Người phụ nữ đặc biệt đó chính là bà Đỗ Thị Lan, sinh năm 1930 tại làng Hà Khê, Thanh Khê, Đà Nẵng, chủ quán Món ăn Huế ở đường Pasteur, quận 1, TP.HCM.
Tuổi thơ không được đến trường
Lên năm tuổi mẹ chia tay cha về ở nhà bà ngoại, bà sống với cha và mẹ kế. Bảy tuổi mồ côi mẹ. Cha bà có vài bà vợ khác. Bà kể hồi nhỏ thích được đi học mà các dì không cho. Dì bảo: “Con gái cho học chữ để mai mốt về biên thư cho giai à!”. Vậy là bà ra chợ kiếm sống từ hồi chưa lên 10. Mỗi khi có dịp đi ngang lớp thầy đồ, bà lại lén chui xuống gầm bàn nghe thầy dạy đặng lấy lén được chữ nào hay chữ đấy.
Rồi lớn lên bà kết hôn, tám người con lần lượt ra đời. Năm 1956 bà theo chồng vào Buôn Ma Thuột công tác, năm 1960 gia đình bà xuống Sài Gòn. Năm 37 tuổi, chồng bỏ bà theo người khác. Một thân một mình, lại một chữ cắn đôi không biết, với đàn con nheo nhóc, bà đã làm đủ việc, đủ nghề, miễn công việc đó không xấu xa, tủi hổ để kiếm tiền nuôi con ăn học.
Vì sống trong hoàn cảnh khốn khó nên bà bảo đời bà cần nhất, quý nhất là tiền. Để có tiền, bà làm mọi việc. Từ bán ổ bánh mì 9 đồng bà góp cho đủ 10 đồng đem đi mua chỉ vàng dành dụm cho đến buôn cao đơn hoàn tán, quạt điện, nồi xoong, bán từ bánh khảo cho đến bánh bò rồi đến bánh nậm, bánh bột lọc, cuốn thịt, nem chua, tré.
Kiếm tiền từ những chắt chiu
Không có tiền làm vốn, bà xin người ta bỏ bánh chịu cho bà bán, bán được bà mang tiền trả. Thấy người ta làm nem làm tré bán đắt, bà xin vào phụ quét nhà, rửa chén rồi lén học nghề. Học được cái nghề làm bánh lọc, bánh đúc và các món nem tré, bà dậy sớm thức khuya xay bột làm bánh rồi bưng đi bán. 43 năm bán bánh thì bà có 33 năm làm “trùm” bán hàng rong ở khu vực nhà thờ Đức Bà.
Rất nhiều lần trật tự, công an họ bắt được, bảo ký vào biên bản thì bà bảo: “Tôi không quen nói láo. Gia đình tôi sống nhờ mâm bánh này. Cậu biểu tôi ký, mai tôi bán, cậu thấy tôi nói làm sao. Cậu không cho thì tôi bán lén chứ tôi không ký”. Bây giờ thì phường 19 này người ta ai cũng biết bà, đề nghị giúp đỡ bà, còn miễn thuế cho bà buôn bán.
Có lẽ gánh hàng rong của bà luôn đắt hàng là nhờ chất lượng, điều mà bà luôn đặt lên hàng đầu. Ở Sài Gòn này đắt mấy người ta cũng tới ăn, miễn là ngon. Để làm ra cái bánh, cái nem ngon thì thịt phải thật tươi. Bà thường chọn miếng thịt vừa mổ xong đang nóng hôi hổi. Bánh lọc của quán bà Lan ngoài con tôm đỏ au, tươi ngọt trong mỗi cái bánh thì bột tôm cũng làm từ con tôm xay nhuyễn chứ không phải vỏ tôm xay pha bột màu như rất nhiều hàng quán khác làm.
Ngoài chăm chút cho chất lượng thì giá cả cũng phải chăng, bà nói: “Thà lời 2 đồng một cái bán được 2.000 cái/ngày còn hơn lời 3 đồng mà bán ngày 1.000 cái”. Điều quan trọng cũng không kém là hàng quán phải luôn sạch sẽ, uy tín và đặc biệt là phải kiên nhẫn, kiên nhẫn là mẹ của thành công. Bán hàng muốn đắt thì phải coi trọng khẩu vị và sức khỏe của khách như của chính mình. Khách gọi là phải dạ thưa, khách mắng có muốn trả lời cũng phải dạ thưa trước. Bà hóm hỉnh nghiêng người nói khẽ: “Không gì bằng ngày dạ thưa, chiều lụm tiền, tối ra tiệm Kim Thành mua vàng cô ạ!”.
