Năm 1218, một thương đoàn của Mông Cổ đã khởi hành đến Tây Vực (các nước nằm ở phía Tây của Trung Quốc theo cách gọi của người Trung xưa) với hy vọng liên kết giao thương, cùng phát triển.

Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã đã chờ đợi họ tại một hẻm núi thuộc Vương quốc Hoa Lạt Tử Mô (còn gọi là Đế quốc Khwarezm, hay Nhà Khwarezm Shah ở Ba Tư). Bị phục kích bởi quân lính địa phương, toàn bộ thương đoàn đã bị sát hại dã man, trừ một người sống sót. Tất cả hàng hóa, của cải đều bị cướp bóc.

Người sống sót may mắn trốn thoát và mang tin mật về kinh đô của Mông Cổ. Vừa nghe tin, Thành Cát Tư Hãn đã vô cùng phẫn nộ. Ông lập tức phái sứ giả đến Hoa Lạt Tử Mô để yêu cầu vua của họ, Alauddin Muhammad, giải thích về vụ thảm sát và giao nộp kẻ chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, sứ thần Mông Cổ đã bị sỉ nhục và phớt lờ tại Hoa Lạt Tử Mô. Quốc vương Alauddin Muhammad, vốn tin vào sức mạnh quân sự của vương quốc mình, tỏ vẻ không coi trọng đế quốc du mục và lời yêu cầu của Thành Cát Tư Hãn.

Không chỉ bị từ chối tiếp kiến, sứ giả Mông Cổ còn bị hành hạ và sát hại dã man. Tin tức này nhanh chóng lan đến tai Thành Cát Tư Hãn, khiến cơn thịnh nộ của ông bùng lên dữ dội. Quyết tâm trả thù cho sự sỉ nhục này và trừng phạt sự ngạo mạn của Hoa Lạt Tử Mô, Thành Cát Tư Hãn đã quyết định thay đổi kế hoạch quân sự của mình.

Mặc dù cuộc chiến với nhà Kim (1115-1234) ở phía Nam vẫn đang diễn ra ác liệt, Thành Cát Tư Hãn đã ra lệnh tạm hoãn chiến dịch chinh phạt phía Nam và dồn toàn lực cho cuộc viễn chinh về phía Tây.

Cơn thịnh nộ của nhà vua: Nghe tin mật báo, Thành Cát Tư Hãn dẫn quân đánh Hoa Lạt Tử Mô tan tác, vì sao?- Ảnh 1.

Chân dung Thành Cát Tư Hãn (1162 - 1227) - Khả hãn đầu tiên của Mông Cổ.

Để nâng cao tinh thần quân sĩ, Thành Cát Tư Hãn đích thân chỉ huy quân đội tiến về phía Tây. Bất cứ nơi nào Khả Hãn và quân lính đi qua, nơi đấy cũng phải chịu khuất phục.

Nghe tin Thành Cát Tư Hãn dẫn quân đi chinh phạt, Quốc vương của Hoa Lạt Tử Mô vô cùng sợ hãi. Sau một trận chiến, quân của Hoa Lạt Tử Mô đại bại. Quốc vương Alauddin Muhammad phải bỏ chạy để giữ mạng.

Thành Cát Tư Hãn và quân đội Mông Cổ quyết tâm "nhổ cỏ tận gốc" nên đã tấn công toàn diện về phía Tây, tiêu diệt nhiều nước nhỏ ở Tây Á.

Quyết định tấn công này của Thành Cát Tư Hãn, xuất phát từ cơn thịnh nộ sau khi sứ giả bị sát hại, đã thay đổi hoàn toàn cục diện lịch sử thế giới. Có lẽ vua Hoa Lạt Tử Mô chưa bao giờ tưởng tượng rằng một trong những hành động ngạo mạn của mình lại mang đến thảm họa lớn đến vậy cho lục địa Á-Âu.

Cuộc chinh phạt Hoa Lạt Tử Mô không chỉ là một cuộc trả thù tàn khốc mà còn mở đường cho sự bành trướng của đế chế Mông Cổ về phía Tây, đặt nền móng cho một đế chế rộng lớn trải dài từ Đông Á sang tận Đông Âu.

Tham khảo: Sina, 163