Trẻ con thường rất tò mò, nếu bố mẹ không cẩn thận trông chừng trẻ, chúng rất dễ gặp nguy hiểm. Có không ít những trường hợp thương tâm xảy ra khi trẻ nghịch ngợm đồ đạc trong nhà, vì vậy bố mẹ cần đặc biệt chú ý khi chăm sóc con mình.
Có một lần, con trai anh Trần khi thấy bố nhỏ thuốc vào mắt nên rất tò mò. Cậu bé hỏi đó là thứ gì, công dụng như thế nào. Anh Trần giải thích rằng, đây là thuốc nhỏ mắt, có công dụng làm giảm mỏi mắt, khó chịu ở mắt.
Anh Trần không ngờ rằng, lời giải thích của mình vô tình khiến đứa con trai 4 tuổi gặp họa. Hôm đó, anh Trần đi làm về thì phải nghe điện thoại, con trai đang chơi trong phòng khách. Lúc này, cậu bé thấy trong ngăn kéo có một lọ nhỏ, tưởng đó là thuốc nhỏ mắt của bố nên bắt chước nhỏ vào mắt. Ngay lập tức, cậu bé hét lớn, anh Trần nghe tiếng khóc của con liền vội vã chạy vào. Khi nhìn thấy lọ keo 502 trên mặt đất, anh lập tức hiểu ra mọi chuyện. Lúc này, anh vội vàng bế con vào toilet, rửa mắt cho con bằng nước sạch. Sau đó, anh tiếp tục nhỏ nước muối sinh lý vào mắt con rồi bế tới bệnh viện.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ nhận thấy mắt đứa trẻ không có vấn đề nghiêm trọng. Đặc biệt, khi nghe anh Trần kể lại quá trình sơ cứu con trai, bác sĩ không ngớt lời khen ngợi.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ nhỏ keo 502 vào mắt?
- Lau bằng khăn ướt
Nếu chẳng may trẻ nhỏ keo vào mắt, bố mẹ không nên hoảng sợ, cần bình tĩnh dùng khăn ướt lau quanh mắt, để trẻ mở mắt từ từ. Cách làm này giúp trẻ bớt đau và bỏng mắt.
- Nhỏ nước muối sinh lý
Sau khi lau khăn ướt xong, bố mẹ có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ vào mắt trẻ. Cách làm này giúp phần keo còn sót lại trong mắt chảy ra ngoài, đồng thời làm dịu bớt cơn đau và mức độ tổn thương cho mắt.
- Nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ
Sau khi làm xong 2 bước trên, bố mẹ nhanh chóng đứa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.
Bố mẹ nên làm gì để nâng cao ý thức về sự an toàn cho trẻ?
Trong cuộc sống hàng ngày, có không ít những vật dụng gây nguy hiểm cho trẻ. Ngoài việc để những thứ này tránh xa tầm tay của trẻ, bố mẹ cũng cần nâng cao ý thức cho trẻ về sự an toàn bằng những cách sau:
- Kiên nhẫn giải thích
Hầu hết bố mẹ đều chú ý tới sự an toàn đối với con cái. Tuy nhiên, ngoài việc dặn dò con cái không được đụng vào cái này cái kia, bố mẹ cũng cần kiên nhẫn giải thích cho trẻ hiểu tại sao những đồ vật đó lại nguy hiểm.
Có thể trẻ sẽ nghe lời bố mẹ không đụng tay vào những vật dụng này nhưng đó là do sự ép buộc. Một khi bố mẹ không để ý, trẻ vẫn tò mò và sẽ gặp nguy hiểm. Thế nên, bố mẹ hãy kiên nhẫn giải thích thêm cho trẻ hiểu.
- Để trẻ thử trong phạm vi hợp lý
Đôi khi, bố mẹ nói nhiều lần cũng không bằng để trẻ thử một lần, những lời nói suông lúc nào cũng không hiệu quả bằng hành động cụ thể. Nếu trẻ không nhận thức được hậu quả của việc nguy hiểm, chúng sẽ không biết cách tránh những rủi ro.
Chẳng hạn như bố mẹ dặn con cái không được đụng vào nước sôi vì sẽ bị bỏng. Thế nhưng, trẻ con không hiểu nóng là gì, do đó không nhận ra hậu quả nghiêm trọng của việc bị bỏng nước sôi. Vì vậy, bố mẹ nên để trẻ cảm nhận nóng là gì, điều này hiệu quả hơn việc lúc nào cũng dặn dò trẻ không được đụng vào nước sôi hay đồ vật nóng.
Nguồn: 163