"Cây gạo đại thụ" dịch thành: “PLANT RICE UNIVERSITY ACCEPTANCE”

Ít ngày nay, cộng đồng mạng cười sặc vì tấm bia chứng nhận cây gạo 700 năm là cây di sản Việt Nam. Lễ công nhận cây di sản được tổ chức cách đây 2 năm tại Hải Phòng. Điều đáng ngạc nhiên là buổi lễ được diễn ra khá long trọng và có nhiều quan chức địa phương cũng như Trung ương nhưng tấm bia lại được dịch sang tiếng Anh một cách ngớ ngẩn.

Cư dân mạng chết cười vì những lỗi dịch thuật ngớ ngẩn 1
Tấm bia được cộng đồng mạng share nhiệt tình nhiều ngày qua.

Theo đó, cụm từ “Cây gạo đại thụ” được dịch thành “PLANT RICE UNIVERSITY ACCEPTANCE”; “Giáp thân” dịch thành “BODY ARMOR”.

Người làm công việc điêu khắc hoặc người được giao nhiệm vụ làm tấm bia trên đã dùng Google Translate để dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Cụ thể như sau:
Với cụm từ "cây gạo đại thụ" thì: Cây = PLANT; Gạo = RICE; Đại (trong từ đại học) = UNIVERSITY; Thụ = ACCEPTANCE. Nhưng "cao tay" hơn lại với từ "Giáp Thân", được dịch: Giáp = ARMOR; Thân = BODY

Với việc lỗi sai ngớ ngẩn này khiến cư dân mạng thi nhau share và bức ảnh trở nên có sức lan tỏa chóng mặt. Bỗng chốc tấm bia trở thành tâm điểm tranh cãi của các "anh hùng bàn phím". Chia sẻ trên facebook, bạn Schenker nói: “Tham dự lễ công nhận cây di sản VN toàn là các TS – GS – chủ tịch – bí thư này kia mà 1 lỗi thế này thì không thể chấp nhận được”.

“Wellcome tu Tay Yen Tu”

Cách đây chưa lâu, cộng đồng mạng cũng được một phen chết cười với tấm biển tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử.

Cư dân mạng chết cười vì những lỗi dịch thuật ngớ ngẩn 2
Đọc sao viết vậy!

Tấm biển chỉ dẫn khách nước ngoài đến với Khu bảo tồn thiên nhiên, ngay từ Welcome cũng viết sai thành Wellcome. Đây là từ viết sai khá phổ biến trên khắp nước ta. Nhưng điều đáng nói là từ To thì “đọc sao viết vậy” nên biến thành Tu!

Chào mừng và tạm biệt nhầm một cách tai hại

Cư dân mạng chết cười vì những lỗi dịch thuật ngớ ngẩn 3
Kính chào quý khách nhưng dịch sang tiếng Anh lại là See you again!

Cư dân mạng chết cười vì những lỗi dịch thuật ngớ ngẩn 4
Hẹn gặp lại dịch sang tiếng Anh là Welcome to!

Hai tấm biển tại Lạng Sơn là minh chứng cho điều này. Cụ thể, tấm biển thứ nhất có tựa “Lạng Sơn kính chào quý khách” thì khi dịch sang tiếng anh thành “See you again Lang son”, vừa sai cấu trúc tiếng Anh vừa nhầm nội dung ("see you again".mang nghĩa "hẹn gặp lại") Còn tấm biển thứ hai có tựa “Lạng Sơn hẹn gặp lại” dịch thành “Welcome to Lang Son”.

Không biết lỗi do đơn vị thiết kế hay in ấn, nhưng với tấm biển đại diện cho một tỉnh thành thì quả thật "cười ra nước mắt".

“Bánh gối” dịch thành “gối ngủ”

Tại một nhà hàng, để giúp thực khách nước ngoài biết tên những món ăn thì chủ nhà hàng đã viết song ngữ trên tấm biển. 

Cư dân mạng chết cười vì những lỗi dịch thuật ngớ ngẩn 5
Bia của những đứa trẻ?!

Với món ăn là bánh gối, đã được chủ nhà hàng biến thành Pillow có nghĩa là “gối để ngủ”. Chưa dừng lại ở đó, cụm từ "bia các loại" được dịch sang tiếng anh là "Beer of oh fferent kids", hiểu qua loa là: “Bia của những đứa trẻ”, còn "fferent" là gì??? Đó là hai lỗi nực cười nhất nhưng chưa phải là tất cả lỗi dịch thuật trên tấm bảng thực đơn này.

Đúng là dịch thuật, không hiểu thì đừng làm, đã làm thì cần đúng!