Nhiều người nhường suất hỗ trợ an sinh cho các hộ nghèo

Tác động của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thậm chí là phá sản, hàng triệu lao động tự do ở các thành phố lâm vào tình cảnh thất nghiệp, sống cầm cự qua ngày. 

Để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng. Rất nhiều người lao động tự do, người nghèo, người bị ảnh hưởng vì dịch đã được nhận tiền hỗ trợ, nhanh chóng ổn định cuộc sống, công việc.

 - Ảnh 1.

Người lao động tự do, người nghèo bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 được nhận tiền hỗ trợ của chính phủ.

Đối với họ số tiền hỗ trợ ấy chẳng khác nào "phao cứu sinh" giữa thời điểm đầy vất vả. 

Thế nhưng, có những người thay vì nhận khoản hỗ trợ để trang trải cuộc sống trong mùa dịch thì họ lại từ chối và xin nhường lại cho những hoàn cảnh khó khăn, chật vật hơn mình.

Câu chuyện khó tin nhưng lại có thật ở khu phố Chiến Thắng (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội). 

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ chẳng khác nào "phao cứu sinh" đối với người dân giữa thời điểm vất vả này.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa tổ trưởng khu phố Chiến Thắng cho biết, trên địa bàn có một số hộ dù kinh tế không khá giả nhưng họ từ chối nhận tiền hỗ trợ và dành phần này cho người khác.

Không những thế, có những người còn đóng góp thêm các nhu yếu phẩm, thực phẩm như gạo, mỳ tôm… vào phong trào thiện nguyện của tổ dân phố. 

"Trên địa bàn có những hộ bị ảnh hưởng nặng vì dịch Covid-19 nhưng khi chúng tôi đến kê khai, rà soát để họ nhận gói hỗ trợ của chính phủ thì họ từ chối, xin nhường cho hoàn cảnh khó khăn hơn. 

Những người có hành động như trên rất đáng biểu dương và cần phải lan tỏa ra cộng đồng", ông Hòa nói.

Vừa dứt lời, ông Hòa vui vẻ dẫn chúng tôi đến nhà của một trong những người có hành động đầy tình người như vậy.

"Khi cuộc sống còn đủ ăn đủ mặc, tôi đóng góp chút tấm lòng của mình bằng chính khoản hỗ trợ của Chính phủ"

Cách nhà ông Hòa tầm 800 mét, bà Đỗ Thị Chíu (68 tuổi, ở tổ dân phố Chiến Thắng, phường Vạn Phúc, Hà Đông) một mình sống trong căn nhà tình thương cấp 4 do chính quyền địa phương xây dựng.

Bà Chíu là người có hoàn cảnh khó khăn bậc nhất ở phường, bà bị tàn tật từ nhỏ, không gia đình, con cái. Không được linh hoạt như mọi người, lại tuổi già cuộc sống mưu sinh hằng ngày của bà dựa vào số tiền hưu 700 ngàn đồng và quán nước chè vỉa hè. 

 - Ảnh 3.

Dù neo đơn, bị tàn tật nhưng bà Chíu vẫn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong mùa dịch.

Dịch Covid-19 bùng phát, quán nước đóng cửa, mọi chi tiêu của bà đều dựa vào số tiền lương ít ỏi.

Thế nhưng, khi được lập danh sách nhận tiền hỗ trợ của chính phủ, bà Chíu đã chủ động từ chối nhận để nhường lại cho những người nghèo khổ hơn mình.

"Tôi nghĩ rằng, trong lúc dịch bệnh phức tạp, ở đâu đó sẽ còn nhiều gia đình khổ hơn mình. Nhất là những người kiếm sống bằng công việc nhặt ve chai, đánh giày hay là bán vé số… 

Đó là chưa kể những người đang đi thuê nhà trọ, hoặc không có nơi ở ổn định, họ sẽ càng chật vật hơn khi phải lo thêm khoản tiền chi trả cho nơi ở", bà Chíu chia sẻ.

 - Ảnh 4.

Bà Chíu vui vẻ, cho rằng việc làm của mình chỉ bằng hạt cát giữa sa mạc.

Không chỉ dành tiền hỗ trợ cho người khác, bà Chíu còn dành những suất khẩu trang, mua 5 thùng mỳ tôm, thậm chí ủng hộ số tiền 1 triệu đồng cho những hộ nghèo khác.

Nói về việc làm của mình, bà Chíu xua tay, bảo chút lòng thành của mình chẳng đáng là bao, chỉ như hạt cát trên sa mạc, mong được chung tay với nhà nước vượt qua giai đoạn này.

"Trong lúc dịch bệnh tôi không thể giúp đỡ đất nước như các bác sĩ tuyến đầu trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, khi cuộc sống còn đủ ăn đủ mặc, tôi đóng góp một chút tấm lòng của mình bằng chính khoản hỗ trợ, để vừa chia sẻ với đất nước, vừa là động viên, đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn hơn.

 - Ảnh 5.

Ông Hòa nói về việc làm của bà Chíu.

Có thể khoản hỗ trợ của tôi chẳng là bao so với những trường hợp khác nhưng tôi tin, sẽ còn những người nhường suất hỗ trợ an sinh của mình", bà Chíu vui vẻ nói.

Nói thêm về hoàn cảnh của bà Chíu ông Hòa cho biết, bà sống hòa đồng vui vẻ, thương người và được mọi người quý mến.

"Trong khi nhiều trường hợp chưa thể tiếp cận được với gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ thì việc chủ động từ chối nhận tiền hỗ trợ để nhường lại cho những hộ nghèo khác của bà Chíu, chị Duyên đã cho thấy một tinh thần tự chủ và chứa đựng tính nhân văn.

Họ dù khó khăn nhưng vẫn mong muốn được chung vai, gánh vác, sẻ chia với chính phủ. Họ đã cố gắng tự mình khắc phục, tự giải quyết khó khăn khi dịch bệnh phức tạp mà không dựa dẫm hay ỷ lại vào chính sách của nhà nước", ông Hòa nói. 

Cụ bà neo đơn, tàn tật ở Hà Nội từ chối nhận tiền hỗ trợ an sinh để nhường suất cho người nghèo hơn - Ảnh 6.