Con béo phì, mẹ stress
Chị Đỗ Minh Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đưa hai con đi khám dinh dưỡng vì cháu nào cũng béo phì. Bé gái năm nay 10 tuổi nhưng nặng 45 kg, cao 1.34 cm, còn con trai thứ 2 mới 5 tuổi nhưng nặng 38kg, cao 1,28 cm.
Sau khi thăm khám, bác sĩ khuyên chị Hương về thay đổi chế độ ăn uống cho các con, tăng cường vận động. Thế nhưng, khi về nhà chị không thể làm theo được lời khuyên của bác sĩ vì hai con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên không chịu nổi cách giảm cân bằng cắt khẩu phần ăn uống. Chị đang định đánh liều mua thuốc giảm cân cho con uống.
Chị Hương tâm sự, con béo quá khiến mình cũng stress vì đi đâu cũng có người hỏi sao béo thế. Thậm chí, mẹ chồng còn thường xuyên ca thán việc chị không biết nuôi con để đứa nào cũng béo ú trong khi từ trước tới nay nhà chẳng có ai béo phì.
Không riêng gì chị Hương, chị Hoàng Kim Anh – (45 tuổi, Hà Nội) cũng khổ sở vì cậu con trai học lớp 6 nhưng đã nặng 74 kg. Thời gian gần đây dù bác sĩ khuyến cáo phải giảm cân để kiểm soát đường máu nhưng cháu vẫn trốn mẹ ăn vặt, uống nước ngọt. Hằng ngày, chị Kim Anh luôn phải đau đầu nghĩ cách nấu canh rau như thế nào để con ăn ngon, giảm ăn cơm, thịt.
Sau đó, chị Kim Anh thấy quảng cáo thuốc giảm cân cho trẻ nên đã mua về cho con uống. Con uống được 1 tuần thì liên tục đi ngoài, đau mỏi cơ thể. Chị vội cho con đi kiểm tra mới biết con bị rối loạn tiêu hóa vì thuốc giảm cân.
Tuyệt đối không dùng thuốc giảm cân cho trẻ béo phì
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ thừa cân, béo phì thường có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ có cân nặng bình thường. Béo phì ở trẻ em nếu không phòng và điều trị sớm sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tình trạng béo phì ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên, rất nhiều ba mẹ vẫn không biết cách làm sao để giảm cân cho con nên tìm tới các phương pháp giảm cân cho người lớn để áp dụng cho con mình. Vì vậy dẫn tới nhiều trường hợp trẻ giảm cân cấp tốc hay càng giảm cân thì lại càng béo…
TS Hưng cho biết việc điều trị cho trẻ thừa cân, béo phì cần rất nhiều thời gian và cần có kế hoạch dinh dưỡng cụ thể. Cha mẹ tuyệt đối không sử dụng thuốc giảm cân cho trẻ dưới 12 tuổi. Có trường hợp trẻ béo phì uống thuốc giảm cân đã dẫn tới tăng men gan.
Trong khi đó, BS.CKII Hoàng Thị Tín - Trưởng khoa Dinh dưỡng – BV Nhi đồng 1 cho biết việc điều trị béo phì của người lớn và trẻ con khác nhau. Người lớn đã phát triển hoàn thiện vì vậy muốn giảm cân thực hiện một chế độ ăn cắt giảm năng lượng đều ít ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, trẻ con thì vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng, phát triển vì vậy cha mẹ tuyệt đối không tùy tiện giảm cân cho con.
Ở bệnh viện, các bác sĩ có phác đồ điều trị giảm cân cho những đứa trẻ thừa cân béo phì, nhưng không có khuyến cáo điều trị thừa cân béo phì cho trẻ dưới 7 tuổi nếu chưa có biến chứng của béo phì như mỡ máu, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, rối loạn đường huyết…
Trẻ trên 7 tuổi béo phì nặng hoặc có biến chứng mới giảm cân nhưng không được giảm quá 500 gram trong 1 tuần. Những trẻ thực hiện giảm cân cần được theo sát để xem đứa trẻ có được bù đủ khoáng chất tăng trưởng như vitamin, sắt, kẽm…
Để giảm cân cho trẻ thừa cân, béo phì, TS Nguyễn Trọng Hưng khuyên ba mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống kết hợp các hoạt động thể lực là cách điều trị béo phì tốt nhất cho con. Ba mẹ nên cho con ăn theo thực đơn dinh dưỡng của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, trong đó chú ý nhất là:
- Ăn thịt nạc, cá, thịt gia cầm bỏ da, tôm, đậu phụ...
- Nếu uống sữa nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ), không nên uống sữa đặc có đường.
- Bữa sáng nên ăn nhiều để tránh trẻ ăn vặt ở trường, giảm ăn về chiều và tối.
- Nên ăn nhiều rau xanh, quả chín ít ngọt. Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thực phẩm cơ bản giàu chất xơ.
- Khi chế biến thức ăn hạn chế các món xào, rán, nên ăn các món luộc, hấp.
- Nên ăn đều đặn, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu quá đói trẻ sẽ ăn nhiều các bữa sau sẽ gây tích lũy mỡ nhanh hơn.
- Nhai kỹ và chậm khi ăn.
- Kết hợp khẩu phần ăn ít chất béo, uống nhiều nước lọc và ăn vừa đủ không quá no.
- Ngoài ra, cha mẹ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các trò chơi vận động như nhảy dây, đá bóng, cầu lông, bơi lội, đi bộ, leo cầu thang... Khuyến khích trẻ đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường thay vì đưa đón, hoặc cho trẻ làm việc nhà như dọn dẹp, lau chùi nhà cửa... Không cho trẻ xem tivi quá nhiều, cũng không nên bắt trẻ ngồi học nhiều. Tốt nhất cha mẹ nên cùng con tập luyện để trẻ không thấy nhàm chán trong công cuộc giảm cân.
- Chiều cao của con bạn không hoàn toàn phụ thuộc vào di truyền mà nó vẫn có thể cải thiện trong quá trình nuôi dưỡng với dinh dưỡng, môi trường phù hợp.