3h30 sáng ngày 31/5/2012, Công chúa Maha bint Mohammed bin Ahmad al-Sudairi được cho là tìm cách bỏ trốn khỏi khách sạn 5 sao Shangri-la ở Paris, Pháp, nơi bà cùng đoàn tùy tùng sử dụng 41 phòng trong 5 tháng.

Sau cuộc đối đầu căng thẳng và các cuộc điện thoại đến các nhà ngoại giao và quan chức cấp cao của Saudi Arabia, bà được phép rời đi. Công chúa tiếp tục chuyển đến khách sạn Royal Monceau gần đó, thuộc sở hữu của Qatar, nước láng giềng thân thiện với Saudi Arabia.

Thói quen mua sắm ghi nợ

Công chúa Maha đã ngoài ngũ tuần, là vợ thứ 3 của ông Nayef bin Abdulaziz al- Saud, sau này là thái tử của Saudi Arabia. Cặp vợ chồng này cùng chung sống trong khoảng 3 thập kỉ trước khi ly dị vào đầu năm 2012. Tháng 6/2012, ông Nayef mất trước khi được thừa kế ngai vàng.

Công chúa Saudi Arabia và thói quen mua sắm ghi nợ - Ảnh 1.

Công chúa Saudi Arabia Maha bint Mohammed bin Ahmad al-Sudairi. Ảnh: vanityfair.

Công chúa Maha nghĩ bà có thể lẻn đi vì bà từng né hóa đơn mua sắm trị giá 20 triệu USD tại các cửa hiệu thời trang trên Đại lộ Montaigne, quảng trường Place Vendome và nhiều nơi khác nữa. Cách thanh toán mà công chúa thường dùng là để những người tùy tùng đưa cho chủ hiệu một văn bản có dòng chữ: "Thanh toán sau". Tuy nhiên, sau đó, công chúa lại không trả khoản tiền này.

"Bà ấy là một khách hàng tuyệt vời trong 8 năm qua của chúng tôi, nhưng cuối cùng chỉ đơn giản là bà ấy không trả tiền", chủ cửa hàng đồ lót O Caprices de Lili nói với các phóng viên hồi năm 2009 trong lúc đợi công chúa trả gần 100.000 USD. Trong khi đó, chủ cửa hiệu quần áo Key Largo khẳng định ông bị công chúa nợ gần 125.000 USD tiền hàng.

Trước khi công chúa rời Paris hồi năm 2009 từ khách sạn George V, ít nhất 30 chủ nợ của bà đã cắm trại tại sảnh của khách sạn sang trọng này để đòi tiền. Họ từng có ý định đệ đơn kiện công chúa nếu bà không chịu thanh toán. Bất chấp những khoản nợ cao như núi, bà vẫn rời khỏi khách sạn tương đối suôn sẻ.

Về sau, khoản nợ trên được cho là do các quan chức đại sứ quán Saudi Arabia thanh toán. Anh rể của bà (Quốc vương Abdullah) từng tỏ thái độ không mấy hài lòng về cách hành xử tai tiếng này và đã cho giam bà ở cung điện trong lần công chúa trở về Saudi Arabia.

Theo Telegraph, tháng 12/2011, bà Maha bất chấp chỉ dụ của hoàng gia và trốn đến Paris. Thủ tục rời khách sạn của bà vào năm 2012 gặp nhiều khó khăn trùng với thời điểm chồng cũ (Nayef) của bà mất, Quốc vương Abdullah không còn ưu ái bà nữa. Nguồn tin từ một người nắm rõ về công chúa cho hay Quốc vương Abdullah thực sự không còn màng đến bà.

Tháng 3/2013, một thẩm phán ở Nanterre, phía tây Paris, đã ra lệnh tịch thu các vật phẩm tại nơi chứa đồ mua sắm của công chúa, mang ra bán đấu giá để trả nợ. Số hàng này gồm nhiều quần áo, mũ, túi xách, đồ trang sức, các tác phẩm nghệ thuật, kính mắt thời thượng, thuốc lá, dụng cụ ăn uống mạ vàng, 1.000 đôi giày nữ và một số khung ảnh chụp công chúa đeo mặt nạ và đội vương miện.

Công chúa Saudi Arabia và thói quen mua sắm ghi nợ - Ảnh 2.

Đồ mua sắm của Công chúa Maha lưu trữ tại Clichy-la-Garenne, ngoại ô Paris, vào vào tháng 4/2013. Ảnh: vanityfair.

Một công ty dịch vụ cung cấp cho công chúa gần 30 chiếc xe mỗi ngày cùng nhiều tài xế, bao gồm hai chiếc Rolls-Royce Phantom, nhưng vẫn không được hoàn khoản nợ gần 400.000 USD.

"Chúng tôi chấp nhận rủi ro khi giao dịch với bà ấy, vì đó là một bản hợp đồng hấp dẫn, nhưng cuối cùng đó là thảm họa", một nhân vật giữ vị trí cấp cao trong công ty cho biết. "Các thủ tục cần thiết để được hoàn lại tiền hiển nhiên là sẽ lâu, rất lâu".

Những cuộc mua sắm không điểm dừng

Paris vốn là điểm đến được ưa chuộng của giới đại gia Saudi Arabia. Họ chủ yếu tâp trung ở quận 8, khu mua sắm sầm uất ở thành phố hoa lệ này. Khách sạn ưa thích của họ là George V hoặc Plaza Athénée (thuộc sở hữu của Quốc vương Brunei) cũng gần với khu mua sắm này.

"Họ có xu hướng thích những thứ phô trương mang hiệu Louis Vuitton hay Chanel", một quý bà ở Trung Đông, người thân với gia đình hoàng gia tiết lộ. Bà cho hay thị hiếu của người Saudi Arabia mang hơi hướng hào nhoáng kèm nhiều phụ kiện.

"Bạn không thể tưởng tượng được số giày mà họ mua. Nhưng nếu bạn từng thấy đế đôi giày của họ khi họ vắt chân thì sẽ thấy nó luôn mới vì họ chẳng bao giờ đi nó xuống phố", bà nói.

Giày dép và túi xách là những thứ mà phụ nữ mua nhiều nhất vì chỉ những thứ này là phô trương được ở Saudi Arabia, nơi phụ nữ ẩn mình sau những bộ đồ che kín mít.

Năm 2015, theo những người quen của công chúa ở Trung Đông, những khoản nợ của bà Maha đã được giải quyết một lần nữa nhờ một nhân vật trong hoàng gia để tránh những tai tiếng không đáng có.

Năm 2013, con trai út của bà Maha, Hoàng tử Fahd, khi đó 21 tuổi, tổ chức bữa tiệc tốt nghiệp kéo dài 3 ngày, tiêu tốn khoảng 20 triệu USD tại Disneyland Paris cùng 60 người bạn. 80 vũ công được thuê về để trình diễn những tiết mục đặc sắc, công viên mở cửa sớm và đóng muộn đến 2h sáng để phục vụ bữa tiệc này. Chi tiêu quá độ được coi là truyền thống của hoàng gia.

Tại khách sạn Shangri-La đắt đỏ bậc nhất Paris (giá phòng có thể lên tới 23.000 USD một đêm), mọi thứ vẫn không làm vừa lòng Công chúa Maha. Bà mang theo cả lái xe, đầu bếp và giúp việc.

"Chúng tôi gần như không bao giờ nhìn thấy bà ấy", bảo vệ của khách sạn Shangri-La cho hay. "Bà ấy sống về đêm, có thể đi ra ngoài vài lần trong vòng 6 tháng… Bà ấy được vây quanh bởi 10 vệ sĩ trước khi vội vã bước lên xe". Theo một số nguồn tin, những người phục vụ công chúa còn bao gồm cả thợ làm tóc, bồi bàn, thư ký,… và rất nhiều người khuân vác hành lý cho bà.

Một vài cửa hiệu lớn ở Paris luôn mở cửa muộn. Cửa hiệu nổi tiếng của Louis Vuitton trên đại lộ Champs- Elysees mở cửa đến 2h sáng để phục vụ công chúa. Thỉnh thoảng trong lúc mua sắm, người ta cũng chuyển hamburger đến cho bà theo ý muốn. Dior, Dolce & Gabbana, CHAUMET, và Victoria Casal là một số trong các cửa hiệu mà công chúa hay lui tới.

Công chúa "càn quét" gần như tất cả những gì trông thấy trên đường đi. Sau chuyến du lịch đến Geneva, Thụy Sĩ, công chúa cần 4 xe tải để chở đồ về. Bà cũng mua một chiếc Lamborghini và một chiếc Ferrari, dù bà không lái xe (phụ nữ không được phép lái xe ở Saudi Arabia).

Lý do đằng sau

Mặc dù nổi tiếng với sự tiêu xài hoang phí, công chúa Maha lại được xem một người phụ nữ đáng cảm thông.

Công chúa Maha đam mê âm nhạc, ca hát và thích thơ tình, những thứ cấm kỵ đối với phụ nữ trong văn hoá bảo thủ Wahhabi của Saudi Arabia. Trong khi đó, một trong những người trung thành nhất với văn hoá này chính là chồng bà.

Công chúa Saudi Arabia và thói quen mua sắm ghi nợ - Ảnh 3.

Khách sạn Shangri-la, Paris, nơi công chúa để lại hóa đơn chưa thanh toán. Ảnh: vanityfair.

Phụ nữ Saudi Arabia nằm trong số những người phụ nữ bị áp chế nhất trên thế giới. Họ gần như không bao giờ được ra khỏi nhà mà không có đàn ông đi cùng. Ngay cả những hành động mà những người phụ nữ giàu có được hưởng thụ là mua sắm cũng bị hạn chế. Tất cả nhân viên bán hàng ở Saudi Arabia đều là đàn ông nên phụ nữ không thể thử đồ trong cửa hàng mà phải mang ra khu vệ sinh, nơi được phụ nữ trông giữ.

"Tôi đoán đây là điều khiến cho việc mua sắm ở nước ngoài trở nên hấp dẫn với phụ nữ Saudi Arabia vì nó giúp họ được sống bình thường, dù rằng "bình thường" không hẳn là từ chính xác để miêu tả những cuộc mua sắm của công chúa Maha ở Paris" Karen Elliott House, tác giả của cuốn sách viết về Saudi Arabia, nhân định.

Thái tử Mohammed bin Nayef, chồng cũ của Công chúa Maha, và Quốc vương đương nhiệm Mohammed bin Nayef là hai trong số 7 con trai của vua Abdulaziz với bà vợ được sủng ái của ông, Hassa bint Ahmad al-Sudairi, thuộc gia tộc quyền lực Sudairi.

Với sự lên ngôi của Quốc vương Salman bin Abdulaziz al-Saud, người nhà Sudairi được quay về vị trí đỉnh cao quyền lực, thậm chí còn có tin đồn bà Maha từ chỗ thất sủng sẽ lại được tự do như xưa.