Từ trước đến nay, những người phụ nữ trong hoàng gia Qatar vốn không thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Thế nhưng Sheikha Al Mayassa bint Hamad bin Khalifa Al Thani - em gái 38 tuổi của Tiểu vương Qatar đương nhiệm, con gái cựu vương là một ngoại lệ. Cô không chỉ là người công chúa nổi tiếng nhất tại Qatar, mà còn là cái tên vô cùng quyền lực trong giới nghệ thuật toàn cầu.
Người nắm giữ bộ sưu tập nghệ thuật đắt giá nhất nhì hành tinh
Hoàng gia Qatar vô cùng giàu có với khối tài sản trị giá khoảng 335 tỷ USD. Một trong những tài sản đáng giá nhất của họ chính là bộ sưu tập nghệ thuật. Ứớc tính hoàng tộc chi hơn 600 triệu bảng mỗi năm để đầu tư vào các tác phẩm hội họa, điêu khắc, thủ công,... và đem về Qatar, tô điểm cho các bảo tàng. Công chúa Mayassa chính là người đứng đằng sau điều hành, quản lý bộ sưu tập nghệ thuật đắt hàng đầu thế giới này.
Công việc của Công chúa Qatar tất nhiên không chỉ bao gồm mua bán tranh, tác phẩm nghệ thuật mà Mayassa đã dành cả cuộc đời mình “đem nghệ thuật về cho Qatar” - vùng sa mạc khô cằn. ArtReview Power 100 - một bảng xếp hạng hàng năm dành cho các đại lý, nhà sưu tập, giám tuyển và nghệ sĩ để đánh giá tầm quan trọng của các cá nhân đối với hệ sinh thái nghệ thuật đương đại đã nhiều năm liền xếp công chúa Mayassa ở vị trí số 1. Điều đó cho thấy trong giới nghệ thuật đương đại thế giới, cô là người phụ nữ có tầm ảnh hưởng bậc nhất như thế nào.
Bên cạnh đó, Mayassa được tuyên bố là người có ảnh hưởng nhất giới nghệ thuật trong danh sách top 10 của Art+Auction. Cô từng lọt top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes và Top 100 người Ả Rập quyền lực nhất từ năm 2014 đến 2017 và 2021 bởi Gulf Business.
Sheikha Al Mayassa được cho là đã mua bức tranh đắt nhất thế giới, When Will You Marry? của Paul Gauguin vào năm 2015 với giá 300 triệu USD. Cô cũng là người thành công bỏ ra 250 triệu USD cho bức tranh The Card Player của Paul Cezanne. Bộ sưu tập tranh cô kiểm soát là không thể đong đếm được, với những cái tên tác giả từ Bacons, Hirsts cho đến Picasso. Theo Bloomberg, ngân sách để công chúa mua tranh hàng năm cho Qatar lên đến 1 tỷ USD.
Người biến Doha thành bảo tàng nghệ thuật
Công chúa Mayassa còn nắm giữ một chức danh quan trọng khác: Chủ tịch Bảo tàng Qatar. Khi công chúa mới ngoài 20 tuổi, cô đã được cha mình, cựu vương Hamad bin Khalifa Al Thani giao nhiệm vụ thành lập một bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo. Mục tiêu của dự án là tạo ra một công trình công cộng ngoạn mục, có thể thu hút sự chú ý toàn cầu về Doha cũng như tạo ra di sản cho đất nước.
2 bảo tàng lớn giữa trung tâm Doha giờ là niềm tự hào, điểm hút du khách bậc nhất Qatar
Nhiệm vụ của thành công sớm hơn cả dự kiến, và vượt quá những gì tất cả tưởng tượng ban đầu. Thủ đô Doha trở nên “nghệ thuật” hơn hẳn trong một thời gian ngắn, với sự xuất hiện của 2 bảo tàng lớn là Bảo tàng quốc gia và Bảo tàng Hồi giáo lớn nhất hành tinh cùng một loạt công trình được xây mới khác. Một số sáng kiến của công chúa đã thay đổi định nghĩa một bảo tàng trong thế kỷ 21 một cách đáng ngưỡng mộ.
Sau khoảng hơn 1 thập kỷ, Mayassa vẫn đang thành công trong công cuộc biến Qatar thành một trung tâm nghệ thuật, văn hóa quốc tế. Ưu tiên của cô là xây dựng một nền nghệ thuật mới vừa mang nét văn hóa Hồi giáo và truyền thống, đồng thời cũng mang tính đương đại. Đó là lý do Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo không chỉ hấp dẫn những người theo tôn giáo mà thu hút mọi đối tượng khách tham quan. Ngoài ra, cô cũng là người sáng lập Viện phim Doha.
Dẫu là một người phụ nữ quyền lực, Công chúa Mayassa được nhận xét là người rất giản dị, thường xuyên được bắt gặp đi giày thể thao sau bộ đồ abaya. Sheikha Al-Mayassa từng tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị và văn học tại Đại học Duke, Mỹ. Cô còn từng được biết đến khi là người thành lập tổ chức phi chính phủ Reach Out To Asia chuyên giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa thiên nhiên ở Châu Á. Mayassa đã kết hôn và có 5 con nhưng thông tin chi tiết về đời sống cá nhân của công chúa luôn được giữ kín.
Nguồn: Financial Times, The Guardian