Lương Thế Thành và Thuý Diễm là một trong những cặp đôi nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của công chúng. Từ khi Bảo Bảo ra đời, cuộc sống của vợ chồng nam diễn viên càng thêm viên mãn hơn. Dù có không ít khó khăn trong quá trình dạy con song họ luôn cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Trong tập 2 của ''Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân'', các ông bố tiếp tục tự mình chăm sóc các con khi vợ đi vắng. Đây quả là một thử thách không hề dễ dàng với bất kì người đàn ông nào. Lương Thế Thành cũng không ngoại lệ, tuy nhiên suốt chương trình, anh luôn tỏ ra là một người cha yêu thương, quan tâm nhưng cũng rất nghiêm khắc với con.
Cụ thể, ông bố trẻ đã có màn dạy con học được nhiều người khen ngợi. Bảo Bảo hiện đang trong giai đoạn tập nói nhưng cậu bé có chút rối loạn ngôn ngữ giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Trong khi tiếng Anh có vẻ tốt hơn thì tiếng Việt của bé bị ngọng, khá khó nghe. Chính nam diễn viên cũng thừa nhận điều này.
Lương Thế Thành dạy con trai đọc số
Khi đang đếm 8, 9, 10… thì cậu bé không đọc số 11 mà lại nói ''eleven'' (số 11 nhưng bằng tiếng Anh). Gặp tình huống này, Lương Thế Thành kiên nhẫn giảng giải nhẹ nhàng, khẳng định ''ba đang hỏi con tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh''. Sau đó anh từ từ dạy con và cậu bé cũng đã đọc thành thạo các số phía sau bằng tiếng Việt.
Trên thực tế, việc rối loạn ngôn ngữ xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là với trẻ tiếp xúc nhiều ngôn ngữ từ nhỏ. Trong một số trường hợp, các bé không biết nên dùng ngôn ngữ nào vào thời điểm nào, về lâu dài không có thứ tiếng nào tốt mà thậm chí còn bị chậm nói, phát âm khó nghe.
Theo dõi đoạn clip này, một số mẹ tâm sự: ''Hôm qua, mình có xem 1 đoạn video trên mạng, bé trai trong ảnh đang tập đếm số bằng tiếng Việt thì đếm sang tiếng Anh, dù mình thấy rất đáng yêu nhưng bố bé bảo bé bị loạn ngôn ngữ và nhất quyết cho bé tập đếm lại bằng tiếng Việt. Theo mình cách của bố rất hay, giúp con phân biệt đâu là tiếng Anh, đâu là tiếng Việt''.
Bình luận của cư dân mạng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, muốn tránh hoặc hạn chế tối đa sự rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thì biện pháp quan trọng hàng đầu chính là các bậc phụ huynh và người thân trong gia đình phải tránh hoặc hạn chế việc cho trẻ từ 0 - 3 tuổi tiếp xúc với tivi, máy tính, máy chơi game, điện thoại... vì đây chính là giai đoạn trẻ em bắt đầu xây dựng những cơ sở về khả năng ngôn ngữ của mình.
Trái lại, phải tăng cường cho trẻ em giao tiếp trực tiếp để hướng dẫn cho trẻ làm quen với các đồ vật, hành động, cử chỉ liên quan đến các yêu cầu và ước muốn của chúng. Trong biện pháp giáo dục trực tiếp này, cô nuôi dạy trẻ hoặc người lớn sẽ cùng tham gia vào các trò chơi, các bài học để hướng dẫn, uốn nắn cho trẻ nghe, nói chuẩn lời nói, từ ngữ... giúp trẻ phát triển khả năng nghe, nói, sử dụng ngôn ngữ đúng. Nhờ đó trẻ sẽ trở nên mạnh dạn hơn trong giao tiếp và biết sử dụng các từ ngữ cần thiết để biểu đạt nhu cầu hay biểu lộ tình cảm của mình.
Cha mẹ và những người thân trong gia đình luôn luôn khuyến khích khả năng nói, hát, tham gia các trò chơi, tăng cường cho trẻ tiếp xúc với những hoạt động hấp dẫn. Khi dạy trẻ nghe và nói, phụ huynh cũng không nên gò ép trẻ phải có tiến bộ ngay trong việc học các từ mới mà cần kiên trì, dạy trẻ mỗi ngày một số từ và câu nói mới.