Hồi còn nhỏ dại, không ít lần chúng ta xích mích với bạn bè và muốn gây gổ. Nhẹ thì chúng ta mắng chửi nhau vài ba câu, nặng thì có khi lao vào đấm đá đến sứt đầu mẻ trán.
Ngày nay, chúng ta có thể đọc được rất nhiều tin tức tiêu cực về những vụ đâm chém nhau, thậm chí giết người vì những lý do vô cùng nhỏ nhặt, vớ vẩn. Đó có thể chỉ vì 1 cái nhìn đểu hay thậm chí là nhắc nhau không vượt đèn đỏ,...
Những hành vi hung bạo tất nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên lúc đó đã là quá muộn.
Con người ai cũng có lúc bốc đồng và không kiểm soát được hành vi của mình. Vì vậy, việc chúng ta được giáo dục ngay từ khi còn nhỏ về những hậu quả của bạo lực là vô cùng quan trọng.
Bạo lực không thể dẹp yên bằng bạo lực. Để ngăn chặn những hành vi côn đồ, chúng ta cần có cách giải quyết khéo léo và tinh tế, giống như ông bố trong câu chuyện sau đây:
Một ông bố trẻ có đứa con trai 8 tuổi. Một hôm, cậu con trai ẩu đả với bạn cùng lớp và chạy về nhà khóc lóc.
Cậu bé cảm thấy bạn cùng lớp đã sai và vô cùng tức giận.
“Con định làm gì đấy? Có cần bố giúp con không?”, ông bố hỏi.
“Bố tìm giúp con một viên gạch. Con muốn đập chúng nó từ phía sau vào ngày mai”.
“Bố biết rồi, để bố tìm. Con cần gì nữa không?”.
“Bố lấy thêm con dao để con có thể đâm chúng từ phía sau”.
“Tốt! Làm vậy thì con có thể bớt giận đấy. Để bố giúp con”.
Ông bố lên lầu và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Trong lúc đó, cậu con trai có vẻ bình tĩnh hơn một chút. Khoảng 20 phút sau, ông bố đi xuống, mang theo rất nhiều quần áo và chăn.
“Con trai, con đã nghĩ kỹ chưa? Gạch hay dao đây?”.
“Nhưng bố ơi, tại sao bố lại đem cho con cả quần áo và chăn vậy?”.
“Con trai, là thế này, nếu con choảng cậu ta bằng gạch, cảnh sát sẽ bắt giam chúng ta khoảng 1 tháng trong nhà tù, vì vậy chúng ta phải mang theo một số áo khoác và chăn. Nếu con dùng một con dao và đâm cậu ta, chúng ta sẽ phải ở tù ít nhất 3 năm, nếu thế chúng ta phải chuẩn bị quần áo cho cả 4 mùa phải không? Đó là luật! Vì vậy nếu con đã quyết định, bố sẽ sẵn sàng hỗ trợ con”.
“Bố, nhưng chúng ta còn chưa làm mà”.
“Nhưng con trai, con có vẻ vẫn đang rất tức giận với bạn cùng lớp”.
“Dạ, con sẽ không giận nữa và thực tế thì con cũng đã sai”, cậu con trai đỏ mặt.
“Tốt thôi, bố ủng hộ con”.
Kể từ sau hôm đó, cậu con trai không còn nghĩ đến các giải pháp hung bạo mỗi khi nóng giận nữa. Cậu bé đã học được cách lựa chọn đúng và cân nhắc đến hậu quả.
Hầu hết chúng ta thường rơi vào tình trạng “giận quá mất khôn” mỗi khi tức tối điều gì đó. Điều này sẽ dẫn đến những hành vi mất kiểm soát nguy hiểm.
Trong những trường hợp này, chúng ta cần bĩnh tĩnh lại và suy xét đến hậu quả của sự việc, giống như cách dạy con đầy thông minh và khéo léo của ông bố trên.