Hiệu sách Bách Hợp tại địa chỉ 50 Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức là một địa chỉ quen thuộc của những người yêu sách ở Sài Gòn, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên. Ba ngày qua, hiệu sách cũ 30 năm bỗng xuất hiện những tấm bảng với dòng chữ “Dẹp tiệm bán rẻ, Thanh lý giải nghệ…”. Thông tin trên đã khiến rất nhiều khách hàng thân thiết của ông chủ hiệu sách hết sức ngỡ ngàng.
“Hỏi ra mới biết thì ra ông đang bị lấy lại mặt bằng gấp, phải bán tháo những cuốn sách cũ và giải nghệ - cái nghề đã theo ông từ lâu lắm rồi. Tâm sự với ông không nhiều vì cũng cần có việc phải về, lựa qua loa vài cuốn và tính tiền thì mình mới giật mình là ông sách bán quá rẻ”, đó là dòng chia sẻ của nick Nguyễn Hoàng Vũ, một khách hàng tình cờ đi ngang qua hiệu sách Bách Hợp và chia sẻ câu chuyện này lên Facebook cá nhân với hy vọng sẽ phần nào giúp đỡ được ông chủ hiệu sách. (Ảnh: FBNV)
Chủ nhân hiệu sách cũ Bách Hợp là chú Lê Huỳnh Trí, 66 tuổi, là một người có niềm đam mê sách mãnh liệt. Gắn bó với nghề bán sách cũ suốt 30 năm, chú Trí đã tích lũy được 10 tấn sách sau 6 lần di dời cửa hiệu. “Mỗi lần đổi chỗ là mỗi lần chật vật vì phải di dời một lượng sách quá lớn. Nhớ lần dời tiệm sách sang đường Đặng Văn Bi này tôi phải tốn mất mấy ngày vận chuyển và 3 tháng để sắp xếp sách lên kệ, mới có thể bắt đầu buôn bán. Thế mà giờ đây tôi phải ngậm ngùi nói lời chia tay với cửa hiệu cuối cùng của mình”, chú Trí nghẹn ngào nói. Được biết chú Trí đã tìm kiếm mặt bằng mới để di dời tiệm sách nhưng do thời gian quá eo hẹp, chú không kiếm được nơi nào ưng ý. “Có nơi cho thuê nhưng buộc phải đặt tiền cọc đến 6 tháng tiền mặt, tôi không đủ tiền trả. Sau mấy đêm trằn trọc không ngủ được, tôi quyết định treo bảng giải nghệ”.
Với sở thích sưu tầm sách cổ, sách quý, hiệu sách của chú Trí có rất nhiều loại sách khác nhau, từ truyện tranh, tài liệu học tập các môn, sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, đến các loại sách xuất bản cách đây hơn 30 năm cũng có mặt trong tiệm sách cũ 30 năm này. “Có những quyển sách không thể tìm thấy trên thị trường như quyển Phân tích dấu vân tay này”, chú Trí nói khi đang thanh toán tiền cho một bạn sinh viên.
Để có hơn cả trăm nghìn loại sách, trong suốt những năm đầu mở cửa hiệu, chú Trí đã đi rong ruổi khắp các nơi bán sách ở Sài Gòn để “săn” sách cũ và chấp nhận mua với giá cao hơn để có được những bộ sách quý. “Mấy ngày hôm nay thanh lý sách, vậy mà không hiểu sao có người đến chào bán sách cũ tôi vẫn mua vì mê quá, nghĩ lại tôi thấy mình cũng không bình thường chút nào”, người chủ cửa hiệu sách vừa cười vừa tâm sự.
Hay tin chú Trí phải “thanh lý sách giải nghệ”, nhiều khách hàng của hiệu sách, đặc biệt là các bạn sinh viên, cảm thấy rất xót xa, vì hiệu sách của chú Trí luôn là điểm đến thân quen của những người yêu sách nhưng ít tiền. “Cách đây hơn 4 năm về trước mình đã ở khu này. Nhìn cái ảnh là biết ngay cửa hàng của ông già mình hay mua. Hồi đó ít tiền, muốn đọc sách nên tìm đến ông. Không nhớ mua bao nhiêu cuốn nữa, 1 tháng tầm 2-4 cuốn tùy lúc. Sách ông bán sách đủ các thể loại từ sách cũ đến sách mới, đều có cả. Tình cờ đọc thấy tin này, xót xa quá . Vẫn nhớ ông cụ cười với mình "Lại sách à, có ăn cơm không mà toàn thấy mua sách", nick Hoàng Tâm, một cựu sinh viên từng học ở Sài Gòn đang sống ở Hà Nội chia sẻ.
