Đám cưới miền Tây có những nét riêng vô cùng độc đáo. Lễ cưới được tổ chức ở nhà trai thì trước rạp treo biển “Tân hôn” và nhà gái treo biển “Vu quy”. Trước lễ cưới, người miền Tây chuẩn bị các món ăn tiệc, cùng bánh kẹo, rượu trà… và quan trọng không kém chính là dựng rạp. Mà rạp cưới sẽ mất đi cái chất miền Tây nếu thiếu chiếc cổng được thiết kế thủ công từ lá dừa, lá dứa.

Khỏi phải nói, cổng cưới cây nhà lá vườn chính là một phần linh hồn trong văn hóa cưới hỏi của người miền Tây nước ta.

“Ông trùm” cổng cưới ở miền Tây - Góp công trang hoàng cho đám cưới “khủng” của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng

Anh Trần Văn Ngọt (34 tuổi, ngụ An Giang) sở hữu đội ngũ cung cấp dịch vụ làm cổng cưới có tiếng ở khắp các tỉnh thành miền Tây, thậm chí những nghệ sĩ nổi tiếng cũng thuê anh về “điểm thêm sắc màu” vào đám cưới linh đình của họ.

Được biết, trước khi bén duyên với nghề làm cổng cưới, anh Ngọt từng làm việc ở một shop hoa. Với cái đầu nhạy bén và sự quan sát tỉ mỉ, anh nhận ra cổng cưới truyền thống vẫn rất phổ biến trong các đám tiệc miền Tây, dù thời nay đã hiện đại hơn nhiều. Đến năm 2018, anh Ngọt khởi nghiệp, từ đó gần như trở thành “ông trùm” cổng cưới miền Tây.

Anh Ngọt cùng thành phẩm của mình. Ảnh từ Facebook @Trần Văn Ngọt

Bắt đầu với muôn vàn khó khăn, nhưng nhờ cái tâm và sự kiên trì, dịch vụ thiết kế cổng cưới của anh Ngọt dần được nhiều người biết đến và công nhận.

Sống trong thời đại Internet lên ngôi này, nếu không biết học hỏi và hòa nhập thì chỉ sợ bị bỏ lại phía sau. Nương theo thời thế, anh Ngọt đã đăng video những chiếc cổng cưới của mình lên mạng xã hội, nhờ đó tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, từ khách “bình dân” cho đến khách “sộp”.

Đồng thời, anh cũng tìm cách kết hợp cổng cưới truyền thống và hiện đại để cho ra những kiểu dáng, tạo hình rồng phượng đa dạng, sinh động, kích thích thị giác nhiều hơn. Ngoài hai “nhân vật chính” là hình tượng rồng và phượng, đội ngũ của anh Ngọt còn trang trí thêm những cụm hoa khác nhau (thường là hoa hồng hoặc dùng lá ghép lại tạo họa tiết hoa) để tăng màu sắc và sự hài hòa.

Đương nhiên, cổng cưới rồng phượng chỉ là một trong nhiều mẫu cổng mà anh Ngọt thiết kế cho khách hàng, chỉ có điều mẫu cổng cưới truyền thống này lại được ưa chuộng hơn cả.

Cận cảnh chiếc cổng cưới rồng phượng do đội ngũ của anh Ngọt thi công. Gif từ TikTok @congcuoimientay_vanngot, ảnh từ Facebook @Trần Văn Ngọt

Theo anh Ngọt chia sẻ, hiện nay với sự giúp sức của mạng xã hội, mỗi tháng đội ngũ của anh nhận làm 7-10 đơn cổng cưới. Thời điểm “đắt hàng” nhất là dịp lễ, Tết, năm rồng 2024 cũng là thời gian đội ngũ của anh bận bịu liên tục. Không chỉ nhận thiết kế cho khách ở miền Tây, anh còn nhận các đơn hàng ở tỉnh xa, thậm chí còn có không ít đơn của người nổi tiếng như cặp đôi Hà Trí Quang - Thanh Đoàn, và mới đây nhất là Puka - Gin Tuấn Kiệt.

Được biết, một chiếc cổng cưới miền Tây có kích thước nhỏ, giá sẽ rơi vào khoảng 15-20 triệu đồng, cổng kích thước trung bình thì 35-40 triệu đồng. Giá cả còn tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng về độ cầu kỳ và nguyên vật liệu sử dụng (hoa tươi, lá…). Đội ngũ của anh Ngọt từng thi công một chiếc cổng cưới rồng phượng lớn có chiều ngang 11 mét, có giá đến 130 triệu đồng hồi tháng 11/2023.

