01

Mối quan hệ giữa MCN và nhân tố nổi tiếng

MCN - Multi-channel Network đó là một mạng lưới đa kênh, một tổ chức làm việc với các nền tảng video như YouTube, TikTok để hỗ trợ cho các chủ kênh trong các phần như xúc tiến chéo, quản lý đối tác, quản lý quyền kỹ thuật số, kiếm tiền, bán hàng, hoặc phát triển khán giả.... Sau khi giúp chủ kênh thúc đẩy khả năng kiếm tiền, MCN sẽ chia sẻ lợi nhuận theo tỷ lệ nhất định với nhân tố nổi tiếng. 

Ngay từ cuối năm 2019, Kantan - người sáng lập một MCN ở Trung Quốc đã đăng 2 bài liên tiếp trên Weibo để nhắc nhở các KOL, KOC (viết tắt của Key Opinion Leader - người có sức ảnh hưởng và Key Opinion Consumer - người tiêu dùng chủ chốt) đọc kỹ hợp đồng khi làm việc với MCN. “Tôi hy vọng mọi người sẽ ít bị sa bẫy hơn, ít bị lừa hơn”. 

Tháng 4/2020, một blogger du lịch tên Lin Chen đã đăng tải một video dài 24 phút, tố MCN đang hợp tác với mình. Theo anh chàng, công ty này đã đưa ra nhiều yêu cầu vô lý, bao gồm cả việc phải đặt quảng cáo trong các video liên quan đến dịch bệnh. Khi anh phản đối, công ty yêu cầu anh bồi thường 3 triệu NDT (gần 10 tỷ đồng). Vì vậy Lin cùng một số talent khác dưới quyền công ty đã liên kết để với nhau để chấm dứt hợp đồng với công ty và bắt đầu thực hiện các thủ tục pháp lý. 

“Cung đấu” giữa công ty quản lý và người nổi tiếng trên MXH - Ảnh 1.

Lin Chen

Nguyên nhân đến từ số lượng MCN tăng đột biến, không thể tránh khỏi việc một số công ty hoạt động không rõ ràng, có động cơ đáng ngờ. Trong khi đó có vô số người trẻ khao khát trở thành người nổi tiếng, khao khát kiếm tiền từ MXH một cách nhanh chóng nên bị cuốn vào cuộc chiến với MCN lúc nào không hay. 

Một số MCN tự nhận mình là nạn nhân. Họ tuyên bố rằng mình đã dành rất nhiều nhân lực và tiền bạc để bồi dưỡng nên những người có sức ảnh hưởng. Nhưng hiện tại “cơm không lành canh không ngọt”, mối liên hệ bị tan rã, họ chịu tổn thất nên cần được bồi thường. 

Nhưng rõ ràng đây là chuyện khó nói. Bởi ngành MCN quá mới và phát triển quá nhanh, trật tự và các quy tắc giữa MCN và talent vẫn đang được xây dựng. 

02

Talent không thể lấy lý do còn trẻ hay chưa đọc kỹ hợp đồng 

Ngay từ giai đoạn tiếp xúc ban đầu, giữa MCN và người nổi tiếng đã ẩn chứa những “quả mìn”, có thể kích nổ xung đột hai bên trong tương lai. 

“Thời kỳ đầu, các MCN có tâm lý quăng lưới rộng rãi để bắt ‘cá’. Mô hình kinh doanh của họ là nhanh chóng ký hợp đồng với talent bằng cách nhận phần ăn chia thấp về mình, để các talent tự sáng tạo nội dung sau đó chạy các dự án chất lượng cao” - Lin Dongdong, đồng sáng lập của 2 MCN chia sẻ.

Khi MCN càng có nhiều người nổi tiếng ký hợp đồng thì việc sản xuất nội dung càng bền vững và nội dung chính là điều kiện hàng đầu để thúc đẩy kinh doanh của họ. Theo một nghiên cứu năm 2020, “ký hợp đồng với nhiều blogger hơn” là cách quan trọng nhất để MCN cải thiện tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn đầu và 71% MCN làm việc này. 

Do đó để thu hút nhiều người nổi tiếng hơn, một số MCN sẽ đưa ra những lời hứa cho họ trong giai đoạn đầu: công ty có nhiều nguồn lực, không cần phải lo lắng về các hợp đồng quảng cáo sau khi về công ty, công ty có mối quan hệ tốt với nền tảng nên talent sẽ được ưu ái, đội ngũ vận hành chuyên nghiệp nên talent chỉ cần tập trung vào sáng tạo,... 