Khi được hỏi bà không biết chữ liệu có hay tính nhầm cho khách thì bà bảo: “Giờ cô giả làm khách rồi mua bao nhiêu, tôi tính cho cô bấy nhiêu”. Thật đáng kinh ngạc, phép tính nào bà cũng nhẩm nhanh. Sau chín năm ở trọ bà mua cái nhà đầu tiên với giá hơn 150 cây vàng.
Điều ngạc nhiên khi trò chuyện với bà là đức tính cần kiệm, chắt chiu của bà, bà bảo tiết kiệm là thượng sách. Cách bà luôn làm là chỉ tiêu một nửa số tiền cho cả nhu cầu. Giả dụ nếu tiền đi chợ là 20 đồng, bà sẽ chỉ mua 10 đồng. Mua bằng cách ra chợ mua một miếng thịt, luộc kỹ cho nó ra chất ngọt rồi thả rau vào nấu, thế là được một nồi canh ngon. Rồi cắt lấy miếng nhiều mỡ đem xào giá là có đĩa mặn. Miếng thịt còn lại để bữa chiều ram sền sệt lên cho các con ăn. Vậy là để dành ra được 10 đồng.
Quán nhỏ và ước mơ lớn của mẹ
Thoạt nhìn qua cái quán có vẻ sơ sài, giản tiện, đặc biệt khi bên cạnh nó là các cửa hiệu đồ ăn gà rán KFC, Lotte luôn lấp lánh ánh đèn. Cái quán nhỏ của bà nằm đối diện Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Quán đơn sơ với bốn, năm cái bàn chừng hai chục người ngồi, cách bài trí đơn giản nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ.
Lần nào cũng vậy, chúng tôi đến quán đều gặp một bà cụ lưng còng, mắt vẫn sáng tinh anh, giọng sang sảng của người miền Nam Trung Bộ đặc sệt ra chào. Câu chào của bà lúc nào cũng mực thước, trọng thị: “Chào các cô, mời các cô ngồi, các cô ăn gì để em nó mang ra”. Khi gọi món, bà từ tốn giới thiệu: “Dạ thưa, nem của bà làm không có hàn the, phẩm màu hay bất cứ hóa chất nào gây hại cho khách. Sức khỏe của các cô là sự sống của bà”. Bà luôn tin vào điều đó và bảo đấy là kim chỉ nam giúp bà 43 năm bán buôn nuôi tám đứa con ăn học thành người.
Từ cuộc đời vất vả vì không được học hành của mình bà tin rằng nếu không lo cho con học thì nó sẽ không nên người. Khuyên con học hành, bà bảo: “Con hơn nửa điểm người ta lấy ghế cho con, kém nửa điểm con bưng ghế cho người ta ngồi”. Bà bảo mình chẳng có bí quyết gì, chỉ sống và để các con nhìn vào sự vất vả, chắt chiu của mẹ mà cố gắng. Bán hàng có bao nhiêu tiền bà đem đi mua vàng, mua nhà. Bà sợ để tiền con xài rồi sinh lười nhác.
Bây giờ con bà sáu người thì hai ở Mỹ, ba người sống ở Pháp, một người ở Tây Đức, đều đã học ra các ngành kinh tế, bác sĩ. Riêng hai người con ở Việt Nam thì người con út hiện làm bác sĩ ở BV Nhi đồng, còn cô con gái phụ bà công việc bán hàng.
Khi nghe những điều đạt được trong cuộc đời bà, tôi luôn tự hỏi điều gì ở người phụ nữ ấy đã khiến bà có thể chiến thắng hoàn cảnh khắc nghiệt một cách vẻ vang như thế? Câu chuyện cuộc đời bà khiến người ta nhận ra rằng không có gì lớn lao hơn ước mơ của mẹ và không có vẻ đẹp nào bằng vẻ đẹp của sự say mê lao động.
“Cha có lỗi với mẹ chứ không có lỗi với các con” Khi được hỏi bà có hận chồng không, bà bảo giận thì có chứ hận thì không. Hỏi bà có ghen với vợ sau của chồng không, bà im lặng rồi nửa đùa nửa thật: “Bà chỉ thích tiền. Còn cưới bà thì cũng phải theo ba năm mới được cưới, rượu bằng ché, trầu bằng lọng. Dù sao thì bà ấy cũng chỉ hưởng thừa, nước nhất bà đã hưởng rồi. Còn thì chồng chung chồng chạ, ai năng hầu hạ thì được chồng riêng”. Bà bảo: “Tôi hay nói với các con: “Cha có lỗi với mẹ chứ không có lỗi với các con. Không có cha thì không có các con””. Trước khi chồng bà mất ông về sống với bà ba năm. Con trai lớn ở Tây Đức về săn sóc cha. Làm đám tang cho cha xong xuôi giờ anh lại còn ở chơi vài năm nữa với mẹ già. |