Hai tháng sau khi được phép mở cửa trở lại, nhiều nhà hàng, cửa hiệu ở thủ đô Brussels (Bỉ) vẫn trong tình cảnh điu hiu, vắng khách. Một doanh nghiệp sản xuất socola, nằm ở khu phố trung tâm ở thủ đô Brussels, đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc tạm thời và hiện vẫn không biết bao giờ mới có thể trở lại trạng thái bình thường.

Chị Kahleen, chủ cửa hàng cho biết: “Có những ngày tôi chỉ kiếm được 50 euro. Bạn thử nghĩ xem, với 50 euro, bạn sẽ trả lương cho nhân viên và duy trì hoạt động kinh doanh như thế nào. Mọi chuyện thực sự khó khăn”.

Tại một cửa hàng bán đồ trang sức, cách đó chỉ vài mét, tình hình cũng không khác là bao. Với đối tượng khách hàng chủ yếu là khách du lịch quốc tế, song với việc biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu vẫn chưa thể mở cửa trở lại do dịch bệnh, cửa hàng đã mất tới 80% doanh thu so với năm ngoái.

Covid-19 “âm thầm” phá hủy nhiều ngành nghề trên thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

“Mọi việc phải trở lại bình thường trong 1 hay 2 tháng nữa. Khi đó, một là doanh thu được cải thiện hoặc là chúng tôi sẽ phải xin trợ cấp. Bởi vì nếu không, tôi nghĩ rằng việc phá sản sẽ là không thể tránh khỏi”.

Còn tại Nga, để duy trì giãn cách xã hội và giảm chi phí thuế nhân viên, một công viên ở thủ đô Moscow đã đưa vào sử dụng robot pha chế. Dù việc sử dụng robot không phải là mới và những biện pháp giãn cách xã hội cũng chỉ là mang tính tạm thời, song rõ ràng hình ảnh những chú robot thay thế con người đã cho thấy một thực tế rằng: Dịch bệnh đang thách thức vô số các doanh nghiệp nhỏ và âm thầm phá hủy nhiều ngành nghề.

Theo ông Mark Muro, thành viên cấp cao và là giám đốc chính sách tại Chương trình Chính sách Đô thị tại Viện Brookings, bất kỳ cuộc suy thoái nào liên quan tới dịch Covid-19 đều có thể khiến robot ngày càng thay thế người lao động nhiều hơn. Tính toán của các chuyên gia cho thấy, trong ba cuộc suy thoái kinh tế trong 30 năm qua, 88% số công việc bị mất diễn ra trong các ngành nghề có thể tự động hóa cao.

Các ngành nghề như y tế, giáo dục, quản lý dù chịu áp lực ít  hơn, song thời gian qua cũng chứng kiến sự gia tăng việc sử dụng công nghệ mới, nhất là trong giáo dục với việc dạy và học từ xa.

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Guy Ryder, Tổ chức Lao động thế giới, dưới hình thức này hay hình thức khác, Covid-19 ảnh hưởng đến 80% người trong độ tuổi lao động trên thế giới.

“Số giờ làm việc bị mất trong nửa đầu năm 2020 trên thực tế lớn hơn nhiều so với dự báo trước đây. Chúng ta đã chứng kiến các nước trì hoãn như thế nào trong việc thực hiện những biện pháp đúng đắn nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và hậu quả tất yếu đã xảy ra với việc làm, thu nhập và sinh kế dài hạn”.

Chưa ai biết lúc nào dịch Covid-19 kết thúc, nhưng điều đáng quan ngại hơn là chỉ tính đến thời điểm này, thì tác hại của Covid-19 đã lớn hơn cả so với thời kỳ khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Cơ quan hợp tác và phát triển kinh tế mới đây đã phải lên tiếng kêu gọi một hành động khẩn cấp nhằm tránh một cuộc khủng hoảng xã hội toàn diện, kèm theo cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp tại tất cả các nước thành viên có thể lên tới 9,4% trong quý 4 năm nay./.