Gần đây cộng đồng mạng Trung Quốc vô cùng bức xúc trước một vụ việc phá hoại tài sản. Theo đó, một nam thanh niên 22 tuổi sinh sống tại thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây đã tới showroom BMW để xem xe sau khi thi đỗ bằng lái.
Ưng ý với chiếc BMW màu xanh đậm, anh ta liền gọi điện cho bố đòi mua nhưng bị từ chối. Điều này khiến nam thanh niên nổi nóng và trở nên kích động. Quá giận dữ, nam thanh niên liền lấy chiếc chìa khóa trong tay rạch xước sơn cánh cửa xe.
Hành động xấu xí này nhanh chóng bị camera của showroom ghi lại. Điều bất ngờ là sau khi cảnh sát xuất hiện, thay vì lúng túng sợ hãi anh ta tỏ ra vô cùng thản nhiên.
Giải thích hành động của mình, nam thanh niên cho biết: "Bố đã hứa mua một chiếc xe đẹp tặng tôi nếu thi đỗ bằng lái nhưng ông ấy không giữ lời. Thế nên tôi nghĩ ra cách cào xước chiếc BMW để buộc gia đình phải mua cho mình chiếc xe này".
Hành động của nam thanh niên sau đó khiến rất nhiều người bất bình. Không ít cư dân mạng xứ Trung thẳng thừng gọi anh ta là kẻ "phá gia chi tử". Một số khác gay gắt bình luận:
"Anh ta đã 22 tuổi rồi mà hành động như một đứa trẻ. Bố mẹ anh ta cũng có lỗi vì đã làm hư con. Lẽ ra khi đã trưởng thành, anh ta nên làm việc để tự mua cho mình chiếc xe".
"Trong trường hợp mua được xe, chắc chắn anh ta sẽ gây rối nếu lái nó ra đường".
Không rõ nam thanh niên này sau đó có được bố mua cho ô tô hay không nhưng anh ta đã bị cảnh sát bắt giữ vì tội cố tình phá hoại tài sản.
Thói mè nheo, đòi hỏi là điều thường thấy ở nhiều đứa trẻ. Nếu bố mẹ không sớm xử lý tốt, con có thể bị nhiễm thói xấu này đến tận khi trưởng thành, giống như trường hợp của nam thanh niên Trung Quốc nói trên.
Bà Amy McCready, tác giả cuốn sách "Hướng dẫn từng bước để nuôi dạy những đứa trẻ có khả năng và biết ơn trong thế giới khó khăn"
Việc con hay đòi hỏi, lạm quyền sẽ hình thành thói quen xấu, ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách sau này.
Con sẽ không biết coi trọng công việc, luôn đề cao vật chất, không biết cố gắng mà luôn tìm cách để đạt được mục đích. Không chỉ vậy, con còn gặp khó khăn trong việc giữ một công việc ổn định và nuôi dưỡng các mối quan hệ lâu dài.
Bà Amy McCready cho rằng, sở dĩ con trở nên đòi hỏi là bởi chính bố mẹ đã mắc phải 5 sai lầm sau đây:
Không bao giờ từ chối con
Nhiều bố mẹ quá nuông chiều và sẵn sàng đáp ứng mọi điều con mong muốn. Thậm chí ở nơi công cộng, vì sợ con khóc lóc, ăn vạ mà bố mẹ sẵn sàng mua hoặc làm những việc con thích.
Dần dần, con sẽ quen thói và không biết cách kiểm soát cảm xúc, nhu cầu của mình. Khi lớn lên, con luôn nghĩ rằng việc cha mẹ đồng ý nghĩa là yêu con, còn nếu cha mẹ từ chối tức là không yêu con.
Theo bà Cornelia Dahinten, chuyên gia tư vấn gia đình và làm cha mẹ người Singapore thì cha mẹ cần phải mạnh mẽ, không được để sự sợ hãi chi phối và phải đặt ra các nguyên tắc cho con.
"Từ chối con khi thấy cần thiết và biết sử dụng quyền lực làm cha mẹ để trấn an con. Con dần sẽ hiểu ra rằng đôi khi sự từ chối, nói "Không" cũng có nghĩa là làm cho con tốt hơn mà thôi".
Luôn ám ảnh suy nghĩ phải làm con vui
Bố mẹ nào cũng mong con luôn được vui vẻ, hạnh phúc. Vậy nên nhiều người bị ám ảnh nếu con khóc lóc, hờn giận và cố làm mọi cách để con vui cười. Điều này vô tình khiến con nghĩ rằng, con có thể làm người khác tổn thương để đạt được mục đích, sự vui vẻ của bản thân.
Muốn con hạnh phúc, bố mẹ cần dạy con mọi thái cực của cuộc sống, bao gồm việc chịu đựng khó khăn, thử thách, cảm nhận sự thất bại, bị từ chối, những cảm xúc tiêu cực…
Sau đó, bố mẹ hãy giúp con vượt qua những cảm xúc này, tìm ra những biện pháp hữu hiệu để tự xoa dịu và tìm niềm vui cho bản thân.
Không khuyến khích con về lòng biết ơn
Nhiều đứa trẻ thường vô tư nhận quà, sự giúp đỡ từ bố mẹ, người thân mà không hề nói lời cảm ơn. Điều này là không tốt và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con sau này.
Con cần được dạy trân trọng và biết ơn ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Nếu không có lòng biết ơn, con sẽ đòi hỏi vô tội vạ và nghĩ đó là đặc quyền của mình.
Để khuyến khích lòng biết ơn, sự đồng cảm, bố mẹ có thể tích cực cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Khen ngợi mọi điều con làm
Khen ngợi để con nỗ lực phấn đấu là tốt nhưng khen ngợi nhiều quá lại không nên. Bởi điều này sẽ khiến con nghĩ mọi việc mình làm đều xứng đáng được chú ý và tung hô, vinh danh.
Không chỉ vậy những lời khen thừa mứa còn gây ảnh hưởng tới lòng kiên trì, sự tự tin mỗi khi con không đạt được thành tích như mong muốn.
Thể hiện tình yêu bằng vật chất
Nhiều bố mẹ vì bận rộn, không có thời gian bên con nên thường cố bù đắp tình cảm bằng cách cho con càng nhiều vật chất càng tốt.
Đây là quan điểm vô cùng sai lầm. Nó khiến con không hiểu được giá trị của mọi thứ vì con có nó quá dễ dàng. Không chỉ vậy, nó còn khiến con trở nên tham lam và đánh đồng mọi thứ bằng vật chất.
Nếu một ngày bố mẹ không đáp ứng được nhu cầu, con có thể trở nên nổi loạn, bất trị. Tiêu biểu là trường hợp của nam thanh niên Trung Quốc trên.