Trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội, rất nhiều vấn đề xảy ra trong cuộc sống của mọi người. Không ít những bạn trẻ rơi vào khủng hoảng tâm lý vì đối mặt với mất việc, xoay sở chi phí cuộc sống. Hoặc rất nhiều người cảm thấy bí bách và ngột ngạt khi phải ở nhà quá lâu.

Tuy nhiên, đây có thể là khoảng thời gian hợp lý để những người trẻ sống chậm, nhìn lại những vấn đề xung quanh để tìm một hướng đi tích cực và tốt đẹp hơn. Từ khoảng thời gian dài ở nhà, bộ phận những người trẻ hiện nay sẽ nhìn nhận ra được 3 bài học để thúc đẩy quá trình trưởng thành. Việc này được rút ngắn thời gian rất nhiều so với thế hệ trước, trong khi họ phải "trầy trật" theo năm tháng thì mới nhận ra những giá trị đó. Như câu chuyện được chia sẻ bởi một bạn trẻ về những thay đổi từ khi thực hiện giãn cách ở nhà.

1. MỘT NGƯỜI CHỈ QUAN TÂM ĐẾN VIỆC ĐI LÀM THẬT NHIỀU ĐỂ KIẾM TIỀN

Bạn Tiểu My (22 tuổi, quê ở Bình Phước) là sinh viên vừa tốt nghiệp vào đúng đợt dịch bệnh diễn ra và đang thực hiện giãn cách tại nhà trong vài tháng qua.

"Thật ra tôi vừa đi học và đi làm từ sớm nên cuộc sống của tôi lúc trước giống như là một cái máy vậy. Tôi không chú trọng sức khỏe và thường xuyên bỏ bữa vì công việc và bài vở bị dồn nén quá nhiều. Những bữa cơm chẳng quan tâm đến dinh dưỡng mà chủ yếu là no bụng. Tôi đến lớp không nhiều, chỉ tranh thủ có mặt đầy đủ trong các kỳ thi và thường phải học rất khuya để bù đắp lại bài vở.

Vì tất cả thời gian dành cho học tập và công việc nên tôi thường mất liên lạc với gia đình, một tháng gọi về nhà một lần khi nhận được quá nhiều tin nhắn hỏi thăm. Nhà tôi chỉ cách Sài Gòn vài giờ di chuyển thôi nhưng mỗi năm tôi về nhà rất ít, có năm tôi cũng không về ăn Tết".

Tiểu My chia sẻ cuộc sống của cô trở nên bận rộn từ khi vào Sài Gòn học tập và chỉ tập trung đến việc kiếm tiền để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Cô ấy của trước đây là người chẳng biết mình muốn gì, cần gì và không có vấn đề gì khiến bản thân quan tâm nhiều. Kể cả bản thân và gia đình cũng bị cho vào một góc xếp sau công việc.

Nhờ ở nhà giãn cách, bạn trẻ có thời gian nhìn nhận lại bản thân, sống chậm lại và từ bỏ những thứ tiêu cực  - Ảnh 1.

2. "Tôi sống trong suốt nhiều năm qua vô cùng tiêu cực"

Với cuộc sống bận rộn như thế, Tiểu My nhận được không ít lời khen ngợi vì nhiều người cho rằng cô bạn còn trẻ nhưng lại rất chăm chỉ. Tiểu My cho biết cô ấy đã hoàn thành chương trình học từ sớm và vì dịch bệnh nên được công ty yêu cầu làm việc tại nhà từ cuối tháng 5.

"Ở nhà vài ngày đầu tôi đã thấy nhàm chán vì trước đây thời gian của tôi đa phần đều là ở bên ngoài. Công ty vẫn giao công việc cho tôi nhưng khi tập trung giải quyết xong thì lại thừa ra quá nhiều thời gian và tôi chẳng biết nên làm gì. Theo tình hình giãn cách xã hội vẫn chưa kết thúc, tôi cứ thấy mình như bị giam lỏng và thấy bức bí vô cùng. Tuy nhiên, tôi nghĩ lại, tự chất vấn bản thân và nhận ra có lẽ nên tạm nghỉ ngơi rồi".

Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách đến nay, Tiểu My đã có dịp sống chậm lại, nhìn nhận quá trình của mình đã đi qua và vỡ òa rất nhiều cảm xúc. Chính Tiểu My đã thừa nhận rằng cách cô ấy sống trong suốt nhiều năm qua vô cùng tiêu cực. Cô ấy chia sẻ vì vô tình biến bản thân là "cái máy" rồi chạy mãi chạy theo đúng chương trình nên quên mất giá trị thực tế là bản thân phải có cảm xúc với những điều diễn ra trong cuộc sống của mình.

3. KHI THAY ĐỔI ĐÚNG CÁCH, TỰ NHỮNG GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP SẼ XUẤT HIỆN

Theo đó, Tiểu My bắt đầu mua sắm những dụng cụ để tự nấu ăn ở nhà, việc mà nhiều năm trước đây cô chưa bao giờ làm. Không giỏi nấu nướng nhưng cô ấy cũng tìm hiểu cách kết hợp thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. My dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi nhiều hơn, tập những bài thể dục nhẹ, quan tâm đến vấn đề bảo vệ và tăng cường sức khỏe.

Sau khi hoàn thành công việc của công ty giao mỗi ngày, My đăng ký các khóa học online về ngoại ngữ để bù đắp lại khoảng thời gian thờ ơ với việc học. Tìm đọc những quyển sách để có thêm kiến thức, thay đổi tư duy và suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống.

Tiểu My chia sẻ rằng bản thân nhìn thấy được rất nhiều điều thú vị khi dành thời gian nấu ăn và đọc sách. Ngoài việc chăm sóc được bản thân và cung cấp kiến thức nó còn giúp My trải qua khoảng thời gian giãn cách "bận rộn" và có ý nghĩa hơn.

Điều quan trọng nhất là Tiểu My đã dành thời gian cho gia đình của mình. Hiện tại không thể về nhà nên cô ấy đã gọi điện mỗi ngày để hỏi thăm, chia sẻ với mọi người. Nhờ sự gắn kết với gia đình, My đã nhận thấy được giá trị hạnh phúc khi được yêu thương và quan tâm.

"Thay vì lúc trước tôi chỉ chờ cả nhà gọi cho tôi hỏi thăm thì trả lời, bây giờ tôi tích cực chia sẻ với mọi người. Nhìn sự vui vẻ, hạnh phúc của bà ngoại và mẹ khi thấy tôi gọi về mà tôi chạnh lòng vô cùng, bản thân tôi đã bỏ lỡ họ rất nhiều năm qua. Khi nói chuyện với gia đình mặc dù chỉ là những chủ đề vô thưởng vô phạt nhưng tôi cảm thấy bản thân giải tỏa được rất nhiều căng thẳng và áp lực, giống như được nạp ngay vitamin hạnh phúc đấy. Ngay khi hết giãn cách tôi sẽ đi về nhà ngay".

Trái với cuộc sống trói buộc mình với công việc trước đây, cô bạn này đã có khoảng thời gian giãn cách đầy ý nghĩa khi biết chăm sóc và trau dồi bản thân. Đặc biệt là nhìn nhận được giá trị tình thân vô cùng quan trọng và xoa dịu được cảm xúc của bản thân.

Ở nhà giãn cách sẽ không phải là khoảng thời gian để đối diện với khủng hoảng và tồi tệ nếu như mỗi người đều tìm được những gì mình cần thay đổi để bắt tay vào thực hiện. Học những gì mình muốn học để nâng cao kiến thức. Quan tâm và yêu thương gia đình nhiều hơn để cảm nhận được thật ra bạn luôn có nơi ấm áp để quay về.

Ở nhà giãn cách, bạn trẻ có thời gian nhìn nhận lại bản thân và khiến cho cuộc sống tích cực hơn - Ảnh 5.