Từ “Con dế mèn” đến “Dế mèn phiêu lưu ký”

Đọc dòng chữ ngắn ngủi ghi cuối cuốn truyện "Dế mèn phiêu lưu ký": "12/1941, hẳn bạn đọc nào cũng nghĩ ngay đó là thời gian và không gian tác giả viết nên cuốn sách. Kỳ thực, thời gian Tô Hoài bắt đầu viết "Dế mèn phiêu lưu ký” sớm hơn và cuốn truyện ngay trong lần xuất bản đầu cũng không đầy đặn như cuốn truyện bạn đọc đang có trong tay ngày hôm nay.

Cư dân mạng tiếc thương "Ông Dế mèn" Tô Hoài 1
Tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký

Theo những gì Tô Hoài kể lại, nhà văn nhận được đơn “đặt hàng” của chủ nhà xuất bản Tân Dân viết về đề tài thiếu nhi, nhưng ban đầu nhà văn vẫn băn khoăn không biết viết gì. Trong một bài báo in trên Văn nghệ Công an số Tết Quý Tỵ 2013, nhà văn Tô Hoài kể: "Tôi ngồi tha thẩn đầu làng bên cửa sông Tô Lịch, trông ra dòng nước quanh co. Trên bãi cỏ cạnh gò cỏ, có mấy đám trẻ đang múc nước đúc dế. Chúng tôi hàng ngày những lúc thong thả vẫn ra bãi sông để chơi đúc dế. Những con dế mèn được đúc bỏ vào rọ, đêm đi chơi cho dế vật nhau. Tôi đã đúc dế, chơi dế từ năm lên mười, bên cây gạo có hoa đỏ ối từ bao năm nay. Tôi chợt nghĩ: hay là ta viết chuyện con dế mèn, con dế mèn ta đúc, ta chơi chọi dế từ bao năm nay".

Thế là truyện “Con dế mèn” ra đời. Bản thảo gửi đi, hơn một tháng sau thì nhà văn được ông chủ nhà xuất bản Tân Dân cho người kéo xe tay tới tận nhà (ở làng Nghĩa Đô) mời lên nhà in nhận sách và nhuận bút. Truyện "Con dế mèn", tiền thân của "Dế mèn phiêu lưu ký" đã "trình làng" như thế. Sách in lần đầu tại nhà xuất bản Tân Dân năm 1941, với vẻn vẹn chỉ 30 trang in, là 3 chương đầu của cuốn "Dế mèn phiêu lưu ký" hiện nay. Truyện "Con dế mèn" bán rất chạy. Ông chủ nhà xuất bản Tân Dân hào phóng trả cho nhà văn 10 đồng nhuận bút và mời viết tiếp truyện "Con dế mèn".

Cũng như lần trước, phần tiếp theo của "Con dế mèn" bán rất chạy. Tuy nhiên, để có một "Dế mèn phiêu lưu ký" hoàn chỉnh như chúng ta thấy hiện nay thì phải đến năm 1954, khi tác giả cho nhập hai cuốn "Con dế mèn" và "Dế mèn phiêu lưu ký" làm một trong một bản in ở NXB Thanh niên.

Tính đến nay, "Dế mèn phiêu lưu ký" đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Ba Lan, Nam Tư, Rumani, Cuba, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan…; trở thành tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất (do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận vào năm 2006).

Cư dân mạng tiếc thương "Ông Dế mèn" Tô Hoài 2
Nhà văn Tô Hoài trong dịp dự lễ kỷ niệm "Dế mèn phiêu lưu ký" 70 tuổi (năm 2012)

Thế giới loài vật trong tác phẩm của Tô Hoài

Trong kho truyện thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài, có một tập hợp những câu chuyện đồng thoại viết về những con vật quen thuộc sống quanh ta, như truyện Võ Sĩ bọ ngựa, Đám cưới chuột, Mụ Ngan, Con mèo lười, Cá đi ăn thề, Dê và lợn, Bốn con gà, Trê và Cóc, Bướm rồng Bướm ma… Nhà văn Tô Hoài có biệt tài quan sát tập tính các loài vật hơn bất cứ nhà văn Việt nào từ trước tới nay. Ông mô tả loài chuột gồm đủ mặt từ chuột nhắt, chuột cống, đến chuột cộc, chuột bạch, chuột xù... Tất cả bọn chúng đều ngơ ngác nhìn quanh quẩn. Như là họ hít phải cái không khí lạ. Như là họ chẳng quen bò giữa nơi khoáng đãng. Và họ lại nối đuôi nhau, tha thẩn, từ từ bò vào, cũng như lúc bò ra.

Cư dân mạng tiếc thương "Ông Dế mèn" Tô Hoài 3
Tuyển tập tác phẩm thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài

Ông mô tả về các con vật thì không ai có thể viết hay hơn. Đây là chú mèo mướp lừ đừ nghiêm nghị tựa một thầy dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào cũng nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm. Còn cậu gà trống gi bé nhỏ sống côi cút một thân, một mình khi còn trẻ nhỏ.

