ tìm cách để được thỏa mãn bản thân mình chứ chưa bao giờ nghĩ cho vợ.
Một người đàn ông lúc nào cũng thấy vợ xấu xí tồi tệ chứng tỏ anh ta không có nhiều tình cảm với vợ. Một mối quan hệ tuy không nguy hiểm đến mức gây thương tích, nhưng độc hại từ lời nói thì âm thầm giết bạn theo cách âm ỉ dần mòn và khiến bạn cảm thấy quyền tự do bị tước đoạt.
Người ta bảo 1 mối quan hệ đúng là 1 mối quan hệ vui, cách định nghĩa đơn giản này sẽ cho bạn cái nhìn đúng đắn. Khi người bạn đời ở cạnh chỉ mang lại cho bạn 1 mối quan hệ độc hại thì hãy cân nhắc và đánh giá lại mối quan hệ của bạn.
Đôi bên cùng nói chuyện lại với nhau xem có giải pháp nào hợp lý. Đừng im im chịu đựng sống cạnh 1 "trái cây thối rữa" để chính mình bị lây nhiễm lúc nào không hay. Khắc phục nó, đánh giá mức độ nghiêm trọng và quyết định.
Ngay cả khi bạn chọn phương án ly hôn, hãy vui vẻ với nó. Bản lĩnh của phụ nữ là cầm lên được thì cũng phải buông bỏ được. Đừng để mình tàn lụi vì "trái cây hỏng" ở bên cạnh trước khi thấy mình cũng đang "thối rữa" ra!