Nuôi dạy con là hành trình dài cần sự nhẫn nại, kiên trì, yêu thương. Sự nóng vội chẳng những không giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn gây tổn thương con trẻ. Hiểu thấu điều đó, chị Hàn Hồng Hạnh, 33 tuổi, sinh sống tại Hà Nội đã bật mí hàng loạt bí quyết nuôi dạy con.
Bé Vũ Khôi - con chị Hồng Hạnh có tên ở nhà là Finn. Năm nay, Finn 7 tuổi nhưng đã đạt được một số thành tựu ấn tượng. Finn dành giải Nhất bảng level 1 ở giải US Kid Little Easy Tournament 2020 do học viện golf EPGA tổ chức cho lứa tuổi từ 6 tuổi trở lên. Lúc mới tham gia, Finn mới 4 tuổi nên phải làm cam kết và có ý kiến chuyên môn từ chuyên gia. Lần thứ hai tham gia vào năm 2021, Finn dành giải Ba dù chưa được học một cách bài bản như các bạn.
Tuy nhiên, giải golf mang lại nhiều cảm xúc và thách thức nhất đối với Finn là giải Vietnam Junior Open 2022. Đây là 1 giải đấu quốc gia, hội tụ những tay golf trẻ hàng đầu Việt Nam, có thứ hạng cao trong làng golf không chuyên thế giới.
Chị Hồng Hạnh cho con tham gia với mong muốn thử sức bền trong một giải golf chuyên nghiệp. Và Finn là gôn thủ nhỏ tuổi nhất, bền bỉ thi đấu 54 hố trong 3 ngày. Bé vinh dự được trao tặng cúp vàng cho vận động viên triển vọng. Ngoài ra, Finn còn nhận được lời mời tham gia chương trình Siêu tài năng nhí. Sau vòng loại gồm 30 thí sinh trên toàn quốc, bé dừng chân ở top 10 trong đêm chung kết.
LỘ TRÌNH NUÔI DẠY CON KHOA HỌC GIÚP CON PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Chị Hồng Hạnh chia sẻ, vợ chồng chị quan tâm đến việc giáo dục từ khi con chưa chào đời. Hai vợ chồng cùng nhau đi học chương trình Cửa sổ vàng và đọc nhiều cuốn sách giáo dục trẻ khi Finn còn trong bụng mẹ.
Trong hành trình cùng con khôn lớn, chị Hồng Hạnh liên tục thay đổi phương pháp giáo dục để đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh gia đình, nhằm giúp con phát triển tốt nhất. Chị chia theo từng giai đoạn như sau:
- Từ 0 - 3 tuổi: Bố mẹ đưa Finn đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều hoạt động giúp kích thích các giác quan. Giai đoạn này cần có những hoạt động gần gũi thiên nhiên, gặp gỡ các bạn đến từ môi trường khác nhau. Điều này giúp con trở nên dạn dĩ, có khả năng thích nghi nhanh chóng. Khi đưa con con đến đâu, làm gì, chị Hạnh đều giải thích, giới thiệu với con về mọi vật, mọi việc xung quanh.
- Từ 3 - 6 tuổi: Đây là giai đoạn con hình thành nhân cách, phát triển năng lực tư duy và ngôn ngữ. Thời điểm này, chị Hồng Hạnh bắt đầu cho con chơi các trò chơi đòi hỏi tư duy và giàu tính sáng tạo như lắp lego, luyện thẻ bài trí nhớ, xếp hình, chơi cờ vua...
Bên cạnh đó, chị cũng chú trọng hướng dẫn con học chữ cái, số đếm, giải toán tư duy vui nhộn. Con cũng được xem các chương trình tiếng Anh nhiều hơn thông qua các bài hát, câu chuyện,... Đặc biệt, buổi tối trước khi đi ngủ, con được bố mẹ, ông bà đọc sách truyện cho nghe. Con nghe nhiều câu chuyện về đức tính tốt như: Lòng hiếu thảo, sự chăm chỉ, biết quan tâm và giúp đỡ mọi người,... Ngoài ra, con được rèn luyện làm việc nhà và một số việc cá nhân.