Dù vị trí ở tận quận Thủ Đức, nhưng sau khi hay tin hiệu sách Bách Hợp phải “thanh lý giải nghệ" trong tình trạng cấp bách, nhiều bạn trẻ từ khắp các quận 1, 5, 7, 9, Bình Chánh… đều rủ nhau đến hiệu sách mua ủng hộ chú Trí. “Những ngày qua có rất nhiều bạn trẻ đến đây mua sách và tôi biết họ đến vì cần sách thì ít mà chủ yếu là đến để ủng hộ, giúp đỡ tôi thì nhiều hơn. Tôi không ngờ giới trẻ Việt Nam lại có những người yêu sách và có tấm lòng đến vậy”, chú Trí cảm động nói. Vừa dứt lời, một bạn gái xin phép trả tiền sách và giúi vào tay chú 500.000 đồng và nói. “Nhà cháu ở tận Q. 1, lên đây rất xa, nên không thể quay lại mua tiếp sách. Cháu biếu chú, chúc chú buôn may bán đắt”.
Lượng khách đến hiệu sách mấy hôm nay đông đến nỗi xe máy, xe đạp không có chỗ đậu, đành để nhờ qua cả những căn nhà bên cạnh. Dù vậy, những người hàng xóm xung quanh tiệm đều không cảm thấy phiền hà mà còn chung tay giúp sức ông chủ hiệu sách. “Cả khu vực này đã được bán cho một ngân hàng, họ yêu cầu phải giải tỏa vị trí này để họ thi công theo tiến độ công trình. Ở đây, nhà ai cũng bị thu hồi mặt bằng nhưng không ai rơi vào tình trạng như ông Trí khi phải giải quyết lượng sách quá khổng lồ. Mấy ngày qua, hàng xóm thay nhau chạy qua giúp ông Trí bán sách, thu tiền, giữ xe cho đến tận 10 giờ khuya.”, cô Dương, chủ quan cơm gà gần hiệu sách Bách Hợp kể.
Không chỉ các bạn trẻ, nhiều người lớn tuổi cũng tìm đến tiệm sách của chú Trí ủng hộ. Ông H. (60 tuổi, nhà ở Q.1) cho biết: “Hay tin hiệu sách cũ 30 năm với 10 tấn sách đang được thanh lý, tôi và bạn bè rủ nhau đến đây tìm mua về những quyển sách văn học cho trẻ em, văn học dân gian. Kho sách ở đây quả là khổng lồ, có rất nhiều thể loại sách, tiếc là không có nhiều thời gian hơn để khám phá hết”.
Cho đến nay, dù được nhiều người ủng hộ, chú Trí vẫn đang rất bối rối vì chưa biết thanh lý sao cho hết lượng sách 10 tấn khổng lồ này. “Nếu có một phép màu chắc chỉ có cầu xin thần đèn Aladin hiện ra hô biến hết đống sách này”, chú Trí buồn rầu chia sẻ. “Mấy ngày trước trong tôi toàn những suy nghĩ tiêu cực thôi. Tôi dự tính bán tháo cho đến hết tuần này để thu hồi số vốn đã đầu tư vào tiệm sách, còn lại sẽ đem cân ký bán cho ve chai vì không có chỗ nào để chứa kho sách này cả”, chú Trí chua xót kể. Được biết, căn nhà hiện tại của chú Trí ở quận Bình Thạnh chỉ là căn nhà thuê, diện tích nhỏ hẹp, không thể chứa được lượng sách nhiều như vậy.
“Sách quý mà đem cân ký thì giống như giấy vụn, tôi tiếc lắm, nên mấy ngày qua được nhiều người ủng hộ, tôi đã nghĩ ra vài phương án tích cực hơn. Tôi sẽ cân ký bán rẻ cho những người yêu sách. Như hồi sáng nay, có một nhóm bạn đến mua sách về làm từ thiện và tôi đã bán với giá 8000 đồng/ký sách”, chú Trí đăm chiêu kể.
Trong nỗ lực đầy tuyệt vọng, tấm bảng “Sang nhượng sách gấp” của chú Trí treo ngay trước hiệu sách vẫn đang chờ đợi “một vị thần đèn Aladin xuất hiện” để “cứu 10 tấn sách không trở thành giấy vụn”.