Mang thai là điều kỳ diệu và hạnh phúc đối với bất kỳ người phụ nữ nào. Đây là một "sự kiện" lớn ảnh hưởng đến tương lai của một gia đình. Khi mang thai một sinh linh bé nhỏ trong bụng, người phụ nữ không chỉ chú ý đến cơ thể của chính mình mà còn phải quan tâm đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi trong bụng. Bởi lẽ, trong quá trình phát triển trong bụng mẹ, thai nhi có thể gặp phải vô số những biến chứng nguy hiểm, thậm chí chỉ một tác động nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển toàn diện của bé.
Bé Lily (người Trung Quốc) sinh non ở tuần thứ 31 nhưng ngay khi bé vừa chào đời bác sĩ đã phát hiện ra dấu hiệu bất thường ở chân bé và lo ngại có thể phải cắt bỏ chân vì một hội chứng hiếm gặp trong thai kỳ gọi là dải sợi ối. Một sợi dây nhỏ quấn chặt vào chân cô bé khiến phần thịt bị cứa đứt hoàn toàn. Nếu không được phẫu thuật gấp có thể dẫn đến hoại tử và cắt bỏ chân.
Một em bé bị dải sợi ối cứa gần đứt phần chân trái.
Bác sĩ bày tỏ lo ngại rằng sẽ không thể giữ được chân cho Lily. Bố mẹ của em đã khóc ngất sau khi nghe thông báo từ bác sĩ, họ không thể ngờ con mình có thể mất chân ngay khi vừa chào đời. Mẹ của Lily nói: "Tôi thể tin được điều này lại xảy ra với con mình, nó không khác gì một cú đánh chí mạng".
Vậy nên, bác sĩ ngay lập tức tiến hành khâu lại phần thịt cho cô bé, may mắn là ca phẫu thuật thành công suôn sẻ và Lily được giữ lại bàn chân. Sau một tháng, vết thương ở chân phải của cô bé Lily đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện về nhà.
Ảnh minh họa.
Hội chứng dải sợi ối là tình trạng bất thường trong thai kỳ, xuất hiện một hoặc sợi dây vắt ngang buồng ối. Những sợi dây ối này có thể quấn chặt vào các bộ phận cơ thể thai nhi như tứ chi, các ngón tay, ngón chân, mặt, cổ… gây ra hàng loạt các dị tật cho thai nhi khi chào đời.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng dải sợi ối
Nguyên nhân xuất hiện dải sợi ối là do lớp màng mỏng bên trong túi ối bị rách trong quá trình phát triển, từ đó tạo nên những dải sợi ối bên trong túi nước ối. Đây là bất thường xuất hiện một cách ngẫu nhiên không phải do di truyền và không bị chi phối bởi bất cứ một yếu tố bên ngoài hay vấn đề sức khỏe nào của người mẹ. Việc sinh con với dải sợi ối cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc mang thai lần tiếp theo, mẹ vẫn có thể sinh ra những đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh, lành lặn.
Hậu quả nguy hiểm của dải sợi ối
Dải ối này nếu là những đoạn căng thì mẹ có thể yên tâm sẽ không gây ảnh hưởng đến em bé. Nhưng nếu chúng là những sợi chỉ trôi tự do trong túi ối, khả năng lớn sẽ quấn chặt vào các bộ phận của thai nhi, khiến cho các bộ phận này không thể lưu thông máu nên không thể phát triển được. Bé có thể bị tật dính ngón tay, ngón chân, bị teo tóp chân tay, thậm chí là cắt cụt hẳn các bộ phận. Nếu dải ối quấn vào mặt, thai nhi có khả năng bị dị dạng gương mặt, sứt môi, hở hàm ếch. Trường hợp xấu nhất những dải sợi ối này quấn quanh dây rốn khiến thai nhi chết lưu trong bụng mẹ.
Dải sợi ối có thể phát hiện được thông qua hình ảnh siêu âm. Kết quả cũng cho thấy được mức độ ảnh hưởng của dải sợi ối có gây ra dị tật cho thai nhi hay không. Chính vì vậy, khi gặp tình trạng dải sợi ối trong thai kỳ, các mẹ cần phải chú ý thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện được bất thường. Với sự phát triển của kỹ thuật y học hiện đại ngày nay, các bác sĩ hoàn toàn có thể thực hiện mở tử cung của mẹ để cắt các sợi ối quấn vào cơ thể thai nhi, sau đó đặt bé trở lại bụng mẹ để phát triển cho tới khi chào đời.
Bằng chứng là trường hợp của cô bé Xiao Xiao (Trung Quốc). Khi mẹ bé Xiao mang thai được 30 tuần thì bác sĩ phát hiện có dải sợi ối quấn quanh cổ chân trái. Xiao Xiao mới chỉ được 30 tuần và nặng 1,5kg nên phẫu thuật ở thời điểm này sẽ thuận lợi và tỉ lệ thành công cao hơn. Bên cạnh đó, tình hình của thai nhi cũng rất nghiêm trọng, nguy cơ nhiễm trùng cao nếu không phẫu thuật.
Rất may mắn cuộc phẫu thuật đã thành công, sau phẫu thuật các hoạt động của em bé trong bụng mẹ bình thường, nhờ được điều trị và chăm sóc tích cực nên vết thương ở chân của thai nhi mau chóng lành, trọng lượng thai nhi tăng lên.
(Nguồn: Tổng hợp)