Những con số giật mình
Theo tờ SCMP, Sở quan Y tế Hong Kong (Trung Quốc) cho biết một cuộc khảo sát chính thức trên 330.000 học sinh cho thấy 1,6% học sinh trung học đã cố gắng tự tử trong năm học vừa qua và 3,7% đã cân nhắc đến việc tự tử. Con số về những người từng cân nhắc việc tự tử tăng gần 50% so với tỷ lệ trong giai đoạn năm 2018 - 2019.
Báo cáo thường niên về phúc lợi học sinh tại Hong Kong, được công bố hôm 3/1, cho thấy ngày càng nhiều học sinh cần sự trợ giúp về mặt chuyên môn để giải quyết các vấn đề tâm lý xã hội và hành vi.
Một phát ngôn viên của Sở Y tế Hong Kong cho biết cơ quan này muốn "bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm lý của học sinh thông qua các dịch vụ nâng cao sức khỏe và phòng chống dịch bệnh, giúp các em được hưởng tối đa lợi ích từ hệ thống giáo dục và phát huy hết tiềm năng của mình".
Một bảng câu hỏi tự điền của các học sinh cho thấy 2,8% số người được hỏi đã cân nhắc việc tự tử trong 12 tháng trước đó và 1,3% đã cố gắng tự kết liễu đời mình. Cuộc khảo sát bao gồm 233.000 học sinh tiểu học và 97.000 học sinh trung học. Tỷ lệ này tăng lên ở cấp trung học, nơi 3,7% các em đã nghĩ đến cách kết thúc cuộc đời và 1,6% đã cố gắng tự sát.
Sở Y tế Hong Kong cũng cho biết 2,4% học sinh tiểu học đã cân nhắc việc tự tử và 1,1% đã cố gắng tự sát.
Các con số này đang có xu hướng tăng lên trong vài năm qua, với mức tăng đáng kể nhất là ở cấp trung học.
Tỷ lệ có ý định tự tử ở học sinh trung học năm 2018 - 2019 là 2,5%, nghĩa là con số năm 2022-2023 tăng tới 48%. Tỷ lệ cố gắng tự tử ở nhóm lớn tuổi là 1,1%.
Vì đâu nên nỗi?
Các số liệu mới nhất cũng cho thấy tỷ lệ học sinh cần được giới thiệu đến trung tâm đánh giá, phòng khám chuyên khoa hoặc các tổ chức khác vì các vấn đề về tâm lý xã hội và hành vi đã tăng lên 1,8% trong năm học 2022 - 2023, từ mức 1,1% trong năm học 2018 - 2019.
Sở Y tế Hong Kong cho biết các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã chú ý nhiều hơn đến nhu cầu sức khỏe cảm xúc và tinh thần của học sinh, đồng thời cung cấp tư vấn và lời khuyên về sức khỏe cá nhân.
Lee Yi-ying, hiệu trưởng một trường cấp 2, cho biết nguyên nhân khiến học sinh gặp vấn đề về tâm thần trong những năm gần đây có thể là do phải thích nghi với cuộc sống hậu đại dịch Covid-19.
Bà nói: "Khi nhịp sống trở nên nhanh hơn so với những ngày trong thời kỳ dịch Covid-19, một số học sinh có thể khó thích nghi với sự trở lại bình thường".
Bà Lee cho biết thêm, chất lượng giấc ngủ kém cũng khiến một số thanh niên trở nên ủ rũ và dễ xúc động. Bà cho biết một số người cũng có thể cảm thấy khó đáp ứng được kỳ vọng cao của cha mẹ.
Bà kêu gọi các cơ quan giáo dục yêu cầu các trường chia sẻ các biện pháp mà họ thấy hiệu quả trong việc xác định trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không.
Giáo sư Paul Yip Siu-fai của Đại học Hong Kong, người đã thực hiện nghiên cứu về vấn đề tự tử, cho biết học sinh cấp 2 có xu hướng đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn so với các bạn nhỏ. Điều này làm tăng khả năng tự làm hại bản thân.
