Gần đây, một người mẹ họ Lưu, sống ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã tìm gặp bác sĩ để nhờ kiểm tra tình hình của con trai là bé Hạo Hạo (tên đã được thay đổi). Được biết, bé Hạo năm nay 9 tuổi nhưng lại có chiều cao thấp hẳn so với bạn cùng trang lứa. Bên cạnh đó, trong lớp bé Hạo tiếp thu bài chậm hơn, kéo theo thành tích không được khả quan. Nhận thấy tình hình không ổn, cô Lưu quyết định đưa con đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Chia sẻ với bác sĩ, cô Lưu cho biết hiện tại bé Hạo đang học lớp 3, chiều cao chỉ khoảng gần 1,2m, thấp hơn nhiều so với bạn bè cùng tuổi. Không những thế, trọng lượng cơ thể của Hạo cũng gầy gò, ốm yếu. Cô Lưu nói thêm, lúc còn học mẫu giáo bé Hạo hay cáu gắt, tính khí cũng thất thường. Sau khi học tiểu học, thành tích học tập của Hạo khá tệ, điểm số luôn ở mức trung bình hoặc thấp hơn. Cô Lưu hỏi những chuyên gia sức khỏe để bồi bổ thức ăn cho con nhưng hoàn toàn vô ích.

Con trai gầy gò ốm yếu, học hành không tập trung, mẹ đưa đến bệnh viện thì phát hiện thủ phạm hiện diện trong cơ thể từ lâu - Ảnh 1.

Giáo sư Trần Hùng đang kiểm tra cho Hạo Hạo.

Cách đây nửa năm, cô Lưu phát hiện con trai bị amidan nặng, nên đã đưa cậu bé đến bệnh viện Trung Nam để điều trị. Tại đây, bác sĩ phát hiện rằng từ lúc 2 tuổi bé Hạo đã bắt đầu ngáy ngủ, hả miệng lớn khi thở, những biểu hiện này cô Lưu biết nhưng không lưu tâm, chỉ nghĩ rằng đó là những thói quen ngủ bình thường ở trẻ.

Sau khi nội soi tai mũi họng, bác sĩ phát hiện amidan gần như chặn đường thở của trẻ. Bác sĩ nghi ngờ Hạo Hạo bị rối loạn thở trong khi ngủ. Để giải quyết vấn đề, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ amidan. Sau 6 tháng phẫu thuật, cô Lưu nhận thấy giấc ngủ của con dần ổn định hơn, sự thèm ăn cũng dần cải thiện, chiều cao sau này đo lại đã tăng hơn 6cm so với trước đây. Sau tất cả là Hạo Hạo tập trung vào học hành hơn, điểm số cũng được cải thiện tích cực.

Giáo sư Trần Hùng, giám đốc khoa phẫu thuật Tai Mũi Họng bệnh viện Trung Nam đại học Vũ Hán cho biết, chứng rối loạn thở khi ngủ thường xảy ra ở những trẻ có vấn đề về hô hấp. Trong y học, rối loạn thở khi ngủ (SDB) là một thuật ngữ chung chỉ tình trạng thở khó trong suốt thời gian ngủ.

Con trai gầy gò ốm yếu, học hành không tập trung, mẹ đưa đến bệnh viện thì phát hiện thủ phạm hiện diện trong cơ thể từ lâu - Ảnh 2.

Khi hơi thở của trẻ bị gián đoạn trong lúc ngủ, cơ thể của trẻ sẽ cảm nhận điều này như một hiện tượng nghẹt thở với nhịp tim chậm, huyết áp tăng, não bị kích thích và giấc ngủ bị gián đoạn, nồng độ oxy trong máu cũng có thể giảm nhiều. Trong trường hợp của bé Hạo là do bé bị amidan nặng gây ra hẹp đường thở, dẫn đến thiếu oxy trong khi ngủ, từ đó oxy không cung cấp đủ cho não sẽ ảnh hưởng đến hormone tăng trưởng. Lúc này, chiều cao không những gặp vấn đề mà trí thông minh cũng bị hạn chế.

Giáo sư Trần cho biết, nếu nhận thấy trẻ nhỏ không hiếu động, kém tập trung hoặc hoạt động kém thì phải kiểm tra xem lúc ngủ trẻ có ngáy hay không, liệu giấc ngủ có tốt không? Trên thực tế, việc ngủ nghỉ đúng giờ đúng giấc là một trong những yếu tố quan trọng giúp bé phát triển toàn diện. Nếu phụ huynh nào có con trẻ gặp tình trạng giống bé Hạo thì hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để kiểm tra kỹ càng.

(Nguồn: QQ)