Trong thời đại công nghệ phát triển đỉnh cao như hiện nay, các thiết bị điện tử thông minh như smartphone, ipad bỗng trở thành vật dụng không thể thiếu ở mỗi gia đình. Thậm chí, có bố mẹ còn sắm cho mỗi đứa con 1 cái điện thoại để khỏi phải mượn của bố mẹ hay tranh giành nhau.
Mặc dù đã biết tác hại của việc cho trẻ em xem điện thoại nhiều, nhưng vì một mình phải xoay xở chăm sóc cho cậu con trai 6 tuổi trong khi chồng đi làm xa, chị Tôn, sinh sống ở Trung Quốc, vẫn thỉnh thoảng lấy điện thoại làm "mồi nhử" để con ngồi yên một chỗ lúc mẹ bận việc.
Ban đầu, bà mẹ này chỉ có con xem điện thoại lúc mình bận việc, nhưng dần dần, chị cho con xem điện thoại ngay cả khi bản thân rảnh rỗi chỉ vì muốn tận hưởng thời gian tự do của mình.
Theo thời gian, con trai của chị Tôn ngày càng yêu thích điện thoại, cậu bé luôn nũng nịu nói với mẹ rằng: "Mẹ ơi, con muốn xem điện thoại, con hứa sẽ thật yên lặng cho mẹ làm việc". Cứ mỗi lần nghe con nói vậy, bà mẹ này lại đưa ngay điện thoại cho con mà không hề nhận ra rằng con mình đang ngày càng nghiện điện thoại.
Cách đây vài hôm, chị Tôn chợt thấy đôi mắt của con trở nên khác lạ. Lòng đen dường như biến mất và bé có biểu hiện bị lác mắt. Chị rất lo lắng nên đã đưa con đi khám chuyên khoa mắt ngay.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán đứa trẻ bị lác mắt mà nguyên nhân là do xem điện thoại quá lâu trong một thời gian dài. Vì nhìn tập trung vào một chỗ trong một thời gian dài, lâu dần sẽ khiến các cơ quanh mắt làm việc quá sức và bị tổn thương. Các cơ không thể phục hồi nhanh chóng nên mắt sẽ bị lác. Nghe đến đây, bà mẹ trẻ gần như ngã quỵ.
Tác hại của điện thoại di động đối với trẻ em
Theo Jeanne Williams, một nhà tâm lý học trẻ em và nhà trị liệu trò chơi có trụ sở tại Edmonton (Canada), khi mới sinh, não của một em bé có hàng trăm tỷ tế bào thần kinh, hầu hết chúng không được kết nối với nhau. Các tế bào thần kinh bắt đầu hình thành kết nối với nhau khi đứa trẻ tương tác với cha mẹ và những người xung quanh chúng. Ví dụ khi con mỉm cười và được cha mẹ mỉm cười đáp lại, hoặc khi con khóc và cha mẹ đáp lại bằng một cái ôm.
Đây là kiểu tương tác gọi nôm na là "giao bóng và trả lại" bởi chúng hoạt động giống như một trò chơi trong đó quá bóng được chuyền qua chuyền lại. Nhờ quá trình tương tác này, các tế bào thần kinh trong não của trẻ được kết nối lại, từ đó các kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp cũng như học tập được tăng lên.
Tuy nhiên, nếu trẻ dành quá nhiều thời gian để xem và chơi trên điện thoại và ipad thì đó là sự tương tác một chiều. Trẻ nhận được các thông tin từ điện thoại nhưng không thể tương tác lại được và ngược lại khi trẻ có nhu cầu tương tác thì điện thoại lại không thể nhận diện để "chuyền bóng lại". Việc này sẽ dẫn đến một số hậu quả sau:
- Các vấn đề về hành vi: Trẻ em ở độ tuổi tiểu học xem tivi hoặc sử dụng điện thoại hơn 2 giờ mỗi ngày có nhiều khả năng gặp các vấn đề về cảm xúc, xã hội và sự chú ý. Vì khả năng giao tiếp tương tác với người khác của trẻ sẽ rất thấp, con khó có thể hòa mình vào môi trường xã hội khi đi học hoặc đi chơi với bạn bè.
- Các vấn đề về giáo dục: Những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học có ti vi trong phòng ngủ sẽ học hành kém hơn các bạn.
- Các vấn đề về sức khỏe: Vì chỉ ngồi yên một chỗ xem điện thoại, ipad hay tivi nên trẻ ít tham gia vận động, từ đó trẻ có nguy cơ thừa cân béo phì. Chưa kể, trong khi xem, trẻ luôn phải cúi thấp đầu, khiến cho cột sống bị vẹo, gù lưng về sau này
- Các vấn đề về giấc ngủ: Nhiều cha mẹ cho rằng để con chơi điện thoại hoặc xem tivi trước khi đi ngủ là một cách thư giãn giúp con ngủ ngon hơn. Nhưng thực tế thì ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử sẽ cản trở chu kỳ ngủ trong não dẫn đến việc trẻ khó ngủ hay mất ngủ.
Để bảo vệ mắt của con khi xem điện thoại, cha mẹ cần nhớ một số quy tắc
Sau khi nêu rõ nguyên nhân bị lác mắt, bác sĩ cũng khuyên chị Tôn cũng như các cha mẹ khác khi cho con xem điện thoại nên áp dụng một số quy tắc sau:
- Khi sử dụng điện thoại, hãy để mắt và màn hình điện thoại cách nhau một khoảng là 30 cm, không được đưa mắt gần sát vào màn hình.
- Không vừa nằm vừa xem điện thoại mà nên đặt điện thoại trên chiếc bàn còn trẻ ngồi lên ghế xem.
- Môi trường xem điện thoại không nên quá tối hoặc quá sáng.
- Không xem điện thoại liên tục quá lâu. Thông thường, trẻ cần cho mắt nghỉ ngơi sau 20 phút xem và không nên xem quá 2 giờ/ngày.
- Sau mỗi lần xem xong nên nhìn ra xa để mắt được thư giãn và không bị mỏi.
Nói tóm lại, chơi điện thoại trong thời gian dài không chỉ có hại cho mắt mà còn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Thế nên, tốt nhất là bạn không nên cho con xem điện thoại quá nhiều. Thay vào đó, bạn hãy cho con trải nghiệm cuộc sống thực bằng những chuyến dạo chơi ở công viên mỗi chiều, hay những chuyến du lịch, đi khám phá bảo tàng, thư giãn ở khu vui chơi… Đây chính là cách tốt nhất để bạn bảo vệ con an toàn trong thế giới phẳng hiện nay.
Trong trường hợp con muốn xem điện thoại, bạn nên kiểm soát chặt chẽ thời lượng con xem. Đồng thời bạn nên dành thời gian ngồi xem cùng con. Việc này vừa giúp bạn biết thêm về các chương trình mà con đang xem, vừa tương tác để con hiểu cái nào xấu và cái nào tốt cần học hỏi.
Nguồn: Sohu, Parent, Family