"Khủng hoảng tuổi lên 10" là cụm từ không quá xa lạ những năm gần đây. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh chỉ quan tâm đến chuyện giáo dục con cái ở lứa tuổi dậy thì. Do thường chủ quan nghĩ ở tuổi lên 10 trẻ chỉ biết học, biết chơi nên họ không dành thời gian quan tâm đến nhu cầu phát triển tâm sinh lý của con.
Trang 163 đưa tin, mới đây, trên mạng xã hội Trung Quốc lan truyền thông tin một cô bé 10 tuổi nhảy xuống sông tự tử chỉ vì một đôi giày. Cái chết thương tâm của cô bé cũng gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho tất cả bậc phụ huynh.
Cô bé này không được tiết lộ danh tính, khi được cha mẹ dẫn đến trung tâm thương mại mua sắm. Lúc đi ngang qua một cửa hàng giày dép, cô bé thấy một đôi giày giá hơn 200 tệ (hơn 700 nghìn đồng) nên đã xin cha mẹ mua cho mình.
Thế nhưng, cha mẹ cô bé nói rằng: "Con rõ ràng đã có giày để mang ở nhà, tại sao phải mua giày mới?". Thấy cha mẹ từ chối, cô bé khóc nức nở đòi cho bằng được, nói rằng bạn bè có tại sao mình lại không có. Vì quá tức giận, cha mẹ cô bé không kìm chế được nên đã đánh con gái mình giữa chốn đông người và buộc cô bé phải từ bỏ ý định mua giày.
Những tưởng sự việc như vậy là xong nhưng điều bố mẹ không ngờ là 3 ngày sau con gái mình nhảy xuống sông tự tử rồi viết một bức thư tuyệt mệnh giấu dưới gối. Sau khi đọc được bức thư bố mẹ vô cùng hối hận.
Trong lá thư cô bé viết: "Cảm ơn bố mẹ đã nuôi con khôn lớn. Con thực sự thích đôi giày đó. Bố mẹ đã nhìn thoáng qua nhưng không những không mua mà còn đánh đập, mắng nhiếc con giữa chốn đông người. Con thấy rất tổn thương và đau khổ. Xin hãy tha thứ cho con, nhưng con không muốn sống nữa".
Sau khi đọc vỏn vẹn lá thư ngắn ngủi này, cha mẹ cô bé rất ân hận, chỉ vì đôi giày giá vài trăm ngàn đồng mà khiến con gái mình đến mức tự tử.
Đừng "hạ nhục" con ở chốn đông người
Là cha mẹ, nếu thấy con ham mê mua những thứ không nên mua thì phải đưa ra lý do cho con cái, thuyết phục chúng từ trái tim để chúng chấp nhận ý kiến của mình.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, trẻ ở lứa tuổi lên 10 là đang bắt đầu bước vào giai đoạn khủng hoảng tâm sinh lý, đang trong thời kỳ quá độ từ trẻ con phát triển thành người lớn. Đây là giai đoạn thay đổi tâm sinh lý mạnh nhất của trẻ, sẽ kéo dài cho đến hết cấp 2.
Ở thời điểm này, trẻ muốn được tôn trọng như người lớn và có thể có những hành động để chứng minh mình không còn là trẻ con nữa. Những hình phạt đáng sợ giữa chốn đông người, những lời xỉ mắng trong cơn giận dữ khiến lòng tự trọng của một đứa trẻ sẽ vỡ vụn, sự tự chủ của một đứa trẻ sẽ trở nên còi cọc.
Hãy gần gũi và xem con như bạn, đừng áp đặt con theo ý mình, nếu không, trẻ sẽ không bao giờ muốn trò chuyện với bạn. Và như vậy, trẻ sẽ ở ngoài vòng kiểm soát của cha mẹ. Khi con rơi vào khủng hoảng tâm lý, lại không nhận được sự hỗ trợ từ cha mẹ sẽ có những hành vi và quyết định nông nổi.