Một công ty muốn xây dựng và phát triển bền vững, yếu tố đầu tiên và tiên quyết chính là tạo được một môi trường và văn hóa làm việc tích cực để nhân viên có thể đóng góp tối đa công sức và tâm trí của mình.
Bên cạnh đó, chế độ phúc lợi như lương, thưởng cũng là những yếu tố mà các công ty phải đảm bảo rõ ràng, minh bạch cho đến khi nhân viên đã không còn hợp tác với mình nữa. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan cũng như chủ quan, có công ty đã vô tình hoặc cố tình “quên” trả lương cho nhân viên sau khi họ nghỉ việc.
Đơn cử, vừa mới đây, trong một hội nhóm quy tụ đông đảo dân văn phòng, một nàng công sở đã có dịp chia sẻ lại hành trình “đòi lương” đầy gian nan và kỳ công của bản thân mình. Cụ thể, cô viết:
“Em thử việc ở công ty X ngày 27/06/2019 đến ngày 05/08/2019 thì xin thôi do ở đây chán quá, môi trường toàn con ông cháu cha. Công ty này trả lương ngày 15 hàng tháng cho nên các mốc nhận lương của em là: 15/07 nhận 4 ngày lương của tháng 6. 15/08 nhận 24 ngày lương của tháng 7 và 30/09 nhận 4 ngày lương của tháng 8. Mốc nhận lương cuối cùng của em phải nhận ở ngày 15/08 mới đúng, nhưng công ty lại “quên” trả cho em. Một công ty thời trang lớn với gần 90 cửa hàng lại suýt quên 4 ngày lương của nhân viên quèn.
Ngày 16/08, em nhắn tin cho nhân sự hỏi vì sao chưa có lương, chị này không biết và trả lời rằng sẽ hỏi 1 nhân sự khác.
Ngày 17/08, em hỏi lại, chị này bảo nhân sự khác đi nhà máy, để hỏi kế toán. Sau khi hỏi kế toán thì trả lời rằng kế toán chưa chuyển, tiếp theo thì vặn vẹo em rằng 4 ngày đi làm có báo cáo công việc hay không, trong khi trước đó không có ai yêu cầu phải báo cáo công việc cả và em thì vẫn có vân tay chấm công bình thường.
Ngày 18/09, tiếp tục hỏi nhân sự xem có lương chưa và chị này trả lời đã hỏi nhưng không biết hôm nào có. Đến đây thì em không hỏi chị này nữa mà viết email cho anh trưởng phòng nhân sự. Trưởng phòng nhân sự giao cho một nhân sự khác giải quyết, nhân sự này bảo kế toán đi kiểm kê nên chưa trả lời.
Ngày 19/09, em lại gửi mail hỏi khi nào nhận được lương, gửi cho cả CEO luôn, đến ngày 20/09 mới nhận được mail nhân sự, lại đẩy cho kế toán trả lời và vẫn không biết khi nào nhận được lương.
Ngày 23/09, nhân sự gọi điện thoại bảo sẽ chuyển lương trong tuần này, tức (23/09 đến 27/09).
Ngày 27/09, chờ gần hết ngày vẫn chưa nhận được lương nên em gọi cho nhân sự và nhận được câu trả lời kế toán ốm, thứ 2 mới chuyển. Thế là em lại tiếp tục gửi mail cho cả CEO, Trưởng phòng nhân sự, nhân sự, kế toán và không ai trả lời thêm gì, chỉ 1 câu kế toán ốm là xong.
Cho đến hôm nay, 30/09, may quá kế toán đã khỏi ốm sau gần 2 tháng kể từ khi nghỉ việc, 12 email đòi lương, hàng chục tin nhắn đòi lương, em đã nhận được tiền”.
Ngay sau khi được đăng tải chưa lâu, câu chuyện của cô gái đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo thành viên trong hội nhóm. Rất nhiều ý kiến tỏ ý ngưỡng mộ sự bình tĩnh, kiên nhẫn cũng như văn minh của chủ nhân bài đăng đã được để lại; bên cạnh đó cũng có không ít những chỉ trích dành cho sự kém chuyên nghiệp của công ty được nhắc đến trong câu chuyện.
“Bạn này đòi lương rất văn minh và rất bình tĩnh, đáng để chị em chúng ta học hỏi”.
“Chả biết đầu đuôi câu chuyện có uẩn khúc gì không, nhưng đọc cái câu của chị nhân sự bảo em có đóng góp gì không, bản thân mình thấy chối quá thể”.
“Dù gì thì gì, cũng chỉ có 4 ngày lương thì thôi thanh toán nhanh cho người ta để còn đi làm chuyện khác. Cứ mail qua lại, liên quan bao nhiêu con người vào thì có mệt không, có mất thời gian không. Không hiểu sao công ty lớn mà làm ăn kém chuyên nghiệp quá”.
Chắc hẳn trong quá trình làm việc ở môi trường công sở, chị em không ít lần bị công ty chậm lương và nợ lương. Câu chuyện này sẽ chẳng có gì nếu chúng ta vẫn tin tưởng làm việc ở công ty và công ty cũng biết cách thu xếp để có thể trả lương cho nhân viên đúng hạn cũng như đưa ra lời giải thích thỏa đáng.
Tuy nhiên, sẽ khó khăn hơn đối với các chị em đã nghỉ việc mà vẫn bị công ty cũ nợ lương. Kế hoạch đòi lương vì thế cũng sẽ gian nan hơn nhiều. Tuy nhiên, phàm cái gì là mồ hôi, công sức bản thân mình đã bỏ ra thì chúng ta có quyền được hưởng.
Yếu tố tiên quyết để “đòi lương” thành công đó là hãy bình tĩnh và thật sự văn minh trong mọi trao đổi, giao tiếp. Và hơn hết, hãy thêm những người có chức vụ cao hơn vào những cuộc trao đổi nếu cảm thấy cần thiết.