Bà chủ quán lâu năm cho biết: vị chính của cháo là từ một vị thuốc của đồng bào vùng cao. Củ ấu có chất độc, thường ngâm rượu để thoa lên các vết thương kín. Nhưng qua bàn tay khéo léo của người dân Hà Giang, vị thuốc này đã được chế biến thành món ăn ngon, lại có tác dụng chữa bệnh.
 
Củ ấu tẩu là loại củ có tính độc dược, nhưng qua sự chế biến khéo léo
 của người dân Hà Giang, nó biến thành thứ thần dược đối với sức khỏe.

Ban đầu, món cháo dùng để giải cảm. Sau này, người dân Hà Giang thêm một số gia vị, phụ gia khác nấu thành món cháo "đặc sản" gây tò mò cho biết bao du khách đặt chân lên xứ sở đá này.
 
Vào buổi tối nếu bạn dạo một vòng quanh khu phố Hà Giang nhỏ xinh, chắc hẳn sẽ được chứng kiến những quán hàng cháo ấu tẩu rất đông khách đến ăn. Khách là những người đi du lịch, thương gia, cán bộ đi công tác và cả những người dân Hà Giang.
 
Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa và chỉ bán vào buổi tối. Theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân ở đây cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Bát cháo ấu tẩu cũng như vị thuốc thần giúp xoa tan mệt nhọc của một ngày để có một giấc ngủ sâu và khoan khoái hơn.
 
Nấu được bát cháo Ấu Tẩu cũng cầu kỳ và nhiều công đoạn. Củ ấu tẩu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm, sau đó rửa sạch và đem ninh hơn 4 giờ cho tới khi củ mềm, bở tơi. Gạo tẻ thơm, trộn ít nếp cái hoa vàng cho cháo đặc sánh.
 
Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Cuối cùng khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi dậy lên mùi thơm ngọt ngào. Thêm chút tía tô tăng thêm tác dụng giải cảm của bát cháo. Vị ngon của cháo còn phụ thuộc bí quyết của từng nhà hàng.
 
Vị ngon của cháo còn tùy vào bí quyết của từng nhà hàng.

Bát cháo mang sắc nâu đậm, khi ăn có vị hơi đăng đắng như tam thất. Nhưng cái đắng hòa cùng miếng ấu tẩu bùi, dẻo, quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt ngào trong cổ, tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn đối với rất nhiều du khách.
 
Bát cháo có vị nâu sậm, vị đăng đắng như tam thất ...