Đứng trước cánh cửa của một năm học mới, có lẽ tâm thế của những bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1 là xốn xang và lo lắng hơn cả. Việc chuyển trẻ từ một môi trường mẫu giáo tự do sang môi trường tiểu học khuôn phép, đầy bỡ ngỡ, học thực sự hay phải chuẩn bị cho trẻ đủ hành trang từ kiến thức, tâm lý, đồ dùng, sách vở… luôn khiến bố mẹ phải suy nghĩ rất nhiều.
Đối diện với trăm ngàn nỗi lo đó, có những bố mẹ tìm hiểu kỹ và đi đúng đường. Nhưng cũng có nhiều bố mẹ lại loay hoay phạm sai lầm nghiêm trọng, khiến quãng thời gian đầu tiên vào lớp 1 của con gặp những vấn đề không đáng có. Dưới đây là một số sai lầm điển hình khi chuẩn bị cho con vào lớp 1 mà bố mẹ tuyệt đối nên tránh:
Không chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho con
Bước vào lớp 1, trẻ sẽ như phải bước vào một thế giới mới hoàn toàn lạ lẫm với những áp lực làm quen với bạn bè mới, thầy cô mới, những bài học khó, phương pháp giảng dạy khác hơn… Mà nếu không được chuẩn bị sẵn sàng từ trước, trẻ sẽ có thể bị rối nhiễu tâm lý do lo âu, hoảng sợ, buồn bã, ốm liên miên, sụt cân nhanh chóng, từ chối hòa đồng với thầy cô bè bạn, kém hoạt bát hơn hẳn so với thời điểm trước khi đi học.
Vì vậy, bố mẹ cần phải dành thời gian để giúp trẻ thích nghi được với cánh cửa tiểu học từ trước khi bước vào lớp 1. Những việc bố mẹ cần làm là cho con làm quen với ngôi trường mới, tâm sự, thủ thỉ với con về quãng thời gian học lớp 1 của bố mẹ, cùng con chuẩn bị các đồ dùng cần thiết, tổ chức ngày hội đến trường cho con…
Nếu không được chuẩn bị sẵn sàng từ trước, trẻ sẽ có thể bị rối nhiễu tâm lý do lo âu. (Ảnh minh họa)
Để trẻ tự thích nghi với môi trường mới
Nhiều phụ huynh thậm chí còn coi thường dấu mốc khi con bước vào lớp 1, cho rằng đó là vấn đề hiển nhiên mà mọi đứa trẻ đều phải bước qua nên thường để mặc con tự thích nghi mà không biết rằng, trẻ đang ở trong giai đoạn khó khăn, rất cần sự hỗ trợ, động viên và khuyến khích của bố mẹ. Nếu không trẻ sẽ hoang mang, cảm thấy cô đơn, lạc lõng và không biết làm cách nào để vượt qua được vấn đề của mình, càng ngày càng trở nên đuối hơn.
Thế nên trong giai đoạn này, các bậc phụ huynh cần giúp trẻ học cách để tập trung làm một việc gì đó, giúp trẻ phân chia thời gian ăn, ngủ, chơi thành những khoảng thời gian cố định để trẻ quen với kỷ luật. Ví dụ như bố mẹ hãy hướng dẫn bé cách ứng phó với các tình huống ở trường như khi muốn đi vệ sinh và cách tự đi vệ sinh, lúc muốn nêu ý kiến...
Quan trọng nhất là giúp bé hòa nhập với môi trường, tăng khả năng tự lập, tự biết giữ sức khỏe, khi nào cởi áo, mặc áo, lúc nào cần rửa tay... Và dạy trẻ khả năng tập trung, để bé nhanh chóng làm quen với môi trường học mới.
Cần dạy trẻ khả năng tập trung, để bé nhanh chóng làm quen với môi trường học mới. (Ảnh minh họa)
Phó mặc việc học của trẻ cho nhà trường
Vì không có đủ thời gian, lòng kiên nhẫn và coi việc giáo dục con là thuộc phận sự của nhà trường, nhiều bậc phụ huynh mặc nhiên trút hết trách nhiệm dạy con cho các thầy, cô giáo. Chính suy nghĩ này, sẽ khiến cho kết nối gia đình trở nên lỏng lẻo, trẻ bị phó mặc hoàn toàn với việc học ở trên lớp mà không được chỉ dạy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng khác khi ở nhà và càng ngày càng ghét việc đến trường.
Vậy nên, sau giờ học, bố mẹ cần đóng vai trò là người gần gũi, tạo cho trẻ những thói quen và nhận thức. Nếu bố mẹ muốn trẻ cảm thấy thích thú khám phá cuộc sống xung quanh thì hãy tạo ra cho trẻ những tình huống có vấn đề để khơi dậy trong trẻ những suy nghĩ, phân tích và tìm cách giải quyết. Điều đó có nghĩa, bố mẹ phải nuôi dưỡng được hứng thú để tìm hiểu, học hỏi mọi thứ xung quanh một cách lâu bền, tự nhiên nhất.
Phó mặc tất cả việc học của con cho nhà trường, sẽ khiến sợi dây kết nối gia đình dần trở nên lỏng lẻo. (Ảnh minh họa)
Không thấu hiểu những vấn đề của con
Không ít những bậc phụ huynh coi thường những vấn đề về tâm lý của con, coi đó là chuyện vặt vãnh. Bố mẹ cũng không cần biết là ở trường con đã gặp vấn đề gì, chỉ ép buộc con đi học cho bằng được, cố tình phớt lờ qua trạng thái khủng hoảng, sợ trường lớp của con. Mà không biết rằng thường trẻ sợ học vì không nhận được lời động viên, khuyến khích kịp thời từ cô, từ bố mẹ và cảm thấy môi trường học xa lạ, khó hòa nhập, không có bạn…
Vì vậy, bố mẹ cần trao đổi với cô giáo của con khi thấy trẻ có biểu hiện mỗi buổi sáng không thích thú đến trường, sợ học. Khi con bắt đầu đi học, sau mỗi buổi, bố mẹ cần hỏi chuyện con về bạn bè, cô giáo, xem bé thích hay không thích gì nhất ở trường để biết cách giúp trẻ hào hứng tới lớp, dần khắc phục những khó khăn.
Bố mẹ cũng không nên quá kỳ vọng về điểm số của con, đặc biệt là điểm tập viết. Không nên tỏ ra thất vọng, mắng trẻ hay lo sợ vì trẻ viết chưa đẹp. Quá trình tập viết diễn ra lâu dài. Thay vì tạo áp lực không đáng có cho con, bố mẹ nên ngồi bên cạnh động viên để con có thể cố gắng và tự tin vào chính mình hơn.