Câu nói của bác sĩ là động lực
Cách đây 25 năm, đúng vào thời điểm về nghỉ hưu, bà Đặng Thị Minh Nguyệt ( sinh năm 1942, sống tại Hà Nội) nhận tin 'sét đánh ngang tai' - mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn.
"Lúc đó, tôi còn nghĩ giờ đang còn sức khoẻ mà lại nghỉ hưu, không biết ở nhà sẽ làm gì nữa. Nhưng không ngờ bệnh tật ập tới", bà Nguyệt nói.
Nhớ lại thời điểm trước khi phát hiện mắc ung thư đại trực tràng, bà Nguyệt chia sẻ bà bị rối loạn tiêu hoá nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, bà Nguyệt cho rằng có tuổi nên tiêu hoá kém, chỉ cần chú ý tới ăn uống sẽ không có vấn đề gì.
"Thời điểm đó tôi đi ngoài nhiều lắm, có lẫn nhầy máu. Tôi vẫn nghĩ đó là kiết lỵ cho nên có tới một bệnh viện y học cổ truyền khám nhưng uống thuốc kiết lỵ mãi không thấy bệnh khỏi. Sau đó, tôi có đi khám tại bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thì họ giới thiệu tôi tới Bệnh viện K. Lúc đó, bác sĩ có nói với tôi bệnh tiêu hoá tôi mắc không đơn giản là kiết lỵ mà rất có thể là ung thư ác tính", bà Nguyệt nói.
Nghe bác sĩ nhắc tới 2 từ ung thư, bà Nguyệt cũng hoảng hốt, bủn rủn chân tay. Bà cùng người nhà tức tốc tới Bệnh viện K (Bệnh viện K1 – PV) khám, bác sĩ kết luận ung thư đại trực tràng.
Nhớ lại khoảnh khắc tiếp nhận thông tin mắc ung thư, bà Nguyệt nói: "Tôi sợ lắm cô (PV)! Tôi nghĩ ngay 'Thôi chết, mắc ung thư là án tử rồi'. Lúc đó, tôi cũng hoang mang lắm, nhưng khi đọc các tài liệu ở bệnh viện thì tôi biết ung thư vẫn điều trị được nên tôi cũng có một chút lòng tin.
7 ngày sau phẫu thuật tôi được ra viện, thấy sức khoẻ của mình rất tốt. Sau đó, tôi điều trị tia xạ và hoá chất rất mệt mỏi, ăn uống khó. Bác sĩ Nghị (PSG.TS Đoàn Hữu Nghị, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ tịch Hội ung thư Hà Nội) điều trị cho tôi. Bác sĩ có động viên 'Cứ điều trị, mọi thứ sẽ tốt lên'.
Tôi nhớ mãi bác sĩ có nói với tôi một câu: 'Chúng ta ai cũng phải chết, nhưng chị sẽ không chết vì căn bệnh ung thư'. Nhờ câu nói đó của bác sĩ Nghị mà tôi đã vượt qua ung thư, sống khoẻ mạnh tới ngày hôm nay".
Sau điều trị tia xạ, hoá chất, bà Nguyệt vẫn duy trì khám định kỳ trong 25 năm qua. Việc ăn uống của bà trở lại bình thường, không có hiện tượng rối loạn tiêu hoá.
Bên cạnh việc có tinh thần tốt để chiến đấu với căn bệnh ung thư, bà Nguyệt thường tập thể dục đều đặn. Bà chọn cho mình bộ môn thể dục dưỡng sinh để luyện tập hàng ngày.
Ngoài ra, bà còn hăng hái tham gia các chương trình xã hội tại khu phố, hội phụ nữ, hội người cao tuổi... Sức khoẻ cứ lên dần, bà Nguyệt thấy cuộc sống vui tươi.
Chồng nghỉ làm khi biết vợ mắc ung thư
Trong suốt hành trình điều trị ung thư, người có tầm ảnh hưởng tiếp sức về tinh thần cho bà Nguyệt không ai khác chính là người chồng. Quá trình điều trị ung thư nhiều lúc đau đớn, mệt mỏi, ăn uống khó, ngủ kém bà Nguyệt cũng từng nghĩ có nên sống tiếp hay không. Nhưng lúc đó chồng bà lại động viên vợ, tiếp sức cho vợ điều trị. Thậm chí, ông còn xin nghỉ làm về chăm vợ ốm.
"Tôi vẫn còn nhớ mãi những câu nói động viên, sự ân cần của chồng lúc tôi bệnh. Chồng tôi có nói: 'Thôi em cố gắng chữa bệnh để sống với anh và con'. Nhờ câu nói đơn giản của chồng, tôi đã cố giữ gìn sức khoẻ từ ngày đó cho tới được hôm nay".
Ông Phan Sĩ Liên – chồng bà Nguyệt cũng chia sẻ với phóng viên, trước thời điểm bà Nguyệt mắc bệnh thì đúng lúc ông được nghỉ hưu. Nhưng lãnh đạo và một số anh em làm kỹ thuật có động viên ông ở lại làm thêm. Ngay cả bên nước bạn (Trung Quốc - PV) cũng ngỏ ý mời ông sang làm chuyên gia.
"Khi biết vợ mắc bệnh ung thư, tôi xin nghỉ hết mọi công việc đang phụ trách, từ chối các lời mời làm chuyên gia để tập trung chăm vợ.
Thời điểm đó vợ tôi rất lo sợ vì lúc đó ung thư vẫn là cái gì đó kinh khủng lắm. Tôi có nói với vợ 'Mình cố gắng vượt qua đi vì bác sĩ Nghị nói bệnh của mình có thể chữa khỏi được'", ông Liên nói.
Ông Liên vẫn nhớ mãi ngày vợ đi mổ, ông cứ đứng ngồi không yên nguyện cầu cho vợ. Khi bác sĩ ra khỏi phòng mổ thông báo ca mổ thành công, ông mới dám thở mạnh.
Vợ phẫu thuật xong, ông Liên tự mình chăm sóc vợ, từ miếng ăn, giấc ngủ ngay cả việc đi vệ sinh của bà Nguyệt ông cũng không quản ngại. Ông Liên khoe với phóng viên: "Hồi đó ở viện tôi nổi tiếng là chăm vợ khéo".
Bà Nguyệt tiếp lời chồng: "Tôi nhớ hồi đó ông ấy bắt tôi ăn bằng được. Tôi không ăn được cơm thì ông ấy đút cháo, không ăn được cháo thì ông ấy xay ra rồi dùng ống hút nước cho tôi hút".
Theo bà Nguyệt, 25 năm qua, ông Liên luôn nhắc lịch và đưa bà đi khám không bỏ lỡ bất kỳ lần khám nào.
Bằng nghị lực của bản thân, sự động viên từ chồng và bác sĩ, bà Nguyệt từng mắc ung thư nhưng vẫn sống khoẻ mạnh cho tới nay. Khi đi qua căn bệnh bà mới thấy ung thư không có gì quá kinh khủng, thay vì sợ hãi hãy chọn cách chấp nhận và điều trị.
PSG.TS Đoàn Hữu Nghị, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ tịch Hội ung thư Hà Nội, cũng cho biết cách đây 25 năm, bệnh nhân Nguyệt được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng ở giai đoạn không sớm đã có di căn và có chỉ định phẫu thuật. Sau phẫu thuật bệnh nhân được điều trị tia xạ hoá chất và đáp ứng thuốc tốt. Nhờ tinh thần lạc quan và sự chăm sóc chu đáo của chồng mà bệnh nhân vượt qua bạo bệnh dễ dàng.