Chương trình học được giảm tải, tưởng đâu việc học hành, thi cử sẽ nhẹ nhàng cho các con, thế nhưng có vẻ gánh nặng điểm số như những viên đá nặng nhét thêm vào chiếc cặp vốn đã quá khổ. Là một phụ huynh có đang học lớp 11, tôi kinh sợ trước mỗi kỳ thi học kỳ của con, cảm tưởng thi đại học cũng không áp lực bằng.
Cày ngày cày đêm ôn luyện
Trước kỳ thi học kỳ I của con nửa tháng, cả nhà tôi đã bước vào “cuộc chiến” căng thẳng ôn luyện cùng con. 8 môn thi là 8 bộ đề cương với khối lượng kiến thức “khổng lồ”, không hôm nào con tôi đi ngủ trước 1h sáng.
Vốn là công nhân làm việc trong công ty may gần nhà, hai vợ chồng tôi thường xuyên tăng ca đến 8h tối mới về, cả người đau nhức vì đứng máy khâu cả ngày. Thế nhưng cũng không được nghỉ ngơi, lùa vội bát cơm xong còn tranh thủ ngồi vào bàn cùng “học” với con.
Bài tập ôn nhiều và khó con không hiểu hết để làm, nhiều bài tập khá khó, tìm trong sách giáo khoa không có, tôi và con phải lên mạng để tìm hiểu hướng dẫn cách giải. Vợ tôi chốc chốc lại hỏi hai bố con có đói không, có khát không để pha cốc sữa, gọt đĩa hoa quả để “tiếp sức”.
Chúng tôi là công nhân nên cũng mong con học hành tốt để sau này không vất vả làm nghề chân tay như bố mẹ, nhưng không vì vậy mà đặt áp lực điểm số cho con. Nhiều hôm xót con giục đi ngủ sớm nhưng thằng bé không chịu, bảo mai cô giáo sẽ kiểm tra.
Thấy thằng bé ôn thi người gầy sọp cả người, ông bà nội tưởng vợ chồng tôi ép học nên nhiều lần mắng vốn, giải thích mà ông bà không tin, giận bỏ cả cơm.
Chủ yếu là nhồi nhét để học thuộc lòng
Không chỉ thằng con lớn ôn thi học kỳ căng thẳng, mà ngay cả đứa con gái út lớp 7 cũng căng không kém là bao, tối nào cũng đi học thêm rồi về làm bài tập đến 1h sáng mới thôi. Xem đề cương ôn tập phần lớn yêu cầu học thuộc, nhiều môn, khối lượng kiến thức nhiều, thời gian ôn tập lại dồn dập nên cứ học trước quên sau khiến con tôi càng thêm cuống và áp lực.
Con tranh thủ ôn thi mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi ăn cũng thấy con bé lẩm nhẩm khái niệm, định luật nào đấy. Ngồi trên xe chở con bé đi học về thấy con im lặng không thấy nói năng gì, tôi gọi thì nó mới giật mình bảo đang cố nhớ bài thơ.
Khoảng thời gian ôn thi kiến thức chiếm hết mọi suy nghĩ của con, mọi hoạt động vui chơi, đọc truyện đều bỏ hết. Ngay cả đến việc thiết yếu ăn uống, tắm rửa cũng cắt giảm đến mức tối đa để dành cho ôn thi học kỳ.
Mới có hơn một tuần ôn thi học kỳ I mà con tôi giảm gần 2kg, mắt trũng sâu vì ngày nào cũng thức khuya, mặt thì đờ đẫn thiếu sức sống khiến cả hai vợ chồng lo sốt vó.
Trong khi đó, cả hai đứa con đang bước vào độ tuổi dậy thì - độ tuổi quan trọng quyết định phát triển về thể chất và tinh thần. Thế nhưng những kỳ thi đã bào mòn sức lực chúng, những hoạt động thể dục, thể thao hay ăn, ngủ nghỉ hợp lý để phát triển thể chất là thứ gì đó quá đỗi xa xỉ trước kỳ thi học kỳ.
Ngày nay người ta nói nhiều về việc thế hệ trẻ em chỉ biết cắm cúi vào điện thoại, máy tính vào mạng xã hội nên không có tuổi thơ như thế hệ xưa. Thế nhưng nguyên nhân chính khiến lũ trẻ mất đi tuổi thơ có lẽ là do học hành.
Vợ chồng tôi không biết liệu rằng những kiến thức cố nhồi nhét để ôn tập trong những kỳ thi có giúp con tôi có tương lai tốt đẹp được hay không. Nhưng chúng tôi lo lắng hơn là sức khỏe thể chất, lẫn tâm lý của con bị ảnh hưởng.
Mong cho con đi học, đi làm sau này sẽ khá hơn bố mẹ, nhưng tôi lo lắng rằng với những áp lực như hiện tại con tôi sau này còn chẳng đủ sức khỏe để làm công nhân, đừng nói làm việc khác lớn lao hơn.
Là một phụ huynh, tôi mong rằng sẽ sớm có sự thay đổi, cải cách thực sự hợp lý để mỗi kỳ thi không còn là ác mộng của học sinh lẫn phụ huynh. Vẫn biết “không biết phải hỏi, muốn giỏi phải học” nhưng học bất chấp, học đánh đổi cả sức khỏe, tuổi thơ chỉ để đổi lại những điểm số thì không có nghĩa lý gì cả.