Năm 2021, Công chúa Mako của Nhật Bản đã trở thành chủ đề gây tranh cãi khi kết hôn với một thường dân. Cô đã từ bỏ tước hiệu hoàng gia, rời quê hương tới sống ở thành phố New York, xây dựng tổ ấm mới.
Trong khi Mako tận hưởng cuộc sống tự do như những người bình thường, làm thực tập tại Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan, em gái cô, Công chúa Kako lại đang đảm nhận các nghĩa vụ thay cho chị gái mình.
Kako, 27 tuổi, là con gái thứ hai của vợ chồng Thái tử Nhật Bản. Cô không chỉ được yêu mến bởi vẻ đẹp bên ngoài mà cả phong thái, cốt cách yêu kiều bên trong.
Biểu tượng của niềm hy vọng
Cũng giống như các thành viên nữ khác trong hoàng tộc, Công chúa Kako không được quyền thừa kế ngai vàng. Sau lễ trưởng thành ở tuổi 20, Công chúa Kako bắt đầu trở thành nhân vật nổi tiếng suốt những năm qua. Theo Nippon, vẻ đẹp tự nhiên khiến cô trở thành một tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia, là biểu tượng của niềm hy vọng với người dân Nhật Bản.
Nàng công chúa này cũng được so sánh với bà nội là Thái hậu Shoda Michiko, người từng là biểu tượng của hy vọng mới ở Nhật Bản khi kết hôn với Thượng hoàng Akihito. Thái hậu Michiko từng gây chú ý năm 1958 và mang đến một cảm giác hiện đại cho hoàng gia. Theo Nippon, Công chúa Kako cũng đang mang đến một luồng gió mới, trong khi vẫn tôn trọng và gìn giữ những truyền thống lâu đời.
Trong sự kiện ra mắt công chúng để đánh dấu tuổi trưởng thành, Công chúa Kako đã được hơn 80.000 người dân đến để theo dõi và cổ vũ. Đây là sự kiện thứ ba có số lượng người tham dự đông nhất từ năm 1989 của hoàng gia Nhật.
Niềm yêu thích trượt băng nghệ thuật và có gu thời trang tinh tế
Công chúa Kako từng là vận động viên trượt băng nghệ thuật, đại diện cho câu lạc bộ Trượt băng nghệ thuật Meiji-jingu Gaien đi thi đấu năm 2007. Ngoài ra, cô đã có dịp tham gia cuộc thi Trượt băng nghệ thuật Cúp Mùa xuân do Liên đoàn Trượt băng Nhật Bản tổ chức và đứng đầu bảng Shinjuku.
Không chỉ tài năng mà Kako còn được nhận xét là có gu thời trang tinh tế. Trong lần đầu ra mắt công chúng năm 20 tuổi, công chúa mặc váy dài màu hồng nhạt đơn giản nhưng thanh lịch. Các lựa chọn về trang phục của hai chị em Kako thường bao gồm những chiếc váy lụa đơn giản với tông màu phấn, kết hợp thêm găng tay trắng và mũ đội đầu phù hợp.
Nổi tiếng bởi sự độc lập
Công chúa Kako từng theo học Đại học Gakushuin danh giá - lựa chọn truyền thống của các thành viên hoàng gia - một năm trước khi chuyển sang Đại học ICU ở Tokyo năm 2014, theo Japan Times.
"Tôi biết ơn khi mình có cơ hội bắt đầu lại cuộc sống sinh viên và tôi muốn dành thời gian ở đây một cách có ý nghĩa", Kako từng nói tại họp báo về quyết định chuyển trường trên.
Vào năm 2017, Công chúa Nhật tham gia chương trình trao đổi sinh viên của trường ICU và theo học ngành nghiên cứu nghệ thuật biểu diễn và tâm lý học tại Đại học Leeds ở Vương quốc Anh.
Tại ICU, cô theo chuyên ngành tâm lý học, từng viết luận án về ảnh hưởng của ký ức và suy nghĩ với kỹ năng đọc của con người. Cô tốt nghiệp năm 2019 và tuyên bố sẽ không học cao hơn. Thay vào đó, cô đảm nhận các nhiệm vụ chính thức của hoàng gia.
Nhiệm vụ và công việc hiện tại
Giờ đây, trước thực trạng số lượng các thành viên hoàng tộc ngày càng ít đi, Công chúa Kako trở thành gương mặt chính tại các sự kiện hoàng gia. Năm 2019, cô lần đầu có chuyến công tác một mình tới Áo và Hungary, gặp gỡ nguyên thủ quốc gia hai nước này. Công chúa Kako đã ghi điểm ở nước bạn với sự dịu dàng, tinh tế và không kém phần tự tin, thân thiện.
Tại buổi họp báo đánh dấu lễ trưởng thành, Kako từng nói: "Tôi tin mình nên thực hiện mỗi nhiệm vụ được giao phó bằng sự quan tâm và tôn trọng". Công chúa thậm chí còn chia sẻ cái nhìn sâu sắc về bản thân rằng: "Điểm yếu lớn nhất của tôi là dễ bị nóng giận và nổi cáu, giống bố mình. Ở nhà, tôi thường xuyên cãi nhau vì những điều nhỏ nhặt".
Kako hiện tiếp quản các hoạt động và trọng trách từ chị gái Mako với tư cách Chủ tịch danh dự Hiệp hội Quần vợt Nhật Bản. Cô hiện làm việc bán thời gian tại Liên đoàn Người Điếc Nhật Bản (JFD). Asahi Shimbun đưa tin nhiệm vụ của Kako bao gồm tham dự các sự kiện như cuộc thi ngôn ngữ ký hiệu quốc gia dành cho học sinh nhằm hỗ trợ tích cực cho cộng đồng người khiếm thính.
Nguồn: SCMP