Không giống như những gia đình khác chú trọng đầu tư cho con học tiếng Anh, chị Hồng Hạnh lại nghĩ con cần thành thạo tiếng Việt trước khi cùng bố mẹ ra nước ngoài sinh sống. "Chủ yếu phần lớn thời gian sau, con sẽ sử dụng ngoại ngữ, nên trong giai đoạn này, tôi ưu tiên cho con sử dụng nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ. Tôi không muốn con là một chàng trai Việt mà lúng túng trong sử dụng tiếng Việt sau này", chị Hồng Hạnh tâm sự.
Về ngôn ngữ Anh, chị chỉ cho con tiếp xúc tự nhiên qua các trò chơi, chương trình khoa học, phim thiếu nhi, bài hát, câu chuyện,… và theo chương trình học Grapeseed tại trường mẫu giáo. Hiện Finn đã lên lớp 1, con chỉ học tiếng Anh ở trường. Vì thế, khả năng ngoại ngữ của con chưa có gì nổi trội. Finn có thể nghe hiểu nhưng chưa chủ động sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Tuy nhiên, con vẫn đọc - viết được các từ tiếng Anh cơ bản trong một số môn học.
DẠY CON SỐNG LẠC QUAN, CHẤP NHẬN CẢ NHỮNG ĐIỀU TỒI TỆ NHẤT
Mong muốn của chị Hồng Hạnh là rèn con trở thành một chàng trai độc lập, mạnh mẽ, lạc quan, biết quan tâm mọi người và có trách nhiệm cao. Về học tập, chị Hạnh cố gắng khơi dậy cho con niềm yêu thích khám phá và tinh thần tự giác. Quy tắc quan trọng đặt lên hàng đầu là kỷ luật và vui vẻ. Nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, bà mẹ trẻ gặp nhiều khó khăn. Ranh giới giữa việc tôn trọng mong muốn của con hay rèn con tính kỷ luật rất khó xác định.
Chị Hồng Hạnh chia sẻ: "Finn may mắn được sống trong đại gia đình có 4 thế hệ. Finn lại là "con đầu cháu sớm" nên nhận được nhiều tình yêu thương từ gia đình hai bên nội ngoại. Nhưng đây cũng là một thách thức trong việc nuôi dạy con để làm sao không quá bao bọc, khiến con mất đi tính tự lập. Rất may mắn, ông bà nội ngoại đồng tình và thống nhất về định hướng nuôi dạy Finn của vợ chồng tôi".
Bên cạnh đó, chị Hồng Hạnh cũng đặc biệt chú trọng rèn sự thích nghi cho con, giúp con dám đối mặt với khó khăn. Trong cuộc sống, sẽ có nhiều việc không theo mong muốn, Finn cần hiểu và chấp nhận một cách vui vẻ. "Tôi mong Finn học được sự tích cực từ bố của con - người trong mọi hoàn cảnh đều nỗ lực sống vui vẻ", bà mẹ Hà Nội nói.
Nhờ những phương pháp giáo dục khoa học nên hiện tại, cậu bé phát triển theo đúng kỳ vọng của bố mẹ. Finn là một chàng trai hoạt bát, tình cảm. Con yêu thích các hoạt động được chú trọng rèn luyện thể dục thể thao.
Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dạy con, có nhiều điều nằm ngoài định hướng của chị Hồng Hạnh. Chẳng hạn, dù con được tiếp xúc để rèn sự dạn dĩ từ bé nhưng sau năm 4 tuổi, con đột nhiên sợ bẩn. Finn từ chối mọi hoạt động đùa nghịch có bùn đất hay bất kỳ thứ gì con nghĩ là bẩn. Ngoài ra, khi đến nơi đông người, con khá rụt rè và mất một thời gian mới hoà đồng được.
