Câu chuyện dưới đây được chia sẻ trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và tâm sự).
Bà Ngô 75 tuổi nói rằng kể từ khi vào viện dưỡng lão, bà phát hiện ở nơi này người già có tiền còn khổ tâm trăm bề hơn cả người không có điều kiện kinh tế. Tại sao lại như vậy?
Bà Ngô kể:
Năm nay tôi đã 75 tuổi. Tháng 2 năm ngoái, ông nhà đi trước một bước sau cơn đột quỵ. Khi còn sống, ông thường xuyên nấu ăn cho tôi. Ông mất rồi, nhà cửa lạnh tanh, cơm canh không còn ngon miệng. Tôi đã nghĩ ở viện dưỡng lão có đồ ăn thức uống, có những người bạn già khác nên tôi quyết định sống thử.
Lương hưu hàng tháng và khoản tiết kiệm đủ để tôi trang trải cuộc sống trong viện dưỡng lão. Tôi nói với các con về suy nghĩ của mình, chúng rất ủng hộ.
Các con đã giúp tôi chọn một viện dưỡng lão tầm trung với cơ sở vật chất khá tốt. Viện dưỡng lão tổng cộng có năm tầng, trong tòa nhà có thang máy, phòng chơi cờ, phòng sinh hoạt đa chức năng, có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí.
Tôi có thể chọn ở phòng đơn, nhưng vẫn ở phòng 4 người. Tôi là một bà già không muốn cô đơn, không thích sống trong một căn phòng đơn độc.
Chúng tôi ở chung phòng khá cởi mở và vui vẻ. Trong đó bà Lưu và bà Lý có điều kiện kinh tế khá đủ đầy vì thời trẻ biết cách kinh doanh. Nhưng người còn lại là bà Trương thì không được tốt cho lắm.
Tôi vốn nghĩ rằng nếu bà Lưu và bà Lý giàu có như vậy, cuộc sống sau này phải hạnh phúc hơn nhiều so với tôi và bà Trương. Tuy nhiên, thời gian sống trong viện dưỡng lão, tôi phát hiện bản thân đã sai.
Mặc dù bà Lưu giàu có, nhưng điều này đã trở thành trở ngại lớn nhất để an hưởng tuổi già. Bà Lưu có ba đứa con, nhưng họ đã không tiếc tình máu mủ ruột già mà đấu đá lẫn nhau để tranh giành tài sản.
Bà Lưu còn chưa qua đời mà các con buộc mẹ phải lập di chúc. Thế nhưng bà biết, dù chia tài sản thế nào thì các con vẫn không hài lòng.
Để trốn tránh, bà Lưu nghĩ đến việc đến viện dưỡng lão, đồng thời cũng chọn phòng 4 người, vì trong phòng còn có người khác, con cái cũng không làm ầm ĩ.
Mặc dù cách làm này đã ngăn những cuộc cãi vã xảy ra, nhưng khi đến thăm bà Lưu trong viện dưỡng lão, họ không có gì để nói ngoại trừ việc yêu cầu lập di chúc. Bà Lưu cảm thấy buồn vô cùng vì bản thân không có một chút giá trị nào khác ngoài tài sản. Mỗi lần các con vào thăm, bà đều tránh mặt, mong chúng đừng bao giờ đến. Đến hiện tại vẫn duy trì tình trạng giằng co, không có kết quả.
Mặc dù bà Lý cũng rất giàu có, nhưng cuộc sống còn tồi tệ hơn bà Lưu. Sau khi chồng qua đời, bà Lý tìm được một người chồng thứ hai và sống với nhau hơn 10 năm.
Lúc đầu, khi bà Lý tái hôn, những đứa con không hề phản đối. Tuy nhiên, một năm trước, con trai của chồng thứ hai mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị rất cao, phần lớn đều phải đi vay mượn. Chồng thứ hai đã khóc và cầu xin bà Lý giúp đỡ trả nợ.
Bà Lý vốn dĩ không định nói cho con cái chuyện này, trong lòng biết rất rõ, nếu biết chuyện chúng nhất định sẽ không bỏ qua.
Thế nhưng giấy không gói được lửa, chuyện gì đến cũng sẽ đến. Vì chuyện này mà cả gia đình xào xáo suốt một thời gian dài. Chồng thứ hai của bà Lý cũng cảm thấy có lỗi nên quyết định trả lại số tiền mà bà Lý đã hỗ trợ ông trước đó.
Song các con không chịu buông tha, thậm chí còn muốn mẹ giao sổ tiết kiệm cho họ quản lý vì sợ “tài sản vào tay người khác”.
Bà Lý không muốn giao sổ tiết kiệm, nên các con cứ ba ngày lại chạy đến nhà để gây rối. Không còn lựa chọn nào khác, bà chỉ đành “trốn” trong viện dưỡng lão.
Tuy nhiên, điều mà bà không bao giờ ngờ tới là con cái không cho đi chỉ vì sống trong viện dưỡng lão thật lãng phí tiền bạc trong khi bản thân có nhà cửa đàng hoàng. Nếu bà Lý kiên quyết không về, họ sẽ bán nhà và chia tiền.
Mâu thuẫn lớn đến mức cả gia đình còn kiện nhau ra tòa. Nghĩ đến chuyện này, bà Lý chỉ biết thở dài, cho rằng mình đã không biết dạy con.
So với những gì đã xảy ra với bà Lưu và bà Lý, bà Trương và tôi đã sống nhẹ nhõm hơn trong viện dưỡng lão. Căn nhà tôi ở và tài sản hiện tại cũng chẳng đáng là bao. Do đó, tôi cũng không sợ các con bắt tôi lập di chúc và đấu đá lẫn nhau. Mỗi lần con đến thăm, chúng mang theo những món ăn ngon và đối xử với tôi rất tốt.
Con trai của bà Trương cũng rất hiếu thảo. Mỗi lần đến thăm mẹ, cậu đều mang rất nhiều trái cây để chia cho chúng tôi.
Sau khi chồng qua đời, bà Trương cũng già đi, sống một mình trong căn nhà thực sự rất cô đơn nên bà đã chuyển đến viện dưỡng lão, thậm chí còn quyết định nhắm mắt xuôi tay tại đây.
Đôi khi, khi bà Lưu và bà Lý không ở trong phòng, tôi và bà Trương nói đùa với nhau, nói rằng may mắn là chúng ta không mấy giàu có, nếu không cũng khổ tâm như hai người kia.
Sau khi chuyển đến viện dưỡng lão, tôi phát hiện cuộc sống của một người trong những năm cuối đời có hạnh phúc hay không không phải do tiền bạc quyết định. Dù có nhiều của cải đến đâu mà gia đình không hòa thuận, con cái không hiếu thuận thì tuổi già cũng khó an vui.