Khi sếp yêu cầu "Add friend"

Linh (25 tuổi, Hà Nội) được xem là tín đồ của Facebook bởi cô nàng thường xuyên post ảnh, status mọi lúc mọi nơi, bằng máy tính hay điện thoại... Công ty của Linh chủ yếu là các anh chị lớn tuổi nên rất ít người "chơi phây", có người lập Facebook nhưng để mốc meo, cả tháng chẳng thèm vào update lấy một lần. Bởi thế, Linh khá thoải mái trong việc ăn nói, phàn nàn về chuyện công ty khi có gì không vừa lòng, bởi khi cô post lên, đa phần đều có bạn bè ủng hộ. Linh cũng không ngần ngại nói xấu sếp bất cứ lúc nào cô không vừa lòng vì Linh biết, sếp không dùng Facebook và càng không biết tài khoản của cô.

Lên Face nói xấu sếp 1
Linh là tín đồ cuồng "Phây", cứ rảnh rang là cô lại vào Facebook post ảnh, post status và đôi khi là cả những lời nói xấu sếp - (Ảnh minh họa).

Mọi chuyện bắt đầu khiến Linh rối tung cả lên khi sếp bắt đầu chuyển hướng quan tâm đến mạng xã hội. Theo lý giải của sếp thì đợt vừa rồi có tham gia khóa học về marketing trực tuyến, phát hiện ra mạng xã hội quả thực có nhiều ưu điểm. Vì thế, sếp quyết định bắt tất cả các nhân viên trong công ty lập Facebook và thường xuyên vào cập nhật, những ai có tài khoản rồi thì chia sẻ để mọi người kết bạn.

Cứ nghĩ sếp hứng lên thì nói vậy rồi quên ngay, ai dè hôm sau, Linh tá hỏa nhận được một message kết bạn từ một tài khoản khá lạ. Hỏi ra mới biết, đó là tài khoản Facebook của sếp, yêu cầu tất cả nhân viên confirm. Linh đành phải dùng kế trì hoãn, chưa chấp nhận lời mời kết bạn vội mà cứ để trạng thái treo rồi cuống cuồng lật lại status của mình để xóa vợi đi những câu động chạm đến sếp.

Khổ nỗi cô nàng cũng chẳng nhớ hết, mà suốt mấy năm nay cô post không biết bao nhiêu status... Linh chóng mặt tìm và xóa. Nhiều lúc nản quá, lại bị sếp hỏi sao chưa kết bạn với sếp, Linh chỉ muốn lập một tài khoản mới cho xong, nhưng cô hiểu rằng, tài khoản mới càng khiến mọi người nghi ngờ bởi bấy lâu nay cô là người mê Facebook nhất công ty, không thể có chuyện chưa có tài khoản trên "phây" được. Linh chỉ biết than trời kêu khổ vì đã trót lỡ nói xấu sếp trên Facbook.

Mất việc vì vài lời trên "Phây"

Chuyện bắt đầu từ khi cả phòng kế toán của Nga (32 tuổi, Hà Nội) rủ nhau lập Facebook. Hằng ngày, dù bận rộn nhưng không ai quên "nhiệm vụ cao cả" là vào "phây" để post một bức hình, một câu trạng thái hay đơn giản là để xem hôm nay thiện hạ "khoe" gì. Gần như mọi người trong công ty đều có Facebook của nhau, kể cả sếp. Mỗi khi ai đó đăng gì lên bức tường của mình, ngay lập tức các đồng nghiệp chiến hữu bao giờ cũng là người vào Like và comment đầu tiên.

Nếu chỉ có những chuyện buồn vui trong cuộc sống, công việc, những câu status bình thường, thể hiện các cung bậc tình cảm hỉ nộ ái ố thì có lẽ đã không thành vấn đề nghiêm trọng. Nhưng hôm đó, Nga bị sếp mắng tơi tả vì bản báo cáo tổng kết cuối năm trình lên các sếp trên Tổng công ty của Nga quá chân thực, kiểu có gì nói nấy. Sếp muốn cô "mô-đi-phê" một chút cô lại không nghe, cứ thích "vạch áo cho người xem lưng". Nhìn bản báo cáo của Nga, sếp nổi trận lôi đình, khỏi phải nói cơn giận trút xuống ghê gớm thế nào, Nga đành phải ngồi rà lại từ đầu để có một bản báo cáo theo ý sếp.

Lên Face nói xấu sếp 2
Mạng xã hội là không gian mở và có rất nhiều người đang dòm ngó bạn. Vì thế, hãy luôn cẩn trọng khi đăng tải những lời nói của mình trên "Phây" - (Ảnh minh họa).

Vừa mệt, vừa mất thời gian lại không tán thành với cách làm của sếp, Nga xả stress bằng cách lên Facebook chia sẻ: "Làm ăn phải lấy chữ tín hàng đầu. Bắt nhân viên làm một bản báo cáo sai sự thật, thử hỏi kẻ làm sếp có xứng đáng không?. Haizzz". Khi post những dòng này, Nga đã cẩn thận chọn chế độ "Tùy chọn riêng tư" để loại sếp và những người liên quan ra khỏi danh sách những người đọc được trạng thái của cô. Thế nhưng, Nga đã quên mất sự hiện diện một người bạn của sếp trong danh sách bạn bè mình khi đăng tải status trong lúc tức giận.

Sau những lời comment hỏi han, chia sẻ của bạn bè, Nga càng được dịp kể lể và không quên dành cho sếp những lời cay nghiệt không thương tiếc. Khỏi phải nói, người bạn của sếp khi thấy bạn mình bị lăng mạ đã rất tức giận. Anh ta copy và còn chụp màn hình phần trao đổi trên Facebook của Nga gửi cho bạn mình. Kết quả là, Nga bị sa thải sau khi sếp biết chuyện.

Các cụ có câu " Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Trong thời đại @, khi người người nhà nhà dùng mạng xã hội để bày tỏ cảm xúc, có lẽ phải thêm câu "Luyện tay bảy lần trước khi viết" cho đủ bộ. Hãy cẩn trọng trong từng status, từng câu văn trên Facebook, đừng để những lời nói vu vơ trên mạng ảo ảnh hưởng tới cuộc sống thật của bạn.