"Không phải cứ áp dụng đúng lý thuyết là được kết quả như sách vở. Chuyện nuôi dạy con không như vợ chồng tôi từng nghĩ", bà mẹ 9x trải lòng.
THAM GIA NHIỀU HOẠT ĐỘNG LÀ CÁCH GIÚP TRẺ TỰ TIN TỎA SÁNG
Cậu bé Finn nhận được khá nhiều giải thưởng ở các cuộc thi golf. Có được thành tựu trên nhờ công sức của vợ chồng chị Hồng Hạnh khi hướng dẫn cho con. Chị Hồng Hạnh tâm sự, Finn được biết đến golf từ nhỏ qua bộ gậy bằng bông, lớn hơn được chơi gậy bằng nhựa.
Khi 1 tuổi, con bắt đầu theo bố ra sân, xem ông bà tập golf ở nhà và tỏ ra hứng thú với bộ môn này. Khi 5 tuổi, Finn có thể tự ra sân cùng caddie (nhân viên phục vụ tại sân golf) mà không cần bố mẹ. Tròn 6 tuổi, con ra sân một mình cùng các anh chị, tự chuẩn bị gậy và tính toán các cú đánh.
Bà mẹ Hà Nội bật mí: "Bố của Finn là người đã dạy con, đồng hành cùng con hàng ngày. Anh kiên nhẫn khơi dậy đam mê cho con từ những ngày đầu làm quen với golf. Anh đã biến hoá môn golf thành nhiều trò chơi thú vị khiến Finn rất thích thú. Golf đòi hỏi tính kiên trì và không sôi động như các bộ môn thể thao khác nên để một đứa trẻ ở độ tuổi như Finn ham thích không phải là điều dễ".
Ngoài chơi thể thao, chị Hồng Hạnh và chồng còn cho con tham gia nhiều hoạt động thú vị khác. Trong đó có việc nhận lời mời tham gia Siêu tài năng nhí. Lúc đầu, chị Hạnh lưỡng lự bởi 2 lí do. Thứ nhất, Finn là 1 bạn nhỏ còn rụt rè nơi đông người, chị không nghĩ con có thể đứng trên sân khấu lớn như vậy. Thứ hai, chị sợ con sinh ra tâm lý tự mãn, nghĩ mình là "ngôi sao". Nhưng sau khi tìm hiểu nội dung chương trình, cũng như trò chuyện với nhiều người và tham khảo ý kiến của Finn, vợ chồng chị Hạnh quyết định cho con thử sức.
Sau 2 đợt vào TP. HCM tham gia chương trình, Finn trưởng thành hơn khiến chị Hạnh vô cùng bất ngờ. Mỗi đợt Finn có 5-7 ngày để ăn, ngủ và tập dượt cường độ cao ở trường quay cùng các thí sinh khác. Từ rụt rè, nay lên sân khấu con đã bình tĩnh, tự tin thể hiện các phần thi và dõng dạc giao tiếp với BGK, MC của chương trình.
Con được gặp nhiều anh chị có tài năng khác nhau, đặc biệt học tập từ họ tinh thần chăm chỉ luyện tập, trách nhiệm cao. Thật sự, chương trình đã cho Finn những trải nghiệm tuyệt vời, đáng nhớ. Nếu có cơ hội và phù hợp với lịch học tập của Finn, chị Hạnh sẽ tiếp tục cho con tham gia những cuộc thi và sự kiện tương tự.
"Rèn con sửa mình" là châm ngôn trong việc nuôi dạy con của chị Hồng Hạnh. Chị cho rằng không thể đòi hỏi con trở thành một hình mẫu trong khi chính bố mẹ chưa rèn luyện được như vậy. Quá trình nuôi dạy con cũng là quá trình chị Hạnh tự nhìn lại để rèn luyện bản thân, trở thành tấm gương sáng cho con noi theo. Sau cùng, chị Hồng Hạnh mong con trở thành một chàng trai hạnh phúc, luôn vui vẻ, giàu lòng yêu thương, có trách nhiệm trong mọi việc.
Ảnh: NVCC