Con bị sốt, mẹ tra Internet
Thấy con gái đi học về bị sốt cao, toàn thân nổi mẩn đỏ, thay vì đưa con đi bệnh viện, chị Hoài, nhà ở đường La Thành, Hà Nội lại bật máy tính lên để tìm kiếm sự hỗ trợ. Sau một hồi tra trên thanh công cụ tìm kiếm Google, chị Hoài kết luận với cả nhà: Con nó bị sởi, Hà Nội đang có dịch đấy!
Chị Hoài ra hiệu thuốc đầu ngõ và yêu cầu bán cho thuốc điều trị sởi. Sau mấy ngày uống, tình trạng của cháu không những không thuyên giảm, lại bị nặng thêm, hai vợ chồng đành mang con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Sau khi xét nghiệm máu, các bác sỹ cho biết cháu không phải bị sởi mà bị sốt phát ban kèm viêm họng nặng.
Chị Nguyễn Thị Minh, ở số nhà 552, đường Tô Hiệu, Hà Đông, kể: “Tôi sinh con đầu lòng nên chưa có kinh nghiệm gì, bố mẹ lại ở xa nên con tôi có vấn đề gì về sức khỏe là lại vào Google để tra thông tin. Có lần em bé tập trung nhìn vào tivi, tôi gọi nó không chú ý thế là tôi cuống cả lên. Vào mạng đọc thì có trang web nói đó là dấu hiệu tự kỷ, có diễn đàn lại bảo có thể đó là dấu hiệu của điếc. Tôi khóc đến cạn nước mắt, nhưng khi bình tĩnh lại, đưa con đi bác sỹ thì biết rằng trẻ con là vậy, nó không thể quan tâm để ý nhiều thứ một lúc...”.
Con gái chị Ngô Thị Hồng Đào, ở ngõ 158, Lê Trọng Tấn, Hà Nội mới 2 tuổi, bị táo bón. Chị Đào liền tức tốc vào diễn đàn web Trẻ thơ để xem kinh nghiệm của các bà mẹ khác. Diễn đàn khá rôm rả, mỗi người một kinh nghiệm mách nước cho việc chữa táo bón.
Bà mẹ với nick name Tú, khuyên: “Chỉ cần đặt bé nằm ngửa trên giường, xoa bụng bé theo chiều từ trái qua phải khoảng 5 - 10 phút. Sau đó, lấy tăm bông nhúng mật ong ngoáy nhẹ vào hậu môn của bé để kích thích...”. Bà mẹ khác lại khuyên: “Theo mình, bạn nên mua thuốc thụt của ngoại, khoảng 7.000đ/ống, vì loại này vừa làm trơn vừa làm mềm phân, bé sẽ không bị đau. Mình đã chữa cho con mình và rất hiệu quả”.
Chị Đào nghiêng về phương án thứ hai, ra hiệu mua thuốc bơm vào hậu môn cho bé, kết quả là bé đi ngoài được. Nhưng do chị Đào ngày nào cũng thụt để bé đi ngoài đúng giờ, nên hiện con chị lệ thuộc vào thuốc bơm dẫn đến cháu không tự đi ngoài được...
Chỉ nên tham khảo
Thạc sỹ Đỗ Mạnh Hùng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện có nhiều trang web, diễn đàn về sức khỏe được tung lên mạng mà không được kiểm duyệt. Nhiều người ngại tới bệnh viện nên đã vào các trang web đó để tự đoán bệnh và tự chữa trị cho con mình. Đây là hành động rất nguy hiểm, bởi nhiều trang web về sức khỏe hiện nay chỉ đơn thuần sử dụng công nghệ copy – past (cắt - dán) không có người kiểm định. Theo Thạc sỹ Hùng, khi bị bệnh, mọi người nên đến những cơ sở y tế tin cậy để được bác sỹ chuyên khoa trực tiếp khám bệnh và kê đơn.
Cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để có chuẩn đoán bệnh chính xác. Ảnh: C.C
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Minh Tuấn, Trưởng Khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều trẻ em ban đầu chỉ là viêm họng do virus nhưng bố mẹ không mang tới bác sỹ mà lại lên mạng tìm thông tin rồi tự chữa. Do không đúng thuốc, bệnh không khỏi mà còn nặng thêm. Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng tiếp nhận điều trị nhiều trẻ chuyển đến trong tình trạng bệnh đã nặng do trước đó cha mẹ tự chẩn bệnh và điều trị tại nhà.
Theo bác sỹ Tuấn, những thông tin từ Internet khá đa chiều nhưng cũng có mặt trái của nó. Có nhiều trang web, diễn đàn không chính thống, không được kiểm soát vì vậy về mặt khoa học những thông tin đó không được đảm bảo. Vì vậy, các bậc phụ huynh chỉ nên coi đó là nguồn để tham khảo chứ không được xem đó là “kim chỉ nam” để làm theo. Chẩn đoán, điều trị bệnh phải đến các cơ sở y tế có uy tín và phải có các bác sỹ chuyên khoa.
Theo Hoài Nam
Gia đình