Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Nick Hartnell, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Tôi luôn cho rằng chuột túi là những vận động viên vĩ đại nhất của tự nhiên". Chúng thực sự là loài động vật có khả năng thể chất hết sức ấn tượng – chúng có thể nhảy xa tới 12 mét, vượt qua hàng rào cao ba mét và nhảy với tốc độ 70 km/h.
"Khi quan sát loài động vật này, tôi bắt đầu tự hỏi khả năng thể chất này của chúng có liên quan bao nhiêu đến cách hình thành gân và liệu chúng có thể được sử dụng để thay thế dây chằng bị đứt của con người hay không", ông nói.
Sau nhiều năm nghiên cứu, Hartnell và nhóm của ông đang tiến tới thử nghiệm ghép xenograft (cấy ghép dị loại) trên người để phục hồi các chấn thương như đứt dây chằng chéo trước (ACL).
Thử nghiệm cấy ghép Xenograft là phương pháp sử dụng một cơ quan hoặc mô khác từ một loài khác khác để cấy ghép, phương pháp này được ứng dụng phổ biến trong y học, đặc biệt là các ca phẫu thuật như thay van tim bằng van từ lợn. Tuy nhiên, khả năng tương thích sinh học lại là một rào cản rất lớn đối với phương pháp này. Và nhóm nghiên cứu tin rằng họ cũng đã bẻ khóa thành công rào cản này và đảm bảo mô kangaroo 'ngoại lai' sẽ không bị cơ thể người nhận từ chối.
Tiến sĩ Hartnell cho biết: "Xenografts - sử dụng gân từ các loài khác – có khả năng trở thành một lựa chọn tốt hơn, nhưng cho đến nay y học vẫn đang phải vật lộn để tìm ra loài hiến tặng phù hợp có gân khỏe, bền và không bị đào thải".
Mặc dù kangaroo có thể không cung cấp cho ai đó khả năng nhảy siêu phàm, nhưng nó lại mang đến một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho các phương pháp điều trị hiện tại.
Tại Hoa Kỳ, có khoảng 200.000 ca vỡ ACL xảy ra mỗi năm và có tới 1/4 trong số đó cần phải phẫu thuật bổ sung. Bản chất của chấn thương sẽ khiến cho các mô bổ sung cần được ghép tại vị trí chấn thương. Ở thời điểm hiện tại, các mảnh ghép được lấy từ những nơi khác trên cơ thể bệnh nhân, điều này thường làm tăng thời gian hồi phục và đau đớn, và cả những mảnh ghép từ những người hiến tặng đã chết và các nguồn nhân tạo đều khiến các bác sĩ phẫu thuật gặp các vấn đề khác.
Tiến sĩ Hartnell cho biết: "Nguồn cung cấp gân từ người hiến tặng đã chết rất hạn chế và thật không may, ngay cả khi cấy ghép thành công thì chức năng phục hồi vẫn có xu hướng không tốt như chúng ta mong muốn, khiến bệnh nhân có đầu gối yếu hơn so với người bình thường".
Ông nói thêm: "Thêm vào đó, có tới một phần tư trong số tất cả các ca tái tạo ACL đều thất bại. Và khi điều đó xảy ra, bệnh nhân có thể sẽ bị tổn thương hai dây chằng cùng một lúc, hoặc họ bị chấn thương lần thứ hai và rất khó để hồi phục".
Gân của kangaroo không chỉ có khả năng trở thành lựa chọn tốt nhất mà còn có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau.
Tiến sĩ Hartnell nói thêm: "Chúng vượt trội về mặt sinh học đối với gân, và hiện tại tất cả tiềm năng đó đang bị lãng phí vì gân của chúng sau khi được con người thu thập đều không được sử dụng cho bất cứ việc gì".
Nhóm nghiên cứu hy vọng một cuộc thử nghiệm thành công trên người sẽ mở đường cho việc sử dụng gân kangaroo trong các cuộc phẫu thuật trên toàn thế giới.
Tại Úc, kangaroo có 4 loài khác nhau, phân chia theo kích thước, màu lông và vị trí sinh sống. Đó là Red, Antilopine, Eastern Gray và Western Grey.
Trong đó phổ biến nhất là red kangaroo (kangaroo đỏ), với tên khoa học là Osphranter rufus (tạm dịch là “bàn chân to màu đỏ”). Và đối với những con kangaroo đỏ, cái tên này rất mang tính tượng hình, bởi vì chúng thực sự "to và đỏ".
Những con trưởng thành được bao phủ bởi một lớp lông ngắn màu nâu đỏ hoặc đỏ cam, lông ở bụng và các chi có màu nhạt hơn. Chiều cao trung bình của nó có thể đạt từ 1,4 đến 1,6 mét.
Khi cơ thể được hỗ trợ bởi đuôi, nó sẽ trông cao hơn một chút, gần bằng một người trưởng thành. Và cân nặng của nó có thể đạt 100 kg.
Khi đã khóa chặt mục tiêu muốn tấn công, kangaroo đỏ sẽ dùng chiếc đuôi dày của mình làm điểm tựa. Sau đó bật nhảy, dùng sức toàn thân vào một cú đá tung chân ra trước. Cú đá này có thể tạo ra sức mạnh khoảng 340 kg.