Kết quả thăm dò trên đã được tờ Bild công bố hôm 10/6. 13% người được hỏi khác nói rằng, họ lo sợ sẽ phải bỏ bữa như vậy nếu giá lương thực vẫn tiếp tục tăng.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các hộ gia đình có thu nhập thấp (thu nhập hàng tháng dưới 1.000 Euro, tương đương 1.052 USD hay khoảng 24 triệu đồng). 32% trong số họ thường xuyên buộc phải bỏ bữa vì lý do tài chính.

Một tỷ lệ lớn hơn người tham gia khảo sát (42%) cho biết, họ buộc phải nấu ăn ít hơn do khó khăn về tài chính bằng cách bỏ qua một số thành phần trong bữa ăn hoặc bỏ món tráng miệng. Nhiều người (41%) cho biết họ phụ thuộc vào các món ăn có giá ưu đãi đặc biệt và đồ ăn giảm giá của siêu thị để giảm chi tiêu tối đa.

Chủ tịch Hiệp hội các vấn đề xã hội của Đức, Adolf Bauer, người đã cảnh báo Berlin không nên tham gia đề xuất cấm vận năng lượng trên toàn EU chống lại Nga, nói với tờ Bild rằng, ông rất lo lắng trước kết quả của cuộc khảo sát. Trước đó, ông Bauer đã dự đoán rằng, những nỗ lực trừng phạt kinh tế Nga sẽ dẫn đến giá năng lượng, giá lương thực và nhà ở tăng vọt. Và những lệnh trừng phạt này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho chính người dân Đức hơn là người dân ở Nga.

 - Ảnh 1.

Nhiều người tại Đức phải cân đối nhằm tiết kiệm chi tiêu tối đa. (Ảnh: 9News)

Giá thực phẩm và nhiên liệu ở Đức đã tăng vọt trong những tháng gần đây do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với than, dầu và khí đốt của Nga, trong bối cảnh lạm phát tiếp tục tăng sau khi đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế Đức. Điều tệ hơn là do các lệnh trừng phạt của EU đối với phân bón xuất khẩu của Nga và Belarus, Đức dự kiến sẽ thiếu tới 3 triệu tấn sản phẩm nông sản trong năm tới.

Phần còn lại của châu Âu đang phải hứng chịu tình trạng tương tự, khi EU tìm nguồn cung cấp 4,6 triệu tấn trong số 13 triệu tấn lương thực mà khối này đã nhập khẩu từ hai quốc gia bị trừng phạt vào năm 2021. Một cuộc thăm dò được công bố vào tháng 5 cho thấy, 1/4 người dân ở Anh cũng phải bỏ bữa do lạm phát ngày càng trầm trọng và nguy cơ thiếu lương thực.

Các Chính phủ trên khắp thế giới đã đưa ra những dự đoán thảm khốc về nạn đói với những gián đoạn do đại dịch COVID-19, lạm phát, các lệnh trừng phạt và phong tỏa cảng biển ảnh hưởng tới xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine, hai trong số những nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới. Trong khi Ukraine khẳng định, việc không xuất khẩu được ngũ cốc lưu trữ tại các cảng Biển Đen của nước này là do lỗi của Nga, Moscow lại phản bác rằng Ukaine đã cố tình đốt 50.000 tấn ngũ cốc ở Mariupol để đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sau đó.