Vấn đề là một số MCN không thể thực hiện các cam kết trên và không ghi những nội dung này vào hợp đồng. Nếu một talent thắc mắc, công ty sẽ có cách trả lời hoặc biện pháp đối phó riêng. 

Theo Kantan, cách đối phó phổ biến của MCN là cho talent làm việc với những nhãn hàng kém. Khi talent từ chối hợp tác, công ty có thể đổ trách nhiệm cho họ. Một cách khác là bịa đặt một danh sách nhãn hàng ảo, khi talent nói về việc hợp tác, công ty sẽ nói dối rằng người phụ trách job này đã phạm sai lầm hoặc đã nghỉ việc. 

“Cung đấu” giữa công ty quản lý và người nổi tiếng trên MXH - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Ngoài ra, trong một số hợp đồng của MCN với người nổi tiếng ký kết có quyền lợi và trách nhiệm không bình đẳng, phân chia thu nhập và phạm vi hợp tác mơ hồ.

Lin Chen là một ví dụ. Anh cho biết trong hợp đồng đã ký của mình với công ty có 17 quyền của bên A (công ty), 0 quyền của bên B (Lin Chen), 5 nghĩa vụ của bên A và 15 nghĩa vụ của bên B; thu nhập do khách hàng quyết định và không có mức thu nhập tối thiểu được đảm bảo. Công ty không cho phép anh đi học hay làm các công việc toàn thời gian khác.

Tuy nhiên 9 ngày sau khi công bố video tố cáo, Lin Chen bất ngờ cập nhật lại quan điểm của mình. Anh nói, là một người trưởng thành, anh cần phải chịu trách nhiệm vì đã đặt bút ký: “Cho dù các điều khoản trong hợp đồng này có giá trị hay không, có bất công và có thể bị hủy bỏ hay không thì tôi cũng đã phạm sai lầm và bất cẩn. Vì vậy tôi phải gánh chịu hậu quả”. 

Kantan cũng có một người bạn đã ký hợp đồng mà cô cho rằng rất quá đáng. Nhưng cô chỉ có thể nói với bạn mình: “Cậu không thể lấy những lý do như còn trẻ hay chưa đọc kỹ hợp đồng để phản bác được. Lần này cậu phải chấp nhận chịu thiệt thòi và nghiêm túc hơn trong các hợp đồng tiếp theo”

Zhang Yirui, luật sư đối tác của công ty luật toàn cầu lớn nhất châu Á cho biết, mặc dù ngày càng có nhiều MCN nhưng không có quy tắc nào được thiết lập rõ ràng. Trong đó có một nguyên nhân đến từ trình độ hiểu biết pháp luật của nhiều KOL không cao. Chưa có nhiều KOL biết cách tìm kiếm sự tư vấn pháp lý chuyên nghiệp khi ký hợp đồng mà chỉ nghĩ đến pháp luật sau khi đã có tranh chấp với MCN. Với Zhang Yirui, như vậy là quá chậm trễ. 

03

 Chuyện gì xảy ra khi talent đối đầu "trùm"?

Và khi talent và MCN xảy ra tranh chấp, câu hỏi rắc rối nhất cho cả hai bên là "Ai sở hữu tài khoản?".

Nội dung do các talent tạo ra là cơ sở để hiện thực hóa thương mại với MCN, nội dung được đính kèm với tài khoản của các nền tảng MXH khác nhau. Vì vậy quyền sở hữu tài khoản đặc biệt quan trọng.

Theo Zhang Yirui, các loại tài khoản khác nhau có cách xử lý khác nhau.

Loại tài khoản thứ nhất là do công ty tạo ra sau khi ký hợp đồng với talent. Sau đó MCN đầu tư rất nhiều nguồn lực để hỗ trợ tài khoản và cũng đảm nhận công việc vận hành. Khi hợp đồng kết thúc, MCN được lấy lại vì nó là tài sản của công ty.

Loại tài khoản còn lại là tài khoản cá nhân do talent sở hữu trước khi ký hợp đồng. Sau khi ký hợp đồng, MCN có một phần quyền hoạt động và tài khoản này sẽ được trả lại cho talent khi hợp đồng kết thúc. 

