Một ông bố có con đang học lớp 6 ở TP.HCM mới đây "đăng đàn" nhờ hội phụ huynh tư vấn việc có nên cho con đi học thêm ở trung tâm hay không. Lý do anh đưa ra gây tranh cãi: Điểm kiểm tra Toán giữa kỳ của con chỉ được... 8,5 điểm. Điểm kiểm tra thường xuyên trước đó con cũng "chỉ" được 8 và 9. Hiện con đang học thêm với cô giáo bộ môn.

"Thấy điểm con vậy, mình có cần cho con học thêm Toán ở trung tâm không? Mong muốn con sẽ đạt được điểm trên 9 trong thi cuối kỳ", ông bố này thắc mắc.

Những tưởng sẽ nhận được sự đồng tình, nhưng ông bố không ngờ mình hứng về cả rổ "gạch đá".

Con thi Toán giữa kỳ được 8.5 điểm, ông bố TP.HCM hốt hoảng xin trợ giúp: Viết có vài câu mà nhận đống "gạch đá"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Chậm lại 1 chút"

Nhiều người cho biết, có rất nhiều bài học từ việc ép con học đã và đang xảy ra trước mắt, nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều phụ huynh chạy theo thành tích. Không phải cứ ép con học thật nhiều lớp học thêm là con giỏi, điểm cao. Điểm 9 bố mẹ muốn chưa chắc đã giúp đường đời con thành công, nhưng có thể lấy mất hết của con những năm tháng tuổi thơ không thể quay lại lần nào nữa.

Sau này đi làm, nhà tuyển dụng sẽ xem xét và hỏi bạn có năng lực xử lý công việc không, có tự tin vào bản thân không, có cách ứng xử khéo léo không, chứ không ai hỏi lúc đi học có đạt điểm 9, 10 không. Vậy nên đừng vì mong muốn của mình mà làm con mệt mỏi. Hãy hướng dẫn con học tập thật khoa học, để cho con chút tuổi thơ và có thời gian rèn luyện sức khoẻ, kĩ năng sống.

"Chậm lại 1 chút đi bạn ơi. Con bạn có đủ thời gian ăn ngủ và nghỉ ngơi không? Nó có mong muốn đi học thêm nữa không? Và bạn muốn điểm trên 9 để làm gì?", một người nêu ý kiến.

Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, mong muốn của vị phụ huynh không có gì bất thường. Tùy khả năng của mỗi bé mà phụ huynh đặt ra yêu cầu cho con. "Áp lực tạo nên kim cương", bất kì thứ gì cũng cần được tôi rèn dưới một áp lực, sức ép nhất định để trở thành phiên bản tốt nhất.

"Con mình lớp 9 điểm thường xuyên Toán toàn 10, giữa kì 9,3, mình vẫn cho con đi học thêm Toán, Văn, Anh để chuẩn bị cho thi tuyển sinh. Quan trọng là mình cư xử với con vui vẻ, không tạo áp lực nên con vẫn học thêm, chơi game, đi đá bóng, cân bằng việc học và chơi.

Nếu vị phụ huynh này đặt nguyện vọng cho con thi vào trường top đầu và bé cũng đồng ý thì việc rèn luyện để nâng điểm số cũng bình thường. Theo mình thấy lớp 6 mà chưa đạt trên 9 thì lên các lớp trên kiến thức càng khó, kéo theo điểm càng khó đạt hơn nữa. Quan trọng là mình hiểu khả năng con mình tới đâu để phấn đấu thôi", một phụ huynh đồng tình.

Một số đưa ra lời khuyên, ông bố nên xem trong bài kiểm tra con bị trừ điểm lỗi nào, nếu lỗi do con không hiểu bài thì xem xét, còn lỗi do trình bày thì con chỉ cần cố gắng cẩn thận hơn. Cũng có thể do mới đầu năm nên 1 số bé chưa bắt kịp nhịp độ của cấp học mới.

Một nghiên cứu gần đây nhất tại khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9) cho thấy, các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỉ lệ 38%, tiếp theo là stress với 33% và trầm cảm là 26,1%.

Nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cũng cho thấy rằng, khi trẻ em áp lực quá mức trong việc đạt điểm số cao, các em có thể rơi vào trạng thái lo âu, thậm chí là trầm cảm.

Điểm số quan trọng nhưng trẻ em cũng cần được nuôi dưỡng trong một môi trường khuyến khích sự sáng tạo, tôn trọng và một không gian an toàn, nơi trẻ cảm thấy mình được yêu thương và chấp nhận. Hãy nhớ rằng, sự thành công của trẻ không chỉ nằm ở số trên bảng điểm mà còn là sự phát triển toàn diện về mặt trí tuệ, cảm xúc và xã hội.