Hiện tượng rau quả đẹp bên ngoài và "rỗng tuếch" bên trong
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thời hiện đại, kéo theo sự phát triển của ngành trồng trọt, cứ tưởng rau củ quả ngày nay sẽ chất lượng hơn những thập niên trước gấp nhiều lần. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Rau củ bây giờ thoạt nhìn có vẻ bắt mắt hơn, to hơn, đẹp hơn nhưng chất lượng bên trong thì càng ngày càng giảm.
Đây được xem là tình trạng rau củ quả "rỗng tuếch": dù năng lượng calo có thể không thay đổi nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của chúng giảm sút trầm trọng tỉ lệ thuận với quá trình công nghiệp hóa nền nông nghiệp.
Theo kết quả nhiều cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Canada, nếu vào giai đoạn năm 1950, một người chỉ cần ăn 1 quả táo là có đủ vitamin cung cấp cho cả một ngày dài thì thời điểm này, chúng ta phải cần đến 5, 10, thậm chí là 20 quả táo thì mới đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể. Đó là chưa kể, táo ngày xưa bé nhỏ còi cọc, trong khi ngày nay chúng "to xác" và đẹp mắt hơn rất nhiều.
Và không chỉ riêng táo, quả cam ngày nay có lượng sắt ít hơn 5 lần những quả cam từ vài thập niên trước; cùng chung "thảm kịch", khoai tây bây giờ cũng đã mất đi một nửa lượng vitamin C, sắt và một phần tư lượng canxi vốn có trong quá khứ.
Dù nhiều nhà khoa học khác không đồng nhất ý kiến về tỉ lệ sụt giảm các chất dinh dưỡng có trong rau củ quả sau hàng chục năm giống như trên. Tuy nhiên tất cả đều thừa nhận rằng việc sụt giảm là có và nó sẽ là vấn đề đáng lo ngại trong tương lai nếu không được giải quyết triệt để.
Nguyên nhân gì khiến rau quả ngày nay bị "suy dinh dưỡng"?
Công nghiệp hóa nền nông nghiệp được xem là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây nên tình trạng rau quả ngày nay rơi vào thảm kịch "suy dinh dưỡng".
Theo đó, với nhu cầu khai thác với sản lượng nhiều nhất có thế, người ta đã lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học,... Những việc làm này giúp cho cây trồng phát triển nhanh, nhưng lại "hại" chúng không được trưởng thành và phát triển tự nhiên để tạo ra các dưỡng chất cố định lúc đơm hoa kết quả hay sinh củ.
Ngoài ra, khi công nghiệp hóa nền nông nghiệp, kỹ thuật thâm canh ồ ạt đã khiến đất nghèo nàn dinh dưỡng, trong khi mật độ gieo trồng lại quá cao dẫn đến tình trạng rau củ quả cằn cỗi. Chúng chỉ lớn lên nhờ vào phân bón hóa học và chất kích thích sinh trưởng, ảnh hưởng nặng nề đến khả năng hình thành các dưỡng chất.
Thậm chí, các sản phẩm nông nghiệp sau quá trình thu hoạch còn được vận chuyển đi đến nhiều nơi khác, thời gian càng lâu và khoảng cách đến tay người tiêu dùng càng xa cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng rau quả mất đi chất dinh dưỡng vốn có.
Đôi khi còn vì tính thẩm mỹ, muốn rau củ quả cung cấp ra thị trường đều đẹp người ta sẵn sàng thu hoạch sớm, trước cả khi chúng kết thúc quá trình tích lũy chất dinh dưỡng. Trong khi các hoạt chất quan trọng có trong rau củ quả anthocyanin, polyphenol giúp con người chống lại ung thư, lão hóa, tiểu đường,... chỉ có thể hình thành nhờ vào ánh sáng mặt trời. Vài loại trái cây nếu thu hoạch sớm thì lượng vitamin C có thể thâm hụt về con số 0.
Giải pháp "cứu" nông sản, giúp chúng "khỏe" lại như xưa
Với những nguyên nhân như trên, giải pháp đưa ra cho người làm nông nghiệp để giúp rau củ quả trở nên giàu chất dinh dưỡng trở lại chính là hướng về tự nhiên: Không thâm canh, thay đổi phương pháp canh tác, hạn chế tối đa sự can thiệp của hóa chất, không thu hái khi nông sản chưa "chín mùi", không vận chuyển xa,...
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm trong việc "bảo vệ sức khỏe cho rau quả", cũng như là bảo vệ sức khỏe cho chính mình bằng cách thay đổi tâm lý mua hàng:
1. Chỉ mua rau quả đúng mùa: Ngày nay, tâm lý muốn ăn mọi loại trái cây rau củ quanh năm bốn mùa của đại đa số người tiêu dùng đã khiến những người làm nông sẵn sàng làm mọi cách để tạo ra các mặt hàng nông sản trái mùa cung cấp ra thị trường.
Việc này gián tiếp gây nên tình trạng rau củ quả bị "ép" phải sinh trưởng và phát triển trong điều kiện tự nhiên không phù hợp bằng sự can thiệp của các chất hóa học. Tất nhiên, vì thế mà chúng cứ "suy dinh dưỡng" dài dài.
2. Ủng hộ nông sản địa phương: Dù nông sản địa phương có thể không đẹp bằng nông sản nội ngoại nhập nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra nguồn gốc, cũng như là hạn chế được việc tiêu thụ phải nông sản "suy dinh dưỡng" được thu hoạch trước đó cả tháng mà bây giờ mới đến tay.
Khuyến khích việc sử dụng nông sản "của nhà trồng được", nếu không thể trồng, người tiêu dùng nên chọn mua nông sản bản địa ngay tại nơi mình sinh sống. Sẽ càng tốt hơn nếu chúng được trồng theo phương pháp hữu cơ dân dã truyền thống.