1. Sếp bỗng dưng tốt và gần gũi một cách quá đà với bạn

Tình huống: Bạn vừa hoàn thành bài thuyết trình của mình ở phòng họp, bạn nhận được những tràng pháo tay khen ngợi từ đồng nghiệp và một cái vỗ vai nhẹ từ sếp. Đang có hứng, bạn trở lại phòng mình và hoàn thành nốt bản báo cáo mà sếp giao. Bạn tập trung đến nỗi không nhận ra sếp đang nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính của bạn. Sau đó anh ta cúi về phía trước, nói rằng phần bạn đang làm chưa hợp lí rồi gõ lại giúp bạn. 

Bạn có cảm giác sếp đang bọc mình trong vòng tay và có những động chạm không nên có. Bạn cảm thấy không thoải mái nhưng bạn vẫn để kệ như vậy vì bạn nghĩ nó chẳng tổn hại gì. Vài ngày tiếp theo, sếp hỏi địa chỉ nhà bạn và ngỏ ý muốn đưa bạn về dù lúc đó trời chưa tối.

Ba tình huống nhạy cảm hay gặp nhất chốn văn phòng và cách giải quyết 1
Sếp bỗng dưng thân thiết và gần gũi quá mức với bạn. Phải làm sao đây? - (Ảnh minh họa)

Bạn nên làm gì? Với những tình huống thế này, hãy tin vào bản năng của bạn. Sếp với những lợi thế của mình có thể đẩy bạn vào tình huống bạn là người đi mồi chài anh ta. Đừng đợi đến khi sếp vượt quá ranh giới mới nói không. Bạn không nên tạo ra rắc rối với gia đình của sếp và của bạn.

2. Mối quan hệ của bạn với một đồng nghiệp trở nên lãng mạn

Tình huống: Bạn đang ăn trưa một mình trong căng-tin, bỗng dưng một chàng đồng nghiệp tiến lại gần và muốn ngồi cùng bạn. Anh chàng rất dễ thương, hài hước và bạn cũng để ý đến anh ấy vài tháng nay. Dù vậy, bạn ngại ngần tiến đến tình công sở và nghĩ rằng đây sẽ là lần đầu và lần cuối bạn ngồi cùng chàng đồng nghiệp đáng yêu này. 

Nhưng sau đấy mấy ngày, sau vài câu trò chuyện xã giao khi lấy cà phê, anh chàng mời bạn ăn tối sau giờ làm – chỉ có 2 người. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và bạn cảm thấy dường như mình đã bước chân vào một tình yêu công sở.

Ba tình huống nhạy cảm hay gặp nhất chốn văn phòng và cách giải quyết 2
Bạn có cảm tình với đồng nghiệp nhưng lại ngại ngần tình công sở - (Ảnh minh họa)

Bạn nên làm gì? Tình công sở không xấu. Nó chỉ xấu khi bạn để nó ảnh hưởng tới công việc của mình. Đừng chìm trong tình yêu đến mức mọi suy nghĩ đều hướng về bạn trai đồng nghiệp của bạn. Hãy nhớ tới núi báo cáo đang chờ bạn hoàn thành. Một khi đã bước chân vào tình công sở, bạn phải phân định rõ tình yêu và công việc, làm việc một cách thật chuyên nghiệp hơn nữa.

3. Bạn bị đồng nghiệp "chim lợn" lôi kéo tung tin đồn nhảm

Tình huống: Bạn chơi thân với một đồng nghiệp. Hai bạn chuyện trò với nhau không chỉ chuyện cơ quan mà còn có nhiều tâm sự riêng tư, thầm kín. Sau một thời gian, bạn chuyển đến làm việc cho bộ phận khác. Để xây dựng mối quan hệ làm việc nhóm, đồng nghiệp mới mời bạn ra ngoài giờ làm việc. Nhưng thay vì hỏi thông tin về bạn, họ lại hỏi rằng có phải cô đồng nghiệp thân thiết ở văn phòng cũ của bạn ngoại tình hay không. 

Bạn không thích nói về chuyện riêng của bạn mình và cũng không vui khi bị người khác chọc ngoáy vào những vấn đề riêng tư của bản thân. Nhưng từ chối những đồng nghiệp mới cũng không phải là giải pháp tốt.

Ba tình huống nhạy cảm hay gặp nhất chốn văn phòng và cách giải quyết 3
Đồng nghiệp "chim lợn" cố moi móc một tin đồn từ bạn - (Ảnh minh họa)

Bạn nên làm gì? Trong giai đoạn làm quen, nói với đồng nghiệp mới một số thông tin thú vị về bản thân bạn là một điều hết sức bình thường. Nó giúp bạn nhanh chóng làm thân với đồng nghiệp mới, tăng cường các mối quan hệ. Nhưng việc bàn tán, tung tin đồn về người khác là hoàn toàn sai trái. Nếu buộc phải trả lời, hãy chỉ nói rằng bạn không biết. Tung tin đồn về người khác có thể làm hại đến chính bản thân bạn.