Thất vọng, bực bội đến mức không muốn nhìn thấy mặt nhau

Theo số liệu thống kê năm 2017, tỷ lệ ly hôn ở Nhật Bản chỉ 2:1000 người/năm. Nó thấp hơn so với Nga (3:1000 người), Mỹ (4,5:1000 người/năm) và có dấu hiệu dần đi xuống trong 2 năm gần đây.

Có điều từ khi chính phủ Nhật yêu cầu công dân hạn chế ra ngoài do đại dịch Covid-19, hàng loạt các bà vợ đã đăng bài bày tỏ thái độ tức tối và thất vọng đối với đức phu quân đầu ấp tay gối.

Cơn sốt thuê phòng ly thân tại Nhật Bản: Cả triệu bạc mỗi đêm vẫn kín phòng vì vợ chồng cãi nhau quá nhiều trong đại dịch - Ảnh 1.

Trước áp lực "ở nhà cả ngày", nhiều cặp vợ chồng Nhật Bản xích mích nghiêm trọng

"Dù tôi có nhắc nhở bao nhiêu lần đi chăng nữa, chồng tôi vẫn không buồn đeo găng tay, khẩu trang hoặc kính bảo vệ khi đến bệnh viện," - một chị đăng trên Twitter. "Tôi đã nói ngay cả trong bệnh viện cũng có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19, mà anh ta chẳng thèm nghe."

Một bà cô khác thì phẫn nộ bởi chồng vẫn cuồng công việc, không chút quan tâm phụ giúp vợ chăm sóc con cái, làm việc nhà. "Đúng là công việc thì quan trọng thật, nhưng bộ con của chúng tôi không phải là con của anh ta chắc? Tôi là quản gia của cái nhà này à?"

Tận dụng cơ hội mở "phòng ly thân", phục vụ các cặp đôi trên bờ vực đường ai nấy bước

Khi Keisuke Arai, điều phối viên du lịch của công ty cho thuê phòng trọ, khách sạn trên khắp Nhật Bản-Kasoku chuyển sang làm việc tại nhà vì Covid-19, anh cũng tối ngày cãi cọ với cô bạn gái. "Từ bụng ta suy ra bụng người", Arai quyết định giới thiệu danh sách 500 phòng trọ, khách sạn trống trên khắp Nhật Bản, mời những khách hàng "đồng cảnh ngộ" đặt chỗ.

Cơn sốt thuê phòng ly thân tại Nhật Bản: Cả triệu bạc mỗi đêm vẫn kín phòng vì vợ chồng cãi nhau quá nhiều trong đại dịch - Ảnh 2.

"Phòng ly thân" tạm hoãn ly hôn cho thuê của công ty Kasoku

Giá của các phòng từ 4000 yên/đêm (tương đương 881.000 vnđ) trở lên và 90.000 yên/tháng (tương đương 19,8 triệu vnđ). Khách có thể thuê từ 1 ngày đến 6 tháng. Lập tức, Arai nhận được 140 đăng ký. Đa phần khách hàng là phụ nữ trong độ tuổi 30-40, muốn tìm một nơi yên tĩnh để làm việc và tạm tránh xa các đức ông chồng. Arai cũng có luôn 37 khách trả tiền mặt, đến ở thật.

Trong đời sống xã hội ở Nhật Bản, chuyện cân bằng giữa công việc và gia đình là sự xa xỉ. Mặc dù so với thập niên 1980, đất nước Mặt trời mọc đã có nhiều đàn ông chịu làm hoặc phụ giúp nội trợ, song nhìn chung họ vẫn ngại việc nhà. Nhiều anh chồng thậm chí cố ý tăng ca vì không muốn về sớm.

"Tôi thấy một phần đàn ông Nhật Bản là những kẻ chạy trốn. Họ chạy trốn khỏi trách nhiệm làm chồng, làm cha vì không chịu được cảnh những đứa con nhìn mình như người lạ," - Jeff Kingston, giảng viên trường ĐH Temple, Tokyo phân tích.

Cơn sốt thuê phòng ly thân tại Nhật Bản: Cả triệu bạc mỗi đêm vẫn kín phòng vì vợ chồng cãi nhau quá nhiều trong đại dịch - Ảnh 3.

