Cứ mỗi độ bé Bún được nghỉ hè là gia đình chị Hường (Nghĩa Đô, Hà Nội) lại bị stress nặng. Chị công nhận trường công mà chị đang cho con theo học khá tốt, giá cả phải chăng mà các cô giáo lại vô cùng nhiệt tình, yêu thương các bé như con. 

Thấy con đi học ngày một ngày hai đã khác, con ngoan hơn, hiền hơn, biết nghe lời bố mẹ hơn, chị mừng lắm nhưng điều chị vẫn "tức anh ách" là trường công nghỉ thứ 7, Chủ nhật lại có nghỉ hè dài. 

Những ngày thứ 7, Chủ nhật nghỉ thì vợ chồng cố một chút không sao, thứ 7 tuần này anh ở nhà chăm con thì tuần sau đến lượt chị, việc nhiều thì đêm khi con đã ngủ thì anh chị thức để hoàn thành cũng được, nhưng con nghỉ hè lại là một vấn đề hoàn toàn khác. 

Đặc biệt là năm nay khi các cô giáo phải đi tập huấn ở mãi đâu đâu những 2 tuần khiến chị và nhiều bậc phụ huynh khác ăn không ngon ngủ không yên, đau đầu nghĩ cách gửi con. Nhiều chị em may mắn khi có ông bà ở gần tiện chăm sóc cháu nhưng ông bà hai bên nhà chị lại chẳng ai ở gần. 

Vài hôm đầu chị còn nhúc nhắc xin nghỉ phép để ở nhà trông con, vài ngày tiếp theo chị đưa con tới công ty ngồi cùng nhưng vì Bún nghịch như "quỷ sứ", nhảy nhót khắp nơi rồi lôi hết đồ này đồ kia ra nghịch, liên tục "tra tấn" mọi người xung quanh bằng hàng loạt câu hỏi tại sao... chị quyết định gửi Bún về quê với ông bà nội. 

Con nghỉ hè về quê, ông bà dạy cháu... chửi bậy 1
Chăm con nghỉ hè là một vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng, nghĩ cách giải quyết (Ảnh minh họa)

Bún nhà chị không nhát chút nào, chưa nói là khá hiếu động, nghịch ngợm và khi được về quê thì chẳng khác nào thả hổ về rừng. Ngày đầu về, thấy con thích thú chạy nhảy khắp nơi, anh chị yên tâm gửi con cho ông bà. 

Sau 1 tuần đến đón con, chị xót xa nhìn con lấm lem bùn đất, bẩn bẩn, người gầy rộc đi vì gặp trục trặc tiêu hóa, ngày đi ngoài những 7 lần, mũi dãi chảy tùm lum cáu cạnh như mạng nhện ở mũi. 

Chỉ hỏi thì ông bà bảo: “Trẻ con đứa nào chẳng vậy, uống búp ổi là hết ngay”. Nhìn bà cho cháu ăn, chị hiểu ra ngay vấn đề, bà bế rong bé đi khắp đầu làng cuối xóm, bà thoải mái đặt bát cơm của cháu ngay cạnh chuồng lợn, hay dỗ cháu ăn bằng cách bế ra xem trâu bò kêu… 

Chị biết ông bà rất yêu cháu thương con nhưng cách làm của ông bà không ổn chút nào. Chị góp ý mãi nhưng bà chẳng chịu nghe, bà lại bảo: “Xưa cái thằng bố con bé Bún cũng ăn mãi ở chuồng heo có làm sao đâu cơ chứ! Lớn như thổi kia kìa. Con chỉ được cái hay vẽ chuyện thôi!”.

Chị Hường không phải là bà mẹ khó tính song kiểu nuôi con thả cỏ như của ông bà khiến chị rùng mình, lo lắng. Sáng về quê, chị định bụng ở qua trưa rồi hai mẹ con mới lên thành phố. Cả nhà đang ăn chị suýt phun cả cơm khi nghe Bún văng tục: “Tiên sư thằng chó Bi đấy”, khi thấy anh Bi – anh họ của bé đang tung tẩy đi học về. 

Chị đang định đét thẳng tay vào mông Bún thì bà ngăn lại: “Con làm gì thế, trẻ con nó thì biết gì?”, bà nói xong thì cả hai ông bà cùng rung đùi cười hê hê: “Con này được, học nhanh vào phết nhẩy. Bố tiên sư bọn trẻ, giờ cái gì cũng nhanh nhạy, cái gì cũng biết, bố tiên sư bọn chọi con".

Thấy ông bà cười, Bún càng được thể nhảy phắt xuống đất, chạy ra sân lôi lấy lôi để cái chậu đầy bùn hất vào người anh Bi. Chị hiểu ông bà rất thương con thương cháu, chỉ có điều là cách chăm sóc của ông bà quá khác chị mà thôi. Chị hiểu là mình không nên đòi hỏi gì hơn từ ông bà bởi ông bà đã giúp anh chị quá nhiều rồi. Thấy ông bà, con cháu mình cười sung sướng chị chẳng biết nên mừng hay nên vui... 



Ai cũng biết đi học quan trọng như thế nào với trẻ nhỏ song nhiều chị em cứ “dền dứ” "thôi vài tháng nữa đi học cũng được"… chỉ bởi con đi học được 2 buổi lại nghỉ 1 tuần.
Con nghỉ hè về quê, ông bà dạy cháu... chửi bậy 2