Ngày nay, tivi, điện thoại, máy tính bảng đã trở nên quá phổ biến. Trẻ con dù ít hay nhiều vẫn có niềm đam mê đặc biệt với những thiết bị điện tử này. Có trẻ được bố mẹ kiểm soát thì xem ít hoặc vừa phải, có trẻ được xem tự do trở nên nghiện, cứ ở nhà là không rời mắt khỏi các loại màn hình, thậm chí khi đi ra ngoài, thế giới bên ngoài cũng không thu hút chúng rời mắt khỏi điện thoại.

Trong khi đó ai cũng biết xem nhiều các thiết bị điện tử tác động xấu đến trẻ như thế nào. Song nhiều cha mẹ than vãn rằng dùng đủ mọi cách cũng không biết làm thế nào để con bớt xem tivi, điện thoại.

Trẻ nhỏ khi bị bố mẹ yêu cầu tắt tivi, điện thoại thường hay năn nỉ "Cho con xem thêm 2 phút nữa thôi!". Rơi vào hoàn cảnh này, cha mẹ sẽ ứng xử với con như thế nào? Cách làm của 3 bà mẹ dưới đây sẽ giúp bố mẹ tìm ra được cách hợp lý nhất giúp con mình tắt tivi, điện thoại mà không khóc lóc, ăn vạ.

Con mải xem tivi không chịu tắt, 3 bà mẹ có 3 câu nói hoàn toàn khác nhau và hiệu quả cũng khác biệt rõ rệt - Ảnh 1.

Khi bị bố mẹ yêu cầu tắt tivi, điện thoại, trẻ thường hay năn nỉ "Cho con xem thêm 2 phút nữa thôi!" (Ảnh minh họa).

Bà mẹ thứ nhất: Kiên quyết bắt con tắt tivi ngay lập tức

Sau khi đi làm về, thấy con trai đang xem phim hoạt hình trên tivi và cười như nắc nẻ, chẳng đoái hoài gì đến mẹ, bà mẹ vô cùng tức giận. Cô đứng trước mặt con, cũng là chỗ che khuất màn hình tivi con đang xem rồi nghiêm mặt yêu cầu con tắt tivi ngay. Con trai nói "Cho con xem thêm 2 phút được không mẹ?". Bà mẹ kiên quyết: "Không là không, tắt ngay không mẹ không nói chuyện với con nữa". Cậu bé lập tức gào khóc to, không tắt. Một cuộc xung đột cảm xúc xảy ra giữa hai mẹ con.

Trên thực tế, không chỉ trẻ con mà người lớn cũng vậy, khi đang xem tivi, nếu ai đó bắt tắt ngay lập tức, trẻ sẽ phản kháng mạnh mẽ, vô cùng tức giận. Có đứa trẻ khóc nhưng không tắt, rồi mẹ càng căng thẳng, có thể phải dùng đến đòn roi.

Trong trường hợp này, các chuyên gia tâm lý khuyên bố mẹ nên kiềm chế cảm xúc và cho con chuyển đổi trạng thái một cách từ từ. Hãy nói với con rằng không nên xem tivi quá lâu, sẽ có hại cho mắt, cho sức khỏe, tivi nên được tắt đi và con có thể xem vào 1 lúc khác. Như thế, trẻ sẽ không phản kháng mạnh mẽ.

Con mải xem tivi không chịu tắt, 3 bà mẹ có 3 câu nói hoàn toàn khác nhau và hiệu quả cũng khác biệt rõ rệt - Ảnh 2.

Bà mẹ thứ hai: Chuyển sự chú ý của trẻ

Cũng sau khi đi làm về, thấy con đang xem tivi, bà mẹ đến ôm chào con. Tiếp đó, cô lấy ra một hình Iron Man trong túi - món đồ chơi con thích và nói "Đoán xem mẹ mua gì cho con nào? Tắt tivi chơi với mẹ được không?". Không hề phản kháng, cậu bé tắt tivi và chạy đến chơi cùng mẹ.

Phân tích của chuyên gia tâm lý, không nhất thiết phải lúc nào cũng mua một món đồ chơi mới, điều cốt yếu của cách làm này là chuyển sự chú ý của trẻ ra khỏi chiếc tivi đang xem. Một trò chơi, một món ăn, hay đơn giản là việc bố mẹ dành thời gian, sự tập trung tuyệt đối vào con là có thể kéo sự tập trung của trẻ sang hướng khác.

Con mải xem tivi không chịu tắt, 3 bà mẹ có 3 câu nói hoàn toàn khác nhau và hiệu quả cũng khác biệt rõ rệt - Ảnh 3.

Muốn con không sa đà vào tivi, điện thoại, bố mẹ cần dành thời gian cho con nhiều hơn (Ảnh minh họa).

Bà mẹ thứ 3: Quy định thời gian cố định xem tivi trong ngày

Đây cũng là cách làm đã được khá nhiều phụ huynh áp dụng thực tế. Xem 30 phút sau khi đi học về, xem 15 phút sau khi ăn cơm, xem 1 giờ vào ngày cuối tuần... Bằng cách này, trẻ sẽ phân định rõ đâu là giờ ăn, giờ chơi, giờ xem tivi... Khi đã thành thói quen, trẻ sẽ tự giác xem đúng thời gian quy định, bố mẹ cũng không cần nhắc nhở con tắt tivi nữa. Vì thế, khi nghe con nói "Cho con xem thêm 2 phút nữa nhé!", bà mẹ thứ 3 đã nói "Đúng 2 phút là con tự tắt đi nhé!", con trai vui vẻ thực hiện đúng như quy định.

Theo các chuyên gia, bố mẹ có thể du di 2 phút này, nhưng sau đó phải yêu cầu con tắt, không thêm 2 phút nào khác nữa, nếu không, trẻ sẽ quen đòi hỏi ở những lần sau.

Trên thực tế, nhiều trẻ không có ham muốn đặc biệt với việc xem tivi, điện thoại. Ấy là những đứa trẻ đã được bố mẹ kiểm soát ngay từ nhỏ: Không cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử trước 2 tuổi; giới hạn thời lượng xem sau 2 tuổi.

Bất cứ cách ứng xử nào cũng còn tùy thuộc vào tính cách và thói quen của mỗi đứa trẻ. Nhưng dù là cách nào, điều quan trọng hơn cả vẫn là bố mẹ dành thời gian cho con, đưa con ra ngoài vui chơi ngoài trời... Những việc này không chỉ tác động tích cực đến sực phát triển thể chất, tinh thần trẻ mà còn giúp trẻ tránh bị sa đà vào thế giới internet.