Ấy vậy mà lớn lên lại có bộ mặt khinh khỉnh ta đây. Đặc biệt là tính đa tình có tật mê gái, như cái tính chung của loài gà - cả của loài người - khi mới lớn lên. Cái anh chàng gà chọi thì ôi thôi nhất sinh chỉ có một nghề đi đánh lẫn nhau cho người ta xem và như lúc nào cũng chỉ ngứa ngáy chân tay. Là một anh hùng hảo hán, nhưng chàng chọi ta chẳng thiết gì đến con cái, trong đầu chỉ đem những ý tình ma chuột, hay thích đi ve gái.

Oái oắm là khi gặp một cuộc bể dâu, họ nhà gà chết dần, chết mòn, chàng gà chọi dù anh hùng, lẫm liệt nhưng rồi cũng ngoẻo, chỉ để lại một mình chị mái già, ra lại vào, ngẩn ngơ. Thảm hại nhất là đôi vợ chồng gà gi đá tựa vợ chồng quê mới rủ nhau lên tỉnh. Họ lờ khờ, ngẩn ngơ, xấu xí - nghĩa là đặc nhà quê.

Còn Mụ ngan già vốn sẵn cái tính ngu tối, chậm chạp đến mức những thân nhân của mình như chồng con, em út gặp nạn có khi bị chết bất đắc kỳ tử vì dịch cúm gia cầm, mụ vẫn coi như không hề có chuyện gì xảy ra. Kể cả khi bị đá, bị đuổi đánh, bị bỏ tù thì mụ vẫn không hiểu chi. Hơn thế nữa khi chồng mụ bị làm thịt, mụ vẫn thản nhiên coi như đấy là chồng người khác. Mụ ngan chỉ nhớ rõ nhất một điều là khi có hạt ngô đo đỏ, hạt thóc vàng vàng, tàu lá xanh xanh thì xô đến mà khởi cái sự ăn cho đầy diều. 

Khi viết về loài vật, Tô Hoài đã quan sát tỉ mỉ để làm nên những trang viết sinh động. Tính cách loài vật đi vào truyện của ông thường gắn liền với những thói quen của trẻ em. Dù thói quen tốt hay xấu thì qua đó nhà văn cũng lồng vào những bài học nhẹ nhàng, mang tính giáo dục sâu sắc

Cư dân mạng tiếc thương "Ông Dế mèn" Tô Hoài 4
Chân dung nhà văn Tô Hoài

Cư dân mạng tiếc thương "Ông dế mèn"

Tin nhà văn Tô Hoài về bên kia thế giới do tuổi cao, sức yếu vào chiều ngày 6/7 đã gợi lại rất nhiều kỷ niệm tốt đẹp của nhiều thế hệ người Việt Nam. Trên mạng xã hội facebook, rất nhiều dòng chia sẻ, loan tin về sự ra đi của "Ông dế mèn".

Tác phẩm của Tô Hoài về tuổi thơ có rất nhiều. Nhưng có lẽ, Dế mèn phiêu lưu ký là cuốn tiểu thuyết sống theo năm tháng nhất cho dù thế hệ nào đi nữa, thì tinh thần dũng cảm, phiêu lưu, sự độc lập của chú dế mèn trong tác phẩm rất đáng được học tập, ngưỡng mộ.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ, đọc tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký như truyền thêm sự phiêu lưu trong con người, tính độc lập cũng được tôi rèn. Có bạn còn lấy câu mở đầu của tác phẩm này làm phương châm sống của mình. Bạn T.N chia sẻ trên trang cá nhân: "Câu cửa miệng của mình khi xưa là "tôi sống độc lập từ thủa bé". Không kể những trích đoạn thì mình đã đọc Dế mèn phiêu lưu kí khoảng 5 lần. Là câu chuyện hồi lớp 3 làm tâm hồn mình rung động".

Bạn thảo dipkin thì chia sẻ: "Hồi nhỏ mình đọc rất nhiều tiểu thuyết thiếu nhi nhưng văn học Việt Nam chỉ thấy cuốn truyện Dế mèn phiêu lưu kí là khiến mình hăng say đọc, thích không kém gì so với cuốn "cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer". Mười mấy năm rồi, giờ nghe tin bác mất dường như "Dế mèn phiêu lưu kí" lại tua lại lần nữa trong đầu".

Một bạn có nick keke lại gây xúc động khi thật thà: "Tuổi thơ của cháu tuy không đói ăn, nhưng mơ ước một quyển truyện là rất khó khăn. quyển truyện đầu tiên cháu đc cầm là "Dễ Mèn phiêu lưu kí" của cụ, cháu đã mượn nó, và đã đọc hết trong một ngày. Chú dế Mèn và Trũi là thần tượng của cháu".

Ngoài ra, tác phẩm truyện ngắn: Vợ chồng A Phủ cũng là một trong những câu chuyện có sức sống của nhà văn Tô Hoài với nhiều thế hệ.  

Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh ngày 07/9/1920 tại xã Kim An, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Nhưng tuổi thơ ông sống ở quê ngoại gắn liền với con sông Tô Lịch ở làng Nghĩa Đô, thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), nên ông lấy bút danh là Tô Hoài. Ngoài ra ông còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Phạm Hòa. Ông bước lên văn đàn Việt Nam từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, đến nay đã hơn 80 năm cầm bút. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, đợt I, năm 1996, cho cụm tác phẩm: Dế mèn phiêu lưu ký, Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ…

Nhà văn Tô Hoài qua đời vào ngày 6/7/2014 tại Hà Nội, thọ 95 tuổi.