Nhiều đàn ông Nhật Bản "cuồng" công việc chỉ vì không muốn về nhà sớm

Người Nhật Bản quan niệm, đàn ông kiếm tiền, phụ nữ dạy con. Các ông bố Nhật Bản ít giành thời gian gần gũi, quan tâm con cái. Lâu ngày, nhiều đứa trẻ thậm chí lạ mặt cha. Trước Covid-19, cánh mày râu Nhật Bản "sợ" con chỉ việc cắm đầu vào công việc là yên ổn. Nhưng trong mùa đại dịch, họ bị chuyển sang làm việc tại nhà.

"Covid-19 đã buộc họ phải đối mặt với những gì mà trước đây có thể tránh," - một người dùng Twitter nêu ra.

Trái với các đức phu quân, phụ nữ Nhật Bản chưa bao giờ thoát trách nhiệm và nghĩa vụ chăm lo mọi chuyện trong gia đình. Giữa mùa Covid-19, họ không thể gửi trẻ để tập trung cho công việc, lại thêm ông chồng vừa khó bảo lẫn khó chiều. Một số người không chỉ mặc vợ tất bật mà còn giở thói côn đồ. Từ cuối năm 2019, Nhật Bản đã báo cáo có sự gia tăng bạo lực gia đình trong nước.

Cơn sốt thuê phòng ly thân tại Nhật Bản: Cả triệu bạc mỗi đêm vẫn kín phòng vì vợ chồng cãi nhau quá nhiều trong đại dịch - Ảnh 4.

Tránh vợ chồng xung đột, nhưng cũng hỗ trợ tư vấn ly hôn nếu cần

Với giá phòng không hề "nhẹ", Kasoku hiểu rõ chỉ một phần các cặp vợ chồng đang căng thẳng với nhau có khả năng thuê ở. Vì thế, họ đưa ra lời khuyên hãy thử đối mặt, giải quyết vấn đề tại nhà trước. Xét ra, mâu thuẫn trong gia đình giữa mùa dịch chỉ chủ yếu xoay quanh chuyện rửa tay, sử dụng khẩu trang, làm cơm, dọn dẹp, chăm con cái… Chúng vốn là những việc mà dù không phải mùa dịch, vợ chồng vẫn nên san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành.

"Tôi muốn ngăn các cặp vợ chồng đi đến bước đường cùng là li dị," - Arai cho biết. Anh hy vọng quãng thời gian tạm xa cách cho họ cơ hội xem xét lại, nghĩ kỹ về mối quan hệ của mình.

Tuy nhiên nếu các khách hàng vẫn nhất quyết bỏ vợ/chồng sau khi trở về, Kasoku "đính kèm" dịch vụ tư vấn ly hôn. "Điều quan trọng nhất giữa các cặp vợ chồng li thân không phải tái hợp, mà là xác định rõ có khả năng tiếp tục chung sống nữa hay không," - John Lim, giám đốc phúc lợi tại Trung tâm Tư vấn Singapore (Singapore Counselling Centre) lên tiếng. Nếu đã không thể nhượng bộ, đường ai nấy đi khỏe hơn.

Cơn sốt thuê phòng ly thân tại Nhật Bản: Cả triệu bạc mỗi đêm vẫn kín phòng vì vợ chồng cãi nhau quá nhiều trong đại dịch - Ảnh 5.

Hiện tại, dân mạng đang thịnh một từ vựng mới "Coradivorce", mang nghĩa "bỏ nhau vì corona". Song nói đi cũng phải nói lại, lần đại dịch này rõ ràng còn khiến nhiều cặp vợ chồng xích lại gần nhau. Trước đây vì công việc, học hành… họ bận đến bù đầu, chung nhà mà chẳng mấy khi thấy mặt người yêu thương. Bây giờ, họ có nhiều thời gian hơn để trò chuyện, thân mật. Không ít người sử dụng mạng xã hội hạnh phúc khoe cùng chồng/vợ nấu ăn, vui vẻ bên nhau…

"Dù thế nào, tôi vẫn tin rằng một khi Covid-19 kết thúc, xu hướng dẫn đầu sẽ là kết hôn chứ không phải li dị," - một người sử dụng Twitter khẳng định.

Tham khảo Cnn