"Đó có thể là vấn đề bắt nạt ở trường học hoặc các mối quan hệ", ông Yip nói. "Áp lực học tập thường lên đến đỉnh điểm vào khoảng thời gian thi lấy bằng tốt nghiệp THCS".
Ông nói thêm rằng các nhà chức trách nên tập trung nhiều hơn vào việc ngăn ngừa và giải quyết tận gốc các vấn đề sức khỏe tâm thần bằng các phương pháp như khuyến khích mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên và học sinh.
"Nếu có vấn đề gì phát sinh, học sinh sẽ biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bạn cùng lớp và giáo viên", ông Yip nói.
Gia tăng tỷ lệ tự tử trong giới trẻ không phải là chuyện chỉ có ở Hong Kong
Tỷ lệ tự tử ở những người trẻ tuổi từ 10 - 24 ở Mỹ đã tăng 62% từ năm 2007 đến năm 2021, từ con số 6,8 ca tự tử trên 100.000 người lên con số 11.
Gần đây, vấn đề tự tử ở học sinh đang được chú ý sau một loạt vụ việc. Cục Giáo dục Hong Kong cho biết số trường hợp nghi tự tử ở học sinh tiểu học và trung học đã tăng lên 31 vào năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với con số được ghi nhận vào năm 2018.
Các trường hợp học sinh nghi ngờ tự tử được các trường tiểu học và trung học thành phố phát hiện và báo cáo mỗi năm từ 2018 đến 2022 lần lượt là 14, 23, 21, 25 và 25.
Các nghiên cứu trước đó tiết lộ rằng thời gian xảy ra dịch Covid-19, khi các tương tác xã hội giảm dần trong khoảng thời gian 3 năm, cũng đã gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ.
Không chỉ là vấn đề tâm thần
Cuộc khảo sát đánh giá sức khỏe hàng năm mới nhất ở Hong Kong cũng cho thấy thị lực của học sinh đã kém đi và nhiều học sinh bị thừa cân, một phần do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa vì Covid-19.
Các quan chức cho biết: "Trong thời gian dịch Covid-19, việc tạm dừng lớp học, học trực tuyến, giảm hoạt động thể chất ngoài trời, cùng với việc tăng thời gian sử dụng thiết bị, tất cả đều gây ra nguy cơ thừa cân, béo phì và suy giảm thị lực cao hơn".
Dịch vụ đánh giá sức khỏe cho thấy tỷ lệ học sinh lớp 1 bậc tiểu học cần đeo kính vẫn ổn định ở mức 11% từ năm học 2015 - 2016 đến 2019 - 2020, nhưng đã tăng lên 15% vào năm tiếp theo và giữ nguyên trong năm học 2022 - 2023.
Tỷ lệ học sinh cần được giới thiệu đến dịch vụ bác sĩ nhãn khoa đã tăng từ 9,4% trong năm 2018 - 2019 lên 16,7% trong năm 2020 - 2021. Con số này cho thấy mức giảm xuống 13% trong đánh giá năm 2022 - 2023.
Học sinh cũng không duy trì được trọng lượng cơ thể lý tưởng. Trước dịch Covid-19, tỷ lệ trẻ thừa cân, trong đó béo phì là 17,4% ở học sinh tiểu học và 19,9% ở học sinh trung học trong năm 2018 - 2019. Nhưng con số này đã tăng lên mức cao nhất 20,6% ở cấp tiểu học và 22,1% ở cấp trung học trong năm 2021 - 2022.
Sở Y tế Hong Kong đã đưa ra lời kêu gọi học sinh đăng ký dịch vụ đánh giá sức khỏe hàng năm, bao gồm khám sức khỏe, sàng lọc các vấn đề sức khỏe liên quan đến các lĩnh vực như tăng trưởng, dinh dưỡng, thị giác, thính giác, vẹo cột sống, sức khỏe và hành vi tâm lý xã hội.
Nguồn: SCMP