Lưu là người đàn bà thứ hai của chồng. Ngày quyết định cưới anh, cô đặt nhiều hi vọng về một mái ấm hạnh phúc để bù đắp lại những thiệt thòi trong quá khứ. Cho dù chỉ là "rổ rá cạp lại", nhưng đám cưới vẫn được tổ chức rình rang hết sức theo yêu cầu của Tường. Mà theo lời anh nói thì anh muốn chứng tỏ sự quyết tâm bảo vệ gia đình, bảo vệ vợ con, bỏ qua hết những thiếu sót từ cuộc hôn nhân đầu đã để lại trong anh không ít dằn vặt.

Cả Lưu và Tường đều có một đứa con riêng. Nhưng sau khi ly hôn, Lưu để con cho nhà nội nuôi. Tái hôn với Tường, cô sống cùng hai cha con anh trong một căn nhà thuê nhỏ, cách nhà bố mẹ không xa. Con gái riêng của Tường đã 5 tuổi, rất nhanh nhẹn và thông minh, nhưng vô cùng bướng bỉnh. Trong nhà, con bé chỉ sợ bố, ngoài ra với ai nó cũng sẵn sàng thể hiện thái độ xấc xược. Lại được bố mẹ, ông bà chiều chuộng từ nhỏ nên càng được thể. Từ khi Lưu xuất hiện, dường như con bé luôn cho rằng cô là nguyên do khiến bố mẹ không thể tái hợp lại được nên ghét Lưu ra mặt.

Con riêng hỗn hào chống đối, vợ chỉ quát nạt đã bị chồng xông vào đánh tới tấp và đòi đuổi ra khỏi nhà - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tường bận công việc nên vắng nhà suốt, thường là chỉ có mình Lưu đảm nhiệm việc chăm con riêng của chồng. Từ đưa đón đi học, tắm giặt, cơm nước, dạy học… cô kiêm tất, chẳng chừa việc gì. Nhiều khi, con bé lên cơn sốt đêm, Lưu lại tay xách nách mang bắt xe đưa con đi viện. Trong thâm tâm, Lưu xác định sẽ gắn bó lâu dài với Tường nên cô luôn tâm niệm sẽ coi con riêng của chồng như con đẻ mình, không phân biệt đối xử gì cả. Nhưng đúng là dù có sống sao cũng chẳng tránh khỏi miệng lưỡi thế gian.

Dạo này, không hiểu ai dạy mà cứ mỗi tối ngồi học bài, con bé lại cố tình đọc to câu "Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng", ngay trước mặt Lưu. Cô lờ mờ đoán có thể là mẹ đẻ con bé, vì Lưu từng gặp cô ấy một vài lần, là tuýp người ghê gớm, thù dai. Mỗi lần mấy tiếng đó cất lên, lại như một nhát dao cứa vào lòng cô. Nhiều lần như vậy, cô càng thấm thía thân phận "dì ghẻ" của mình.

Mỗi lần Lưu đem chuyện con bé nói với chồng, anh lại tua lại bài cũ, nhờ cô quan tâm con bé giúp để anh yên tâm làm việc. "Nó đã thiệt thòi nhiều rồi, nên em thay anh chăm sóc con. Nó thích gì cứ chiều nó, lâu dần nó sẽ quý em thôi", Tường bảo. Những lúc như vậy, Lưu chỉ biết nén tiếng thở dài: "Anh cứ ở trong hoàn cảnh của em đi rồi anh sẽ hiểu".

Mấy hôm nay, con bé đang giận Lưu vì hôm trước cô trót quát con khi ăn cơm chậm. Khi thấy Lưu đến gần, nó tự động lảng ra xa. Bình thường Lưu vẫn tắm rửa, cho ăn cơm nhưng giờ con bé tự giành làm hết, thấy tay cô động vào là nó đẩy ra xa một cách phũ phàng. Biết con giận mình, Lưu không gắng ép. Cô tôn trọng quyết định và cảm xúc của con.

