Dài ngày liên tiếp, mỗi lần như vậy, mẹ để Subo được cáu bẳn, giận dữ, khóc lóc thỏa thích. Sau khi cơn cáu qua đi, tiếng khóc nhỏ dần, các hành động bực bội, nói to, vùng vằng không còn, mẹ chạy ra ôm Subo vào lòng, hỏi thăm con. Cuối cùng khi con bình tĩnh lại mới phân tích cái nên và không nên trong cơn thịnh nộ vừa rồi.
Chiều xuống, tối về, là khi mỗi thành viên trong gia đình đều thấm mệt sau một ngày dài. Cơn thịnh nộ của trẻ lúc này có thể sẽ làm bùng nổ một cơn thịnh nộ mới giữa bố mẹ và con cái. Chắc không ít bố mẹ đã từng vô tình dẫm vào cái hố tức giận này.
Điều này diễn ra vì bố mẹ chưa hiểu diễn biến tâm lý và cách thức xử lý phù hợp với sự phát triển tâm lý tức giận của trẻ.
Các câu nói sai lầm bố mẹ
"Tại sao con khóc?", "Con có im ngay không", "Không mè nheo nữa", "Con muốn gì?", "Không nói thì làm sao mẹ biết được?", "Có thể mà cũng khóc, dừng ngay đi". Bố mẹ càng nói trẻ càng khóc to hơn, mức độ giận dữ của trẻ càng cao hơn.
Lúc này, thay vì tìm hiểu nguyên nhân hay dọa dẫm để con dừng khóc, hãy để con được thỏa sức bộc lộ những căng thẳng trong con qua tiếng khóc và cơn giận dữ. Trẻ buộc phải trải qua ba cấp độ của giận dữ (Cấp độ 1: Bực bội + cáu bẳn, Cấp độ 2: Tức giận + Phát triển thành cơn thịnh nộ, Cấp độ 3: Đừng hỏi và chạm vào con) mới có thể giảm dần và trở lại bình thường.
Vì sao chỉ không đúng ý một chút con đã tức giận?
Cha mẹ không hiểu rằng, động vật có vú chỉ giải tỏa căng thẳng trong lòng khi ở cùng đối tượng gắn bó với mình. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn bộc lộ những phần đẹp đẽ nhất cho người ngoài và dường như luôn để người nhà phải hứng chịu những thứ xấu xí nhất của bản thân.
Cả ngày đi học, con luôn "phải" tươi cười, hòa nhã, chan hòa với thầy cô và bạn bè. Những cảm xúc tiêu cực (bị bạn lấy đồ chơi, đang chạy thì ngã, dây giầy bị tuột,..) con phải kìm xuống, nén lại trong lòng. Trẻ chỉ có thể giải tỏa những căng thẳng đó khi về nhà gặp bố mẹ, đặc biệt là mẹ.
Khi ấy, một điều rất nhỏ như cái thìa không vào miệng như ý muốn, quả dâu đang trên tay lại rơi xuống đất,... đều có thể là giọt nước làm tràn ly. Do đó, thay vì cáu gắt con, hãy để con được xả bớt những căng thẳng, để con tự vượt qua và nạp yêu thương cho con khi đúng lúc.
Cha mẹ cần làm gì khi cơn nóng giận của con đã lắng xuống?
Đây là lúc con rất cần được tiếp xúc thể chất dịu dàng là một cái ôm để thúc đẩy cơ thể tiết ra dopamin, serotonin và oxytocin – các phân tử vui vẻ, thư thái và hạnh phúc giúp xoa dịu não bộ và giảm thiểu hoocmon căng thẳng vừa bao trùm quanh trẻ. Sau đó là lúc để bố mẹ phân tích nhẹ nhàng cho con những điều không nên. Đây là lúc nói gì trẻ cũng nghe và ghi nhận (đương nhiên cùng với cách nói hợp lý của bố mẹ). Việc của cha mẹ là hãy nói đúng lúc và đúng cách.
Cha mẹ là trạm tiếp nhiên liệu tích cực của con. Đừng để những cảm xúc tiêu cực của trẻ làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực cấp độ cực lớn ở cha mẹ. Cha mẹ cần là người tỉnh táo để giải tỏa và xoa dịu những tiêu cực ấy, truyền cảm xúc tích cực sang trẻ.
Vài nét về tác giả:
Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney. Cô là mẹ của 2 bé trai Subi và Subo.
Hà Trang được biết đến với nhiều bài viết hay chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.
Độc giả có thể đọc thêm các bài viết thú vị của hot mom Hà Trang TẠI ĐÂY.