Tôi và chồng yêu nhau từ trong đại học rồi kết hôn khi mới ra trường. Cưới xong tôi có bầu nên chồng khuyên đẻ xong rồi hãy đi xin việc, chứ vác bụng bầu đi xin thì không nơi nào nhận. Tôi nghe lời chồng ở nhà sinh con. Khi con nhỏ, chúng tôi không có điều kiện để thuê người, bố mẹ thì ở xa, nên tôi lại đành ở nhà chăm con, nhà cửa, cơm nước…

Tôi đã từng nghĩ khi con được vài tuổi sẽ gửi cho đi mẫu giáo để đi xin việc, nhưng con lại hay ốm đau, suốt ngày đi khám bác sỹ, gửi con thì lại thương nó nên chồng tôi muốn tôi ở nhà chăm con, để anh ấy đi làm. Cứ nấn ná mãi, con càng lớn lại càng nhiều việc phải lo cho nó, từ chăm sóc ăn uống, đưa đón học thêm, làm việc nhà… nên tôi không còn thời gian nghĩ đến chuyện đi làm nữa. Chồng tôi tuy thu nhập không cao, cuộc sống cả nhà khá chật vật nhưng anh ấy cũng tán thành phương án chỉ mình chồng đi làm, còn tôi ở nhà lo việc con cái học hành.

Con trượt lớp 10  công lập, chồng mắng vợ vô dụng - Ảnh 1.

Chồng mắng tôi vô dụng, tiền cũng không kiếm được, lo cho con cũng không xong (ảnh minh họa)

Nhà có mỗi đứa con trai nên vợ chồng tôi dành hết mọi thứ cho nó. Tôi đưa con đến đủ các lớp học thêm từ hội họa, võ, vẽ đến tiếng Anh và các môn văn hóa. Vợ chồng tôi tuy không nói ra nhưng kỳ vọng vào con vì nó là đứa thông minh, kết quả học khá tốt.

Khi con thi vào 10, chúng tôi dành hết mọi ưu tiên cho con, kể cả có hỏi han con cũng phải lựa lúc nó vui. Đến ngày báo điểm thi, tôi thực sự sốc khi con không đỗ nguyện vọng 1. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến tình huống này vì con học tương đối tốt. Con buồn lắm, tôi động viên con và chạy đôn chạy đáo lo tìm trường tư cho con.

Biết con trượt lớp 10 công lập, chồng tôi nổi giận, anh ấy mắng con là chỉ biết ăn với học mà không bằng con nhà mấy người bạn của anh. Nhưng chủ yếu nói tôi là chính,  vì anh ấy đi làm vất vả nuôi cả nhà, tôi chỉ ở nhà lo cho con ăn học cũng không làm được. Thậm chí chồng còn mắng tôi vô dụng, tiền cũng không kiếm được, lo cho con cũng không xong.

Tôi thấy bất lực quá, hay là tôi vô dụng thật, tôi đã không có việc, không làm ra tiền mà có mỗi đứa con cũng không lo được chuyện học của nó.