Nhưng nhìn chung, sau khi một talent đề nghị MCN chấm dứt hợp đồng, hai bên khó có thể giải quyết vấn đề sở hữu tài khoản một cách hòa bình.

Vào tháng 5/2020, một blogger có tên Xiang Xiang với hơn 20 triệu người theo dõi trên các nền tảng đã chấm dứt hợp đồng với MCN quản lý của anh ta vì cho rằng công ty không giúp được gì kể từ khi ký hợp đồng. Anh quyết định rời đi sau khi cố gắng liên lạc với công ty nhưng không có kết quả. 

“Cung đấu” giữa công ty quản lý và người nổi tiếng trên MXH - Ảnh 3.

Xiang Xiang

Sau Xiang Xiang đăng tải thông báo chấm dứt hợp đồng, MCN đã “đóng băng” tài khoản Douyin và Weibo của anh ấy. Vì vậy Xiang Xiang đã lập tài khoản mới, đăng liên tiếp 2 video giải thích tình huống của mình với MCN trên nhiều nền tảng khác nhau. Rõ ràng anh đành chấp nhận chuyện mất quyền sở hữu và quyền sử dụng tài khoản MXH hàng triệu người theo dõi. 

Tuy nhiên, không phải tất cả talent khi chấm dứt hợp đồng với MCN đều bị mất tài khoản.

Theo Zhang Yirui, ngoài giá trị thương mại, tài khoản MXH còn có các thuộc tính cá nhân của chủ sở hữu và bị giới hạn bởi luật và quy định của nền tảng. MCN đôi khi không thể trực tiếp đăng ký tài khoản thay cho một talent với tư cách là người đăng ký nên sẽ yêu cầu họ sử dụng thông tin cá nhân để đăng ký. Vì vậy tùy vào các sự việc khác nhau mà tòa án có quan điểm khác nhau về quyền sở hữu tài khoản.

04

Hợp đồng: Cơ hội cũng là cạm bẫy

Tiền bồi thường thiệt hại là một rào cản khác mà các talent gặp phải khi muốn chấm dứt hợp đồng với MCN.

Lý do khiến Lin Chen tố MCN bằng một đoạn video dài 24 phút phần lớn là vì tiền bồi thường thiệt hại lên đến 3 triệu NDT. Con số này khiến anh cho rằng sự việc không thể giải quyết một cách hòa bình.

Trên thực tế, tiền vi phạm hợp đồng là một điều hợp lý. Các điều khoản bồi thường thiệt hại có thể làm giảm các vi phạm một cách hiệu quả, đặc biệt là vi phạm do cạnh tranh ác ý giữa các MCN. 

Lin Dongdong nhận ra rằng một số talent sau khi được MCN nâng đỡ, sự lệ thuộc vào MCN ngày càng nhỏ nên muốn thoát khỏi MCN để tìm đến công ty tốt hơn. Trong khi đó một MCN có tâm có thể tốn rất nhiều nhân lực, tài chính và nguồn lực trong quá trình đào tạo và hỗ trợ talent. Nếu talent tự ý chấm dứt hợp đồng thì chắc chắn sẽ gây tổn thất cho công ty.

Theo Zhang Yirui, mục đích chính của đền bù hợp đồng là để bù đắp tổn thất cho công ty, không phải hoàn toàn để trừng phạt talent. Vì vậy cô đề nghị các MCN nên làm tốt công việc quản lý nội bộ, chẳng hạn như công ty đã làm gì cho talent, nguồn lực đầu tư cho talent là bao nhiêu, thực sự đào tạo talent thế nào,...

Tuy nhiên khi MCN không thực hiện đúng những việc đã hứa với talent mà lại yêu cầu mức bồi thường thiệt hại rất cao, không tương xứng với tổn thất mà công ty phải gánh chịu thì khoản tiền đó là một vấn đề. Do đó các talent cũng nên lưu giữ mọi dữ liệu và bằng chứng khi hợp tác với MCN để cung cấp khi có tranh chấp. 

Zhang Yirui cho biết ngày càng nhiều MCN tìm các công ty luật để giải quyết hợp đồng một cách toàn diện. Điều này không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của công ty mà còn giúp quyền lợi của talent được đảm bảo hơn.