Vào tháng 3/2021, tờ Sohu Trung Quốc đã đưa tin về trường hợp một cậu bé tên là Tiểu Trần, (đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc), đã bị thủng màng nhĩ sau cái tát của bố.
Ngày hôm đó, Tiểu Trần có nhiều bài tập khó nên đã nhờ bố mình giảng bài sau khi ông đi làm tăng ca về. Vốn đang mệt mỏi, lại cộng thêm cảm xúc bất lực vì đã giảng suốt 30 phút mà con vẫn chưa hiểu bài, người bố đã giơ tay tát con, có tác động vào bên tai trái. Sau cú tát của bố, Tiểu Trần lảo đảo và lập tức mất thính lực một bên.
Tiểu Trần sợ hãi không dám kể cho bố, đến sáng hôm sau cậu mới kể cho mẹ về tình trạng của mình và được gia đình đưa đến khoa Tai - Mũi - Họng của bệnh viện Nhi Thâm Quyến. Kết quả nội soi cho thấy: Chấn thương thủng màng nhĩ tai trái kèm theo giảm thính lực nhẹ.
Bác sĩ nói rằng tình trạng của Tiểu Trần nên được theo dõi trong một tháng, nếu vết thủng màng nhĩ vẫn chưa lành thì sẽ cân nhắc phẫu thuật. May mắn thay, sau 1 tháng theo dõi và điều trị, thính lực cậu bé đã phần nào ổn định. Tuy nhiên đây là bài học cho tất cả những bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ.
Ngoài tai, những bộ phận sau đây của trẻ cũng không được phép tác động mạnh
1. Mông
Xung quanh mông có nhiều dây thần kinh và các khớp xương, hơn nữa mông còn liên kết với thắt lưng, nếu bố mẹ vì tức giận mà đánh vào mông con hay chỉ dùng tay đập vào mông để trêu đùa cũng là điều không nên. Tác động mạnh vào mông sẽ khiến dây thần kinh bị tổn thương, có thể gây ra chứng bại liệt suốt đời.
2. Bụng
Bụng là nơi chứa tất cả các bộ phận của cơ quan tiêu hóa, do đó phụ huynh không nên vì trêu đùa hay bực tức mà tác động lên khu vực này của trẻ, nếu tác động mạnh thì có thể gây tổn thương ruột hoặc lá lách, gan. Các tổn thương này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời thì bé có thể đối diện với tử vong.
3. Chân, tay
Cơ thể trẻ em tương đối mỏng manh, do đó phần chân và tay nếu bị tác động mạnh vì bất cứ lý do nào cũng có thể khiến các bé bị gãy sụn tiếp hợp hoặc gãy xương. Các tổn thương này có thể khiến cho tay chân trẻ cong vẹo hoặc phát triển không bình thường.
4. Phần lưng
Lưng là bộ phận tiếp giáp với các cơ quan nội tạng, nếu bộ phận này bị tác động mạnh cũng có thể gây ra các tổn thương bên trong cơ thể, rất nguy hiểm.
5. Phần thái dương
Thông qua việc té ngã, đánh nhau, giằng co hay là bị bố mẹ đánh vào vùng thái dương đều rất nguy hiểm cho trẻ. Thái dương rất mỏng manh, huyết mạch bên trong dày đặc, nếu bị ngoại lực tác động rất dễ bị thương, có thể gây nguy hiểm cho não bộ và thậm chí gây tử vong.
Những bộ phận trên không thể tác động mạnh, vậy bố mẹ có thể phạt con tại vị trí nào trên cơ thể? Câu trả lời là không chỗ nào cả. Bởi vì tất cả bộ phận trên cơ thể trẻ đều có công dụng riêng, bị tổn thương ở bất cứ nơi đâu đều sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bé. Hơn nữa theo các chuyên gia tâm lý, đòn roi là cách hành xử đầy bất lực của người lớn lên trẻ nhỏ, điều đó chỉ khiến trẻ thấy đau trên thể xác, trở nên bạo lực hơn trong tinh thần, không có tính giáo dục vì thế thay vì đánh, phụ huynh nên dành thời gian để tâm sự, lắng nghe và phân tích để con có nhận thức tốt về những hành vi của mình.
(Theo Sohu, QQ)