Vào mùa lạnh hoặc thời tiết giao mùa, trẻ con và người già là đối tượng dễ bị ốm, viêm nhiễm bởi sức đề kháng còn kém. Nhiều mẹ không khỏi lo lắng, stress khi các con thay nhau ốm, hết đợt ốm này lại sang đợt ốm khác.
Mới đây, một clip TikTok đang được hội mẹ bỉm lan truyền. Người mẹ trong clip cho rằng chỉ cần áp dụng một số mẹo sau thì con sẽ nhanh khỏi, có sốt cũng sẽ tỉnh táo. Mẹo này áp dụng khi con mới chớm ho hắng, sụt sịt. Còn nếu con đã chuyển biến nặng thì các mẹ nên đưa trẻ tới bác sĩ.
Mẹ bỉm mách mẹo của người Trung Quốc "cho ăn quả ngâm, dùng máy sấy ấm lưng". Nguồn: Tiktok daikieuchina.review
"Lại thêm đợt cảm virut sau đợt viêm phổi lần trước. Nhà đông con sợ nhất là mấy đứa rủ nhau ốm một lượt. Mình hay làm cách này để con mau khỏi ốm và không bị ho dai dẳng, mọi người tham khảo nhé.
- Con chỉ cần có dấu hiệu sụt sịt, ho hắng là mình cho uống thuốc ngay và luôn. Đừng đợi ho, sổ mũi nặng rồi mới cho uống nhé. Mình cho uống Đông Y trước, nếu chưa khỏi thì mới đi bác sĩ kê thuốc Tây và truyền nước.
- Thấy con hơi mệt, mình cho uống luôn 1 lọ quả ngâm như thế này. Đây là cách chữa bệnh truyền miệng của người Trung Quốc. Người ta gọi lọ quả ngâm này là "quan thấu", áp dụng thấy đỡ nên mình cho con sử dụng. Nhất là ở miền Bắc Trung Quốc, cứ ốm là người ta cho ăn quả ngâm. Họ không kiêng ăn đào, quýt như mình. Ăn xong thì có sốt cũng tỉnh táo rất nhanh.
- Con bị ốm vào mùa lạnh thì hạn chế tắm, lau người bằng khăn ấm thôi vì tắm rất dễ chạy lạnh vào trong. Khỏi rồi mình tắm sạch lại sau. Lúc tắm thì nên cho một ít dầu tràm vào.
- Uống nhiều nước ấm vì nước ấm rất tốt cho cổ họng. Làm loãng đớm, thải độc, hạ sốt nhanh.
- Giữ ấm lưng, ngực và bàn chân cho con.
- Nếu không có cao làm ấm lưng thì mọi người có thể dùng máy sấy, sấy ấm lưng và ngực cho con trong 10 phút. Nếu con ho có đờm thì sau khi sấy mình khum tay lại vỗ vào lưng con. Sau đó thì cho con uống nước ấm.
- Muốn giữ ấm chân thì các mẹ cho gừng vào túi đắp vào chân. Hoặc ngâm chân với gừng, nước nóng, dầu tràm. Cách này hiệu quả cho bé hay ho vào ban đêm.
- Kiêng trứng, gà, thịt bò, hải sản, mình theo Đông Y áp dụng thấy con khỏi ốm nhanh hơn đó", người mẹ này chia sẻ.
Liệu các mẹo trên có hiệu quả, cùng nghe giải đáp từ bác sĩ
Chia sẻ về những mẹo trên, bác sĩ Nguyễn Việt Thanh - bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa - bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải tại TP. Cà Mau có những giải đáp sau:
1. Ăn quả ngâm như đào, quýt ngâm
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, việc sử dụng quả ngâm như đào hoặc quýt ngâm thường được xem là phương pháp hỗ trợ tiêu hóa và giảm ho. Tuy nhiên, từ góc độ y học hiện đại, không có đủ bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả cụ thể của phương pháp này trong điều trị bệnh. Quan trọng hơn, cần chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và nguy cơ dị ứng, nhất là đối với trẻ em. Theo một nghiên cứu được công bố trong "Journal of Agricultural and Food Chemistry", các loại quả ngâm như đào hoặc quýt có thể chứa một số chất chống oxy hóa và vi khuẩn có lợi. Tuy nhiên, các tác dụng cụ thể trong điều trị bệnh lý chưa được chứng minh rõ ràng trong y học hiện đại.
2. Giữ ấm lưng và ngực bằng máy sấy
Việc sử dụng máy sấy để giữ ấm có thể tạo cảm giác thoải mái cho trẻ, nhưng không nên áp dụng nhiệt độ quá cao hoặc sử dụng trong thời gian dài để tránh nguy cơ bỏng. Việc vỗ lưng giúp long đờm cần được thực hiện nhẹ nhàng và không nên dùng sức mạnh. Cho trẻ uống nước ấm là một biện pháp hỗ trợ tốt để giúp trẻ giữ ẩm và có thể làm loãng đờm. Trong một nghiên cứu về việc sử dụng nhiệt để giảm đau và cải thiện tuần hoàn, nhiệt độ vừa phải có thể mang lại lợi ích nhất định. Tuy nhiên, việc sử dụng máy sấy trực tiếp có thể gây nguy cơ bỏng và không an toàn cho trẻ em.
3. Giữ ấm bàn chân
Việc giữ ấm cho bàn chân là quan trọng, đặc biệt trong mùa lạnh, để duy trì sự thoải mái và hỗ trợ tuần hoàn máu. Sử dụng các miếng dán hoặc vật liệu chứa đinh lăng có thể mang lại cảm giác ấm áp, nhưng hiệu quả chữa bệnh cụ thể của nó chưa được chứng minh qua nghiên cứu khoa học. Một báo cáo trong "Journal of Physiological Anthropology" cho thấy giữ ấm cho chân có thể cải thiện tuần hoàn máu và mang lại cảm giác thoải mái, nhưng không nhất thiết cần sử dụng đinh lăng hoặc các biện pháp đặc biệt.
4. Kiêng trứng, thịt gà
Khái niệm kiêng cữ một số thực phẩm như trứng và thịt gà trong thời gian ốm là phổ biến trong nhiều nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học rõ ràng chứng minh việc này thúc đẩy quá trình hồi phục. Trong quá trình ốm, việc cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể là rất quan trọng. Không có nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh rằng việc kiêng trứng và thịt gà có thể thúc đẩy quá trình hồi phục bệnh. Thực tế, các nghiên cứu dinh dưỡng khuyến nghị duy trì chế độ ăn cân đối và đầy đủ dưỡng chất khi bệnh để hỗ trợ hệ miễn dịch.
5. Áp dụng mẹo khi chớm bệnh
Việc sử dụng các biện pháp dân gian có thể hợp lý khi các triệu chứng còn nhẹ và không rõ ràng. Tuy nhiên, khi bệnh có dấu hiệu chuyển biến nặng hoặc không thuyên giảm sau một thời gian ngắn, việc đưa trẻ đi khám bác sĩ là hết sức cần thiết để nhận được sự chẩn đoán và điều trị phù hợp. Theo "The Lancet", việc sử dụng các phương pháp dân gian có thể hữu ích trong việc giảm nhẹ triệu chứng ban đầu nhưng không thay thế cho sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Đặc biệt, khi bệnh có dấu hiệu phát triển nặng, việc tìm kiếm sự chẩn đoán và điều trị từ bác sĩ là cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu quả.