Nếu là bạn, bạn sẽ phản ứng thế nào nếu một ngày thấy con chê bai người khác? Mắng con chiếu lệ vài ba câu, tét con một roi cho nhớ hay phớt lờ vì nghĩ con nít thì biết gì? Trên thực tế, thói quen tạo nên tính cách. Với trẻ nhỏ, có những hành vi chưa phù hợp nếu không được người lớn kịp thời định hướng và uốn nắn ngay từ đầu có thể sẽ trở thành thói xấu ảnh hưởng không tốt đến lối suy nghĩ, tư cách con sau này.
Là bà mẹ hai con đang sống tại Hà Nội, đồng thời có nhiều bài viết sâu sắc về quan điểm nuôi dạy con, nhà văn Lê Thanh Ngân đã có cách xử lý "ngay và luôn", từ lý thuyết suông đến ví dụ cụ thể khi con lỡ chê bạn ngốc và dốt. Chị cho rằng, bọn trẻ có thể chỉ hiểu được nửa phần những gì mình nói thôi nhưng lại cảm nhận được mức độ hệ trọng của vấn đề qua thái độ, giọng điệu, cách truyền đạt rất hùng hồn của mẹ.
Xin được chia sẻ quan điểm đang được nhiều phụ huynh đồng tình này của nữ nhà văn này.
Ri và Boi trong một lần có bạn đến chơi liền mang cờ vua ra đánh. Hai đứa vốn chơi cờ cũng được một thời gian nên nhìn chung cũng nắm chắc đường đi nước bước rồi. Nhưng bạn đến chơi thì chưa từng tiếp xúc với cờ. Thế là mình mới dạy. Thằng bé tiếp thu khá nhanh. Chỉ trong một buổi chiều là nhớ hết các nước đi của các quân cờ nhưng vì mới chơi, còn mải nghĩ xem "quân này đi thế nào, quân kia đi ra sao" nên đâu thể tính toán được gì. Bởi vậy mà trận nào cũng thua. Trong lúc để bọn trẻ con tự chơi với nhau, mình làm việc của mình thì tự nhiên nghe thấy Ri - Boi bảo bạn "ngốc" và "dốt".
Ngay lập tức, mình sang bắt hai đứa xin lỗi bạn. Đợi lúc cậu bé kia về, Ri Boi bị mẹ phạt đứng úp mặt vào tường 15 phút chỉ vì lỡ mồm chê bạn ngốc và dốt. Đây là điều mình tối kị nhất trong các loại kị. Đứng phạt xong mình mới gọi hai đứa ra nói chuyện nghiêm túc. Cho hai đứa vào một phòng, đóng tất cả các cửa lại chỉ có 3 mẹ con. Khỏi phải nói hai đứa giật mình thon thót, sợ xanh mắt mèo. Đầu tiên còn lơ ngơ không hiểu sao mẹ lại nổi giận.
Mình hỏi:
- Tại sao hai đứa chê bạn ngốc và dốt? Ri nói trước đi!
Ri lí nhí bảo:
- Dạ, thưa mẹ vì con thấy bạn ấy toàn đi sai nước xong lại đòi đánh lại. Bạn ấy toàn đánh bừa mà không có quân bảo vệ phía sau. (Mỗi lần thấy mẹ nghiêm túc là Ri lại auto Dạ Thưa Mẹ - giống lúc mẹ dạy học)
Boi thấy thế cũng nói chen vào:
- Đúng rồi, toàn đòi đánh lại. Chơi cờ ai được đánh lại chị nhỉ?
Mình bảo:
- Không biết Ri có nhớ đến những ngày đầu tiên Ri học cờ không? Nguyên một ngày đầu tiên Ri chỉ học cách đi của quân tốt. Ngày thứ hai, được học cách đi của quân xe. Đến ngày thứ ba, thấy Ri tiếp thu tốt, mẹ mới cho Ri học nước đi của tất cả các quân. Suốt một tháng đầu, con chơi cờ cũng thua liên tiếp. Sau này, khi đã nhớ hết luật chơi, biết được vài thế cờ, biết cách chiếu tướng... con mới bắt đầu thắng em Boi, thắng anh T, thắng chị M. Đó là còn chưa kể đến, các anh chị cũng nhường con vài phần.
Quay trở lại vụ việc vừa rồi. Bạn Bin chưa từng biết chơi cờ, vậy mà trong một buổi chiều được mẹ dạy, bạn ấy đã có thể thuộc được luật chơi dù không thuần thục. Chứng tỏ, bạn ấy cũng rất thông minh, trí nhớ tốt. Con đem trình độ cả năm so với người mới học cờ trong một buổi chiều, tự bản thân con có thấy thoả đáng không?
- Dạ thưa mẹ, không ạ.
- Boi thấy sao?
-Không ạ... nhưng bạn ấy dốt thật mà, tướng ở ngay trước mặt mà cũng không nhìn thấy để chiếu, trong khi con đã nhường rồi.
-Vậy mẹ hỏi hai đứa này. Hai đứa đã biết đọc biết viết giỏi như bạn ấy chưa? Bin 5 tuổi đã biết đọc, bây giờ thì viết rất đẹp. Bin vẽ cũng đẹp nữa, khắp nhà bạn ấy treo toàn tranh thôi. Hồi còn học mầm non, bức tranh của Bin vẽ mang đấu giá từ thiện ở trường bán được 1 triệu đồng để góp vào quỹ ủng hộ xây trường cho các bạn nhỏ miền núi. Cứ cho là Bin chơi cờ kém đi nhưng Bin lại vẽ đẹp hơn con, viết đẹp hơn con.
Con người chúng ta chính là như vậy. Có người thì giỏi toán nhưng lại kém tiếng Việt. Có người giỏi mỹ thuật lại kém toán. Có người hát rất hay, múa rất dẻo nhưng lại chẳng giỏi toán cũng chẳng giỏi tiếng Việt. Con chơi cờ chưa phải là giỏi, chỉ là tạm thời có lợi thế hơn bạn thôi vì con được làm quen với cờ trước bạn. Trận thắng đó, không thể đánh giá con giỏi được cũng chẳng thể kết luận bạn kém được.
Hai đứa im re, nhìn nhau không nói câu nào. Mẹ đợi cho hai đứa ngấm ngấm rồi mới nói tiếp:
- Chê người khác ngốc và dốt là điều cấm kị nhất mà mẹ bắt buộc Ri và Boi phải ghi nhớ. Nhất định không được quên. Khi con chê người khác dốt nghĩa là con đã làm tổn thương họ. Mẹ hỏi Boi, Boi có thích mẹ chê Boi dốt không?
- Khồng!
- Ri thì sao?
- Không ạ!
- Mẹ có bao giờ chê hai đứa như vậy chưa?
- Chưa ạ. Mẹ thỉnh thoảng chỉ quát hơi to thôi, nhưng con vẫn yêu mẹ.
- Điều mà con không thích người khác làm với mình cũng chính là điều mà con không nên làm với người khác. Con hiểu chứ?
- Con hiểu rồi!
- Tiếp nữa, khi con chê người khác, cũng đồng nghĩa với việc con đang gây áp lực cho chính bản thân con. Người con cần chiến thắng chính là bản thân mình đó. Khi ý nghĩ tự cao, tự đại le lói lên trong đầu, hãy ngay lập tức dìm nó xuống. Đừng bao giờ nghĩ mình đã giỏi, mà nghĩ mình giỏi hơn người khác thì càng không. Hãy làm tốt việc của mình và đừng đánh giá người khác bằng điểm yếu của họ. Hai đứa nhớ lời mẹ dặn chưa?
-Vâng, con nhớ rồi ạ. (Ri)
- Còn nữa này. Khi con nhận định một ai đó kém, ngốc, dốt... tự nhiên con sẽ chủ quan với họ. Con trở nên tự cao, tự đại, ngủ quên trên chiến thắng. Không muốn cố gắng nỗ lực thêm nữa vì con nghĩ con đã quá giỏi rồi. Con hoàn toàn không biết rằng, ngoài kia còn rất nhiều người giỏi hơn con gấp trăm lần chỉ bởi vì con chưa có cơ hội được gặp họ. Thế là trình độ của con cứ giậm chân tại chỗ, không khá hơn được.
Trong trường hợp bạn đó là người chăm chỉ, cần cù và siêng năng, sớm hay muộn bạn ấy sẽ vượt qua con thôi. Bởi vậy, mẹ nhắc lại, KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC PHÉP ĐI CHÊ NGƯỜI KHÁC DỐT HAY NGỐC. Mang điểm mạnh của bản thân đi so sánh với điểm yếu của người khác là không công bằng. Hai đứa hiểu những gì mẹ nói không?
- Con hiểu rồi ạ.
- Vậy từ giờ có còn đi chê người khác dốt với ngốc không?
- Không ạ!
- Tốt lắm. Mẹ biết hai đứa là những em bé rất hiểu chuyện. Mẹ chưa từng dạy hai đứa nói những từ đó. Chắc là hai đứa nghe thấy ai nói vậy với mình à?
- Vâng, vì em X hay nói với con thế khi con chơi game thua em ấy. Game đó con cũng mới chơi lần đầu nên không biết chơi.
- Cả bà nữa. Bà cũng hay nói thế! - Boi góp lời.
- À, vậy mẹ hiểu rồi. Mẹ sẽ không cấm con chơi với ai cả nhưng khi con chơi với bạn, những điều gì tốt của bạn thì con nên học hỏi, còn những điều gì không tốt, hãy góp ý với bạn, nhất định không được học theo. Lúc con bị X chê dốt, có phải con khó chịu lắm không?
- Vâng.
- Khi bản thân thấy khó chịu khi bị nói như vậy, thì đừng đi làm điều tương tự với người khác nhé. Hoặc nếu như X quá nhiều lần nói con như vậy, con cảm thấy không thoải mái khi chơi với X, con có thể chọn cách tạm thời không chơi với X nữa. Như vậy, con sẽ không còn thấy khó chịu. Con hoàn toàn có quyền lựa chọn chơi và không chơi với ai mà. Coi thường, chê bai, tấn công, công kích người khác có thể còn khiến người ta ôm hận trong lòng, thù ghét mình, tìm cách đối đầu với mình.
Có những điều mẹ nói, hai đứa hiện tại chưa thể hiểu hết được, nhưng nghe nhiều, sau này lớn lên ắt sẽ thấm thía. "Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa". Từ giờ phải học thuộc hai câu đó. Thỉnh thoảng phải đọc lại để nhắc nhở bản thân!
- Đọc lại mẹ nghe xem. "Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ. Tự kiêu một chút cũng là thừa". Nào Boi đọc đi!
- Khiêm tốn là đủ. Tự kiêu là thừa.
- Khiêm tốn bao nhiêu thì đủ. Tự kiêu bao nhiêu thì thừa... (???)
- Mẹ hỏi hai đứa nhé. Mẹ yêu gì nhất trên đời?
- Là con và chị Ri.
- Con và em Boi.
- Đúng vậy. Hai đứa nhất định phải trở thành người tốt nghe chưa...
Sau cuộc nói chuyện đó, thế mà Ri Boi không bao giờ nhắc lại hai từ đó nữa thật.