Hai chiếc cổng trong đám cưới của Puka - Gin Tuấn Kiệt do đội anh Ngọt thiết kế.

Chi cả trăm triệu cho chiếc cổng cưới chỉ dùng vài ngày, liệu có đáng?

Cổng cưới rồng bay phượng múa, hoa kết chùm chùm, nhìn công phu vậy thôi nhưng chỉ sử dụng được một lần, lá tươi hoa nở đẹp nhất trong khoảng 2 ngày rồi sẽ héo rũ tàn úa.

Song “sớm nở tối tàn” là vậy, nhưng không ít người vẫn chịu chi ra vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu để trang trí cổng cưới cho ngày trọng đại được rình rang nhất có thể. Liệu có đáng không?

Thật ra, đáng hay không cũng rất khó nói!

Một chiếc cổng cưới hoa tươi bình thường có giá từ vài triệu, cao nhất 10 triệu đồng. Nhưng cổng cưới được thiết kế kỳ công, đặc biệt là tạo hình rồng phượng thì giá thành phải gấp vài lần.

Ảnh từ Facebook @Trần Văn Ngọt

Anh Ngọt chia sẻ, mỗi chiếc cổng rồng phượng cần khoảng 4-5 người thi công trực tiếp tại nhà khách hàng trong 2-3 ngày, đương nhiên nhân công phải tăng lên nếu kích thước cổng lớn. Trước ngày thi công, đội ngũ của anh phải chuẩn bị đủ nguyên vật liệu, cần kỹ càng hơn nữa nếu khách hàng ở xa. Riêng phần khung để tạo hình rồng phượng thôi cũng đòi hỏi đội ngũ phải hoàn thiện trước trong vòng 15 ngày.

Ví dụ như cổng cưới rồng phượng phải sử dụng đến 30kg ớt, 20kg đậu bắp và khoảng 40kg cau kiểng… Các công đoạn cực kỳ phức tạp, từ khâu tạo khung đến gắn kết vật liệu đòi hỏi đội ngũ phải thi công một cách tỉ mỉ, chính xác. Các chi tiết nhỏ nhất như vảy rồng, lông phượng, răng và râu rồng… mà phải làm sao cho mắt rồng, mắt phượng cho có hồn, thiếu đi một thứ cũng làm mất hết cả linh hồn đẹp đẽ của chiếc cổng thủ công; rồi khâu vận chuyển cổng (đặc biệt là trường hợp khách ở xa như Đồng Nai, Bình Dương) đến rạp cưới đến lắp ráp và trang trí… Phải nói, nếu không đủ sức lực và tận tụy thì chẳng thể làm được.

Nghe anh Ngọt kể và nhìn đội ngũ thi công từng chi tiết, có lẽ giá tiền cao thêm một chút cũng rất đáng.

Cổng cưới miền Tây "cây nhà lá vườn" mà có chiếc giá cả trăm triệu: Nghe "ông trùm" làm nghề này tiết lộ mới hiểu vì sao! - Ảnh 5.

Ảnh từ Facebook @Trần Văn Ngọt

Có một thực tế cần phải công nhận là cổng rồng phượng thường không phổ biến bằng cổng cưới hiện đại do giá thành cao, rạp cưới phải rộng mới có thể trang hoàng thoải mái và lột tả hết giá trị vẻ đẹp của nó.

Do đó, không thể không thừa nhận rằng gia đình có điều kiện mới đủ khả năng đặt làm cổng rồng phượng lớn, nhưng điều kiện bình thường cũng có thể sở hữu chiếc cổng lộng lẫy, chỉ là không kỳ công, hoành tráng bằng mà thôi.

Sống trong thời đại hội nhập ngày nay, gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ cưới truyền thống được người hiện đại chú trọng nhiều hơn. Hơn nữa, kinh tế thời nay cũng khác xưa, nhiều người sẵn sàng chi tiền “khủng” để ngày trọng đại của mình ý nghĩa và lộng lẫy nhất có thể.

Người ta thường nói, khi xã hội càng tiên tiến thì các tập tục văn hóa lâu đời sẽ dần bị mai một. Thật vậy, văn hóa đám cưới miền Tây có lẽ cũng không thoát khỏi vòng xoáy này. Nhưng anh Ngọt luôn tin rằng những gì đẹp đẽ của văn hóa truyền thống sẽ không vì vậy mà mất đi mãi mãi, ngược lại còn trở nên “có giá” và đáng được trân trọng hơn bao giờ hết.