Tranh thủ những ngày nghỉ lễ rảnh rang, bạn hãy thử vào bếp làm ngay món thạch phô mai theo gợi ý của chúng tôi trong bài viết này. Chỉ với 3 bước đơn giản, làm chưa tới 30 phút, bạn đã có ngay món thạch mát lịm, thơm ngon béo ngậy, dùng làm món tráng miệng hay món ăn vặt đều hợp lý.
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm thạch rau câu phô mai
20gr bột rau câu dẻo, 3 lòng đỏ trứng gà, 200ml sữa tươi không đường, 900ml nước trà hoa đậu biếc, 4 miếng phô mai con bò cười, đường và sữa đặc (định lượng tùy theo khẩu vị).
Cách làm thạch rau câu phô mai
- Bước 1: Nấu cốt thạch phô mai
Bạn cho vào bát 3 lòng đỏ trứng gà, 4 muỗng canh sữa đặc, 200ml sữa tươi không đường và 4 miếng phô mai con bò cười. Sau đó, dùng muỗng hoặc phới lồng đánh đều tay để các nguyên liệu quện vào nhau.
Tiếp theo, bạn cho vào bát: 10gr bột rau câu dẻo, 50ml nước lọc, 50gr đường rồi khuấy đều cho phần đường và bột rau câu tan hết. Sau đó, bạn đổ hỗn hợp bột rau câu vừa pha vào bát hỗn hợp trứng - sữa - phô mai và khuấy đều.
Bạn đổ hỗn hợp vừa trộn vào nồi và nhẹ nhàng khuấy đều trên lửa nhỏ đến khi hỗn hợp bắt đầu sôi thì tắt bếp. Bạn đổ hỗn hợp vào khuôn tròn và để nguội cho thạch đông lại hoàn toàn.
- Bước 2: Nấu cốt thạch rau câu hoa đậu biếc
Bạn cho vào nồi: 900ml nước trà hoa đậu biếc, 100gr đường, 10gr bột rau câu dẻo. Vừa đun vừa khuấy trên lửa nhỏ cho tới khi thấy hỗn hợp sôi lăn tăn thì tắt bếp.
- Bước 3: Hoàn thành món thạch rau câu phô mai
Bạn đổ 1/2 cốt thạch rau câu hoa đậu biếc vào khuôn rồi cho phần cốt thạch phô mai vào và đổ nốt phần cốt thạch rau câu hoa đậu biếc lên trên. Đặt khuôn thạch trong ngăn mát tủ lạnh ít nhất 2 tiếng để thạch đông.
Sau đó, chỉ cần lấy thạch ra khỏi khuôn và cắt nhỏ là có thể thưởng thức được rồi!
Làm theo công thức này, phần thạch rau câu phô mai sẽ có màu xanh đẹp mắt. Thạch rau câu khi ăn sẽ cảm nhận được sự thanh mát, độ béo ngậy của phô mai và mùi sữa thơm lừng, vị ngọt vừa phải, không hề bị gắt.
Lưu ý khi làm thạch rau câu để thạch không bị rỗ, bị vỡ
1. Khi đổ cốt thạch vào khuôn, bạn nên đổ từ từ, tránh tạo bọt khí trên bề mặt phần cốt thạch. Bọt khí sẽ làm thạch bị rỗ.
2. Với rau câu nhiều lớp, bạn nên chờ lớp thứ nhất đóng váng lại, hơi cứng trên bề mặt rồi mới đổ tiếp lớp thứ 2, tránh khi lớp thứ nhất còn lỏng đã cho lớp thứ 2, thứ 3,... chúng sẽ nhanh chóng bị hoà lẫn vào nhau.