Đến bữa cơm tối hôm ấy, Tường về muộn nên hai mẹ con ăn trước. Vốn con bé khá lười ăn nên bữa cơm nào Lưu cũng phải ngồi đút cơm cho rất lâu. Tuy vẫn không muốn nói chuyện với Lưu nhưng vì đã quen được cô chăm bẵm, con bé vẫn ngồi yên ăn cơm. Nhưng nó tỏ thái độ bằng cách cố ý nhai cơm thật chậm, lại còn ngậm đến chảy nước, lúng búng mãi ở trong mồm.

Ban đầu, Lưu góp ý nhẹ nhàng, rồi dùng chiêu hứa hẹn sẽ mua đồ chơi, sắm váy mới cho vào dịp cuối tuần. Nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Hết 1 tiếng đồng hồ, bát cơm vẫn cứ đầy nguyên. Lưu nghĩ đến đống việc nhà đang chờ mình mà sự bực bội trào lên. Trong một khoảnh khắc, cô ấn chiếc thìa cơm hơi mạnh, chạm vào môi trên khiến con bé giật mình kêu toáng lên.

Rồi như một cơn gió, con bé tự ngã nhào ra trên sàn nhà, kêu khóc thảm thiết. Trong tiếng nức nở, Lưu ngỡ ngàng khi nghe con gào lên qua hàng nước mắt: "Cô ghét cháu, cô cố tình làm cháu đau. Mẹ cháu bảo cô là người xấu, cô chỉ giả vờ trước mặt bố thôi. Cô cút đi, cút khỏi nhà của bố con cháu đi".

Con riêng hỗn hào chống đối, vợ chỉ quát nạt đã bị chồng xông vào đánh tới tấp và đòi đuổi ra khỏi nhà - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Những câu nói hỗn hào của cô bé khiến Lưu càng thêm giận điên lên. Cô đặt chiếc bát xuống bàn ăn, quát nạt để con bé nín khóc. Không ngờ, cách đó không xa là bóng dáng lừng lững của Tường. Anh đã về đến nhà từ lúc nào. Khi thấy hành động của vợ, Tường lao vội vào hét lớn: "Cô làm cái trò gì thế này?". Vừa gạt tay Lưu xuống, anh dùng sức thật mạnh đẩy cô vào góc tường.

Ôm con bé vào lòng, thấy con khóc lóc thảm thiết, Tường luôn miệng hỏi con bé có làm sao không. Rồi cơn giận bùng lên, anh thả con ra, lao tới chỗ Lưu đấm đá cô túi bụi. Vừa cho vợ ăn đòn, Tường không quên chêm vào mấy câu chì chiết: "Tôi đã bảo cô thế nào. Chiều chuộng con bé một tí thì có làm sao, tại sao cô lại đối xử với con tôi như vậy?". Chưa kể, anh luôn miệng đòi đuổi Lưu ra khỏi nhà, để bố con anh có thể sống yên thân, tự chăm sóc nhau. Trong cơn đau, lòng Lưu tan nát khi nghe từ "con tôi" phát ra từ chính miệng chồng. Tim cô như vụn vỡ, còn đau hơn rất nhiều nỗi đau thể xác mà chính người đàn ông cô tin tưởng vừa gây ra. Con bé con thì vừa sợ, vừa hoảng hốt nên đã chạy vào phòng từ lúc nào.

Sau trận đòn đã tay, thấy vợ nằm sõng soài trên đất, Tường khựng lại. Anh như chợt bừng tỉnh trước hành động của mình vừa làm và thấy hối hận. Nhưng khi anh đến đỡ Lưu dậy, cô lập tức hất tay anh ra xa. Lưu lặng lẽ, nén đau ngồi dậy, lết vào phòng thu xếp đồ đạc. Có lẽ trận đòn này đã khiến cô tỉnh ra nhiều, để cô hiểu rằng vị trí của mình trong lòng Tường hóa ra cũng chẳng là gì, vì thứ duy nhất quan trọng với anh chỉ là đứa con. Xét cho cùng, cô cũng chỉ là một vật thay thế để anh sẵn sàng "vắt chanh bỏ vỏ". Tương lai như thế nào, với Lưu cũng chẳng còn